- Khu vực hồ Tuy Lai, nơi 8 nữ sinh chết thảm, khá nguy hiểm với nước sâu, rêu trơn trong khi các em nữ sinh đều không biết bơi và biển cấm lại sơ sài. Đó là “phần nổi tảng băng” trong khi đi tìm nguyên nhân của vụ tai nạn đắng lòng này.


Vụ việc 8 em học sinh nữ thuộc khối lớp 7 và 8 trường THCS An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bị chết đuối vào ngày 12/9 đã khiến dư luận bàng hoàng. 

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Được biết, khu vực đập tràn (hay còn gọi là hồ Tuy Lai) nơi 11 em học sinh xuống tắm là khu vực rất nguy hiểm, nước sâu, bên dưới đều là các rãnh, cống xả nước. Ngoài ra, đập được xây thoải, mặt đập bị rêu phủ nên người dân rất dễ trượt chân.

Hệ thống hồ Tuy Lai có tới 3 hồ liền kề nhau. Khu vực 8 em học sinh bị đuối nước thuộc hồ 2. Hồ chứa nước Tuy Lai 2 rộng khoảng 400 ha, vào những ngày hè người dân quanh vùng đến đây tắm rất đông.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự ở khu vực này. Theo người dân địa phương, gần như năm nào tại hồ Tuy Lai đều xảy ra những cái chết thương tâm. Trước đó, mùa hè 2010, trong ngày tổng kết năm học, một học sinh trường THCS xã Tuy Lai cũng đã bị đuối nước tử vong. Ngoài ra, cũng từng có 2 học sinh nam của trường THPT Mỹ Đức B bị đuối nước ở đây.

Xung quanh khu vực mép hồ được xây đá kè thoai thoải với chiều dài khoảng 4m. Bề mặt kè này có nhiều rêu và dễ trơn trượt khi tắm - (Ảnh: VietNamNet)

 

Trong khi đó, chính quyền địa phương chỉ cho cắm những tấm biển nhỏ, rất ít tác dụng cảnh báo. Theo nhiều người dân, hồ này vốn rất sâu có đoạn nước sâu tới 4 m.

Sau tai nạn, chính quyền UBND xã Tuy Lai đã kiến nghị huyện Mỹ Đức khắc phục lại đập tràn bằng việc xây các bậc để tránh tình trạng người dân bị trượt chân.

Ông Đinh Tất Tố, Chủ tịch UBND xã Tuy Lai, cho biết trên Phapluattp.vn, chính quyền xã hằng năm đều có thông báo về mức độ nguy hiểm của lòng hồ trên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời, lực lượng công an xã cũng thường xuyên tuần tra, phát hiện những em đi tắm mà không có người lớn đi cùng.

“Tuy nhiên, hôm xảy ra sự việc vào buổi trưa, lại đúng khu vực ít người qua lại nên chúng tôi cũng không lường trước được”, ông Tố thừa nhận

Trên bee.net.vn, ông Bạch Thành Long, Trưởng công an xã Tuy Lai cũng cho biết: “Về địa giới hành chính, hồ Tuy Lai thuộc xã Tuy Lai, nhưng về quản lý, khai thác lại không thuộc về xã". Về trách nhiệm trong việc quản lý thì ông Long cũng nhấn mạnh: “Diện tích hồ quá rộng, trong khi công an xã lại quá nhiều công việc để giải quyết nên không thể ngày nào cũng vào trông coi hồ được”.

Không em học sinh nào biết bơi.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều độc giả thắc mắc vụ việc xảy ra vào khoảng 15 giờ chiều là khoảng thời gian học sinh còn đi học tại sao nhà trường không quản lý học sinh để xảy ra tai nạn trên?

Tuy nhiên, trên báo An ninh thủ đô, thầy Nguyễn Đăng Khang, Hiệu trưởng trường THCS An Mỹ, cho biết: “Buổi sáng 12/9 các em đi học đầy đủ như bình thường, nhưng buổi chiều các em được nghỉ học nên tự ý đi chơi, đi tắm hồ nhà trường không nắm được được”.

Điều đáng buồn trong vụ việc này là các em học sinh này đều không biết bơi. Khởi nguồn của tai nạn là do bất cẩn nên 1 nữ sinh đã bị trượt chân xuống hố sâu. Để cứu bạn, các em đã nhoài người để kéo, trong lúc hoảng loạn các nữ sinh này đã tự níu, dìm nhau xuống dẫn đến hậu quả đau lòng.

Thầy Nguyễn Đăng Khang cũng cho biết thêm: Từ nhiều năm nay Trường THCS An Mỹ rất quan tâm và thường xuyên giáo dục học sinh về mức độ nguy hiểm của hồ chứa nước Tuy Lai. Tuy nhiên, nhà trường chỉ dạy được lý thuyết cho các em còn thực hành thì không có, vì nhà trường không có hồ bơi. Thậm chí nếu đưa học sinh ra hồ thì vẫn khó khăn trong công tác quản lý và áo phao.

“Khi nào hết học bơi trên sách?”

Vụ tai nạn đau lòng khiến 8 nữ sinh chết thảm khiến nhiều độc giả rất đau lòng. Nhiều bạn đọc cho rằng, trong vụ việc này cả nhà trường lẫn phụ huynh đều phải nhận trách nhiệm và quan trọng hơn cả là bản thân các em quá thiếu kĩ năng để tự cứu mình trong lúc hoạn nạn.

Trên Dân trí, một bạn đọc chia sẻ: “Đây là một nỗi đau lớn cho địa phương và việc này cần phải rút kinh nghiệm nếu không muốn hậu quả tương tự xảy ra. Trách nhiệm thuộc về các ngành các cấp, nhà trường và Gia đình” Bạn đọc Nguyenkhang cũng đồng tình: “Trước hết, mỗi gia đình và nhà trường nên dạy cho con em và học sinh của mình các biện pháp phòng tránh, các kĩ năng để các em biết phòng nguy hiểm cũng như biết thoát thân những lúc gặp nạn. Đây là giải pháp bền vững và có hiệu quả nhất”.

Độc giả Phan Ngọc Yến lại cho rằng: “Phải công tâm mà nói, trên đất nước ta có cả trăm ngàn hồ nước lớn nhỏ, kênh rạch chằng chịt đều là nguồn nguy cơ xảy ra đuối nước. Nếu con người vô ý, không có kinh nghiệm, hoặc thiếu ý thức, thậm chí cố ý vi phạm... thì có cắm vài chục triệu tấm bảng cấm cũng chẳng ngăn được tai nạn đuối nước. Cái lỗi của người lớn chúng ta trong đó có các gia đình là không giáo dục nhận thức việc nào là việc cấm làm, hành động nào có thể gây nguy hiểm, ý thức phòng ngừa, tự bảo vệ mình, sau cùng là kỹ năng bơi lội, cứu nạn”.

Trên báo VietNamNet, bạn đọc Quỳnh Chi (TP. HCM) cũng nhấn mạnh: “Nhà trường dạy bơi cho học sinh xin đừng là lý thuyết”. Theo bạn Quỳnh Chi, việc dạy môn bơi lội cho học sinh là rất cần thiết vừa có lợi cho sức khỏe lại là một kỹ năng sống tốt cho giới trẻ. "Tuy nhiên, học phải đi đôi với hành, nếu chỉ học trên lý thuyết làm sao các em tự đối phó được với các hiểm họa? Thậm chí, các ông bố bà mẹ, gia đình nào có con nhỏ cũng cần quan tâm cho các cháu đi học bơi ngay để các cháu có thể tự bảo vệ chính mình khi không có người lớn bên cạnh".

P. Lam (Tổng hợp)