- Nhiều người dân cho rằng, đây không phải là khu du lịch sinh thái hay khu vui chơi, đáng lẽ các đơn vị quản lí phải ngăn cấm sát sao không cho người dân đến hồ tắm vì mực nước khá sâu, mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn bất cứ khi nào.
>> Nóng trong ngày: Tiễn đưa 8 nữ sinh
>> Xót xa đám tang 8 học sinh chết đuối
>> 8 đám tang ở 2 thôn nghèo
>> Nhân chứng kể lại vụ 8 nữ sinh chết
>> Clip: Hiện trường 8 nữ sinh chết đuối
>> Hiện trường 8 học sinh chết đuối thương tâm
Biển “Cấm tắm” sơ sài!
Theo tìm hiểu, hồ chứa nước Tuy Lai thuộc địa bàn xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội rộng hàng trăm hecta, có mực nước sâu. Do hồ này chạy song song với khu vực núi Trời (núi đá vôi) nên nước rất lặng và trong, cảnh vật khá nên thơ.
Hệ thống hồ Tuy Lai có ba hồ liền kề nhau, tại khu vực nơi xảy ra vụ 8 em học sinh bị đuối nước thuộc hồ Tuy Lai 2.
Lác đác vài biển báo “Cấm tắm” hay cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm cắm sơ sài ở trong lòng hồ… nhưng nó trở nên quá nhỏ bé giữa hồ nước lớn - (Ảnh: Anh Tuấn) |
Trước đây, tại khu vực hồ này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Năm 2009, có vụ đuối nước khi nhiều em học sinh trong trường THCS Tuy Lai ra khu vực hồ tắm. Đến năm 2010, có 2 em học sinh lớp 12 trường THPT Mỹ Đức đã chết thảm khi xuống tắm hồ ở đây.
Thế nhưng, theo thông tin từ phía người dân sống sát tại khu vực hồ, hàng ngày, vào buổi chiều từ lúc 4h đến 7h có hàng chục người vào tắm, nhiều người ở xã bên cạnh cũng sang.
Trong số đó, có đầy đủ mọi lứa tuổi, từ trẻ em 5-6 tuổi theo bố mẹ đi đến học sinh cấp 1, cấp 2 và cả người già cũng kéo đến hồ tắm.
"Chiều nào cũng vậy, nhất là mùa nóng, ở đoạn hồ này đông nghịt người tắm, tiếng nói cười không ngớt” - bác Nguyễn Thị Hợp - người dân thôn Sau Sái, xã Tuy Lai cho biết.
Thời điểm xảy ra vụ đuối nước thương tâm vào khoảng 1h trưa ngày 12/9, khu vực hồ ở giữa cánh đồng cách xa khu dân cư nên rất hoang vắng và ít người qua lại. Vì thế, tiếng kêu cứu khản giọng của nữ sinh cấp 2 đã chẳng đủ cho người dân nghe thấy.
Hồ Tuy Lai – nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 8 nữ sinh bỏ mạng - Ảnh: Anh Tuấn |
“Nếu bọn trẻ không tắm trưa thì mọi chuyện không đến nông nỗi này. Nghe thấy tiếng kêu cứu, hơn 15 phút tôi mới chạy ra đến nơi chỉ thấy xe đạp, áo, cặp xách học sinh… dựng ngổn ngang ngay trên bờ” - bác Hợp kể.
Anh Đinh Văn Sĩ, một người dân sống tại lều trông khu vực hồ ao bên cạnh thở dài đau xót: “Hồ này năm nào cũng có người chết, vừa năm ngoái chết một đứa học sinh cấp 3 đến năm nay, bây giờ lại xảy ra nhiều cái chết thương tâm quá”.
Quan sát tại khu vực hồ Tuy Lai rộng hàng trăm hecta, xung quanh có thấy lác đác vài biển báo “Cấm tắm” hay cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm cắm sơ sài ở trong lòng hồ… nhưng nó trở nên quá nhỏ bé giữa hồ nước lớn.
Nhiều người dân cho rằng, đây không phải là khu du lịch sinh thái hay khu vui chơi… đáng lẽ các đơn vị quản lí phải ngăn cấm sát sao không cho người dân đến tắm vì ở đây mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn.
Ai quản lí hồ?
Trao đổi với PV, ông Bạch Thành Long- Trưởng Công an xã Tuy Lai cho biết: “Vào dịp hè, có hàng trăm lượt người vào hồ tắm, trong đó có nhiều em học sinh. Ở khu vực trên bờ hồ Tuy Lai đã có biển cảnh báo nguy hiểm về độ sâu.
Ngoài việc cho cắm biển cảnh báo nguy hiểm, địa phương còn có thông báo trên loa đài địa phương, gửi về các trường học để tuyên truyền, các buổi chiều thường ngày chúng tôi vẫn cho lực lượng đi tuần tra. Nếu phát hiện các cháu nhỏ vào khu vực hồ sẽ nhắc nhở, không cho các cháu xuống hồ tắm".
Ông Bạch Thành Long – Trưởng Công an xã Tuy Lai cho biết: “Vào dịp hè, có hàng trăm lượt người vào hồ tắm” - Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Long cho biết thêm, hầu hết các vụ chết đuối từ trước đến nay ở khu vực hồ này là do nạn nhân là người không biết bơi.
Theo ông Long, về địa giới hành chính, hồ Tuy Lai thuộc xã Tuy Lai, nhưng về quản lý, khai thác lại không thuộc về xã mà do nhà thầu quản lí.
Cụ thể, về đê, nước thuộc công ty khai thác công trình thủy lợi Mỹ Đức quản lý. Còn trong lòng hồ, việc tận thu khai thác tiềm năng thuộc Công ty du lịch dịch vụ thủy sản Quan Sơn quản lí.
Cũng theo ông Long, do diện tích hồ quá rộng, nên công tác trông coi, ngăn cấm người dân ra tắm không phải lúc nào cũng có thể thực hiện sát sao được.
Liên quan đến vụ việc đau lòng hôm 12/9, PV đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Đăng Khang – Hiệu trưởng trường THCS An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội).
Theo thầy Khang, buổi chiều ngày 12/9, cả 11 em học sinh trên không phải đến lớp học. Các em đã tự ý rủ nhau đi chơi ra khu vực hồ Tuy Lai mà gia đình và nhà trường không hề hay biết, lúc nhận được tin báo thì đã quá muộn rồi.
“Đây là sự việc thương tâm nhất nhất từ trước tới nay đối với nhà trường. Khi sự việc xảy ra, nhà trường đã cảnh báo, nhắc nhở, và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc những em học sinh nào không chấp hành nội quy, quy định của nhà trường khi tiếp tục ra lại khu vực hồ nước Tuy Lai chơi”- thầy Khang cho biết.
Anh Tuấn