- “Thương vợ chồng chúng nó quá. Vợ sắp sinh con nhỏ, chồng bỗng dưng lại gặp họa lớn, tàn tật cả đời. Cũng vì nghèo, thiếu thốn nên mới đến nông nỗi này” - người chị gái của anh Thuận xót xa.

Vụ tai nạn hi hữu xảy ra vào khoảng 16h ngày 13/9, khi anh Đỗ Văn Thuận (24 tuổi, quê ở xã Quan Thượng, huyện Lý Nhân, Hà Nam) ôm chùm bóng bay đi bán, qua cầu Vĩnh Tuy bị gió thổi mạnh.

Tiếc chùm bóng bay, anh cố nắm lấy và đã bị gió thổi ngã từ trên cầu Vĩnh Tuy xuống đất bị chấn thương nặng phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
 
Xót xa cảnh nghèo
 
Anh Đỗ Văn Thuận (SN 1988) xây dựng gia đình với chị Lý Thị Trung (SN 1993) mới được hơn một năm nay.

Ở vùng chiêm trũng Lý Nhân (Hà Nam), người dân quanh năm bám vào ruộng đồng “chiêm khê mùa thối” để mưu sinh nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo, thiếu thốn.

Cả hai vợ chồng trẻ lên Hà Nội thuê trọ kiếm sống bằng đủ thứ làm nghề vất vả từ khua hồ, xách vữa đến quét sơn… để có thể trang trải cuộc sống.

Anh Thuận đang được cấp cứu tại bệnh viện
 
Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, họ mưu sinh bằng cả nghề bán bóng bay để thêm thu nhập.

“Mỗi tháng chỉ đi bán được khoảng 10 ngày, mỗi ngày cả tiền lãi cũng chỉ được vài chục, có hôm nhiều lắm thì được 100 ngàn đồng. Nhiều hôm đi bán ròng rã cả ngày còn lỗ vì vừa mua chưa kịp bán được quả nào thì lại bị công an thu” - chị Trung chia sẻ.
 
Đi làm thuê, bán bóng bay rong cả ngày, cả tháng ngoài đường, trung bình cả hai vợ chồng cũng chỉ thu nhập được 2,5- 3 triệu đồng.

“Làm thuê ở Hà Nội có phải lúc nào cũng có việc đâu, không tính chuyện làm nhiều nghề khác thì làm gì có tiền ăn” - chị Trung thở dài.
 
Ở Hà Nội, 2 vợ chồng thuê trọ ở sâu tít trong con ngõ phố Minh Khai, phòng vẻn vẹn hơn 10m2, lụp xụp mà cũng hết 1,5 triệu đồng, còn chưa kể tiền điện nước, sinh hoạt. Mỗi tháng chắt chiu dành dụm mãi cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng.
 
Chị Trung hiện đang mang bầu được 4 tháng, những công việc vất vả, đòi hỏi nhiều sức lực như khua hồ, phụ vữa bây giờ không làm được nữa, đành chuyển sang bán hàng rong, công việc nhẹ nhàng hơn.
 
Nguy kịch
 
Sau khi xảy ra vụ tai nạn, anh Thuận đã được người dân đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đức Giang gần đó trong tình trạng nguy kịch, gần như đã bất tỉnh.

“Biết tin con rơi từ cầu Vĩnh Tuy xuống đất khi đang đi bán bóng mà cũng không bắt xe lên ngay được vì không có tiền".
 
“Chiều hôm đó, hai vợ chồng đang đi lấy bóng về để bán, khi lên cầu Vĩnh Tuy gió thốc mạnh quá khiến chùm bóng bay lên cao hơn. Vì tiếc chùm bóng, anh Thuận cố níu lấy giữ lại và bị kéo bay ra khỏi thành cầu. Đến lúc bay cao khoảng 20m anh Thuận mới buông tay ra và rơi xuống.

Lúc đi lên cầu, gió mạnh quá, em đi xe về trước, còn anh Thuận đi bộ cầm chùm bóng. Hơn 4h chiều mới nhận được tin báo từ công an phường gọi điện bảo anh Thuận bị chấn thương nặng do rơi khỏi cầu Vĩnh Tuy. Em hốt hoảng chạy lên thì đã thấy anh nằm trong bệnh viện" - vợ anh Thuận kể.
 
Theo chị Trung, chùm bóng khi đó khoảng gần 100 quả, vừa mới đi mua về với giá gốc hơn 400 ngàn đồng, chưa kịp bán được quả nào thì xảy ra tai nạn.
 
Ngay sau khi bị nạn, anh Thuận đã được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ cho biết, sáng 14/9 đã tiến hành phẫu thuật mổ cho nạn nhân, tuy nhiên sức khỏe vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Cũng theo các bác sĩ, anh Thuận bị gãy xương sống lưng, dập hai gót chân vì rơi từ độ cao hơn 20m, chữa trị xong vẫn không biết có đi đứng lại được không.
 
Suốt từ hôm qua đến hôm nay, người thân trong gia đình đứng ngồi không yên. Nhà nghèo bây giờ lại gặp phải tai nạn đau lòng, khó khăn thiếu thốn chồng chất.
 
Bác Đỗ Thị Thúy (SN 1967)- mẹ anh Thuận, quê ở thôn Quan Thượng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam cứ bưng mặt khóc: “Biết tin con rơi từ cầu Vĩnh Tuy xuống đất khi đang đi bán bóng mà cũng không bắt xe lên ngay được vì không có tiền. Cả đêm 13/9 chạy ngược chạy xuôi mới vay được 8 triệu đồng, nhờ cả hàng xóm đi vay lãi để sáng sớm hôm sau có tiền phẫu thuật cho con”.

Bác Thúy cũng cho biết, nhà sinh được 4 người con. Thuận là con trai thứ 2. Do gia đình kinh tế thuần nông, quanh năm bám víu vào mấy sào ruộng nên chưa tốt nghiệp phổ thông đã phải nghỉ học đi phụ hồ để phụ giúp bố mẹ và các em ăn học.

“Đến bây giờ, tiền phẫu thuật đã lên đến hơn 60 triệu đồng, người thân giúp đỡ, làng xóm cho vay mỗi người vài trăm ngàn vẫn chưa đủ tiền mổ mà các bác sĩ bảo anh Thuận bây giờ thiếu nhiều máu quá” - chị Trung rầu rĩ.
 
Ngồi ngoài hành lang phòng cấp cứu, chị Lý Thị Ngọc (chị gái của Trung) buồn bã: “Thương vợ chồng chúng nó quá. Vợ sắp sinh con nhỏ, chồng bỗng dưng lại gặp họa lớn, tàn tật cả đời. Cũng vì nghèo, thiếu thốn nên mới đến nông nỗi này”.

Hơn lúc nào hết, gia đình anh Thuận - chị Trung đang cần sự giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm gần xa. Quý độc giả có thể gửi về địa chỉ: Đỗ Văn Thuận (SN 1988, thôn Quan Thượng, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) hoặc SĐT: 0164. 491. 8191 (gặp mẹ bà Đỗ Thị Thúy, mẹ anh Đỗ Văn Thuận).

 
Anh Tuấn