- Hà Nội vừa có thêm bệnh nhân tử vong vì nhiễm bệnh liên cầu lợn. Điều tra dịch tễ cho thấy, trước khi nhiễm bệnh và tử vong, bệnh nhân có ăn tiết canh lợn.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết đây không phải trường hợp đầu tiên nhiễm liên cầu lợn và tử vong trong năm 2012.

Bệnh nhân vừa tử vong này năm nay 51 tuổi, trú tại quận Tây Hồ. Khi mới mắc bệnh, trên người của bệnh nhân có các dấu hiệu như sốt cao, kèm theo rét run, đau đầu, nôn. Khi nhập viện 354 (Hà Nội), bệnh nhân bị sốt cao, rét run, nôn và xuất huyết dưới da ở ngực, tay và 2 chân.

Tình trạng bệnh ngày một nặng thêm và sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, sau đó là bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Lúc này, bệnh nhân đã hôn mê, xuất huyết toàn thân.

Tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

Ngày 8/9 bệnh nhân có diễn biến nặng, gia đình xin đưa về nhà. Ngày hôm sau (9/9), bệnh nhân tử vong.

Theo thống kê của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, số bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tăng cao đột biến trong vài tuần trở lại đây.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn bắt đầu xuất hiện rải rác từ tháng 5. Chỉ tính riêng trong tháng này, số bệnh nhân nhập viện là 14.

Tình hình diễn biến thêm phức tạp khi tính đến giữa tháng 8, số ca mắc đã tăng lên 44 ca. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng, số bệnh nhân mắc bệnh đông hơn bình thường.

Theo Th.S, BS. Nguyễn Hồng Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – thì điểm đáng chú ý là nhiều bệnh nhân nhập viện rất muộn do không phát hiện kịp nên đã tử vong nhanh chóng.

Liên cầu lợn không lây từ người sang người, tuyệt đối không ăn thức ăn tươi sống từ lợn

Liên cầu khuẩn lợn là một loại bệnh gây hại cho người và lợn, đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu (bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong (bệnh không lây từ người sang người).

Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo bệnh hoặc qua đường ăn uống.

Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Để phòng bệnh liên cầu lợn, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự giác phòng chống bệnh lây nhiễm từ liên cầu lợn bằng cách: không giết mổ lợn ốm, chết; khi có vết thương ở tay, không xử lý sản phẩm sống từ lợn.

Ngoài ra, cần rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nem chạo, ... Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì cần có các phương tiện phòng hộ.

Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy..., cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tránh nguy cơ tử vong.


Cẩm Quyên