Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo QL 20 nối từ tỉnh Đồng Nai đến tỉnh Lâm Đồng vừa được Bộ GTVT và Nhà đầu tư Công ty Cổ phần BT 20 – Cửu Long tiến hành ký kết thực hiện theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT) vào chiều tối ngày 18/9.
Theo Bộ GTVT, QL 20 là công trình hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng phục vụ công tác vận chuyển sản phẩm cho tổ hợp Bauxite Nhân Cơ và đáp ứng nhu cầu giao thông của các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và các địa phương trong vùng…
Ông Trần Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty BT 20 – Cưu Long cho biết: Trước mắt căn cứ vào nguồn vốn và nhu cầu vận chuyển, Dự án được tách ra thành các dự án thành phần, trong đó dự án thành phần I từ Km0 + 000 – km123+105.17 được đầu tư theo hình thức BT.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 123,1 km, trong đó chiều dài tuyến cần khôi phục, nâng cấp cải tạo là 109,55 km, xây mới 6 cầu (1 cầu lớn 3 cầu trung và 2 cầu nhỏ); còn lại là 13,55 km đã xây dựng. Tổng mức đầu tư là 4.466 tỷ đồng.
Dự án được giao cho Ban quản lý 7 (Tổng cục đường bộ VN) quản lý, chủ đầu tư được chỉ định là Liên doanh Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý giao thông Cửu Lông, Công ty TNHH Đông Mê Kong, Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí I, TCT vật liệu xây dựng số 1 - Bộ Xây dựng. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết dự án khôi phục, mở rộng QL 20, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan liên quan phải tập trung đẩy mạnh các vấn đề vướng mắc để triển khai dự án.
Bộ trưởng đề nghị thứ trưởng Lê mạnh Hùng làm việc với 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng để thành lập ban GPMB của từng tỉnh cùng với các huyện tổ chức triển khai GPMB ngay để phục vụ cho dự án.
“Bộ và chủ đầu tư phải có cam kết với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai trong công GPMB, nếu GPMB chậm thì tiến độ công trình chậm và chất lượng công trình sẽ kém do vậy phải quyết liệt trong vấn đề này”, Bộ trưởng Thăng nói.
Theo người đứng đầu ngành giao thông cần phải GPMB được ít nhất 10 km thì mới tiến hành thi công, bởi nếu cứ thi công từng đoạn ngắn một thì năng suất, hiệu quả thi công không tốt và chất lượng công trình không tốt.
Đồng thời, muốn triển khai GPMB ngay thì chủ đầu tư phải chuẩn bị đầy đủ kinh phí để cấp cho các địa phương triển khai làm ngay.
Sau khi tiến hành ký kết các hợp đồng về tư vấn giám sát, thiết kế thì phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về máy móc thiết bị, con người… để thi công.
Ngoài ra, do Do là công trình vừa thi công vừa cải tạo nên Bộ trưởng GTVT cũng đề nghị trong quá trình thi công các đơn vị thi công phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Kinh nghiệm từ dự án mở rộng QL 1 Dốc Xây – TP. Thanh Hóa Để khẳng định cho việc chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT đã có những chuyển biến tích cực đến việc thi công công trình, Bộ trưởng Thăng dẫn chứng, công tác GPMB tại Dự án mở rộng QL.1A Dốc Xây – TP. Thanh Hóa. Sau khi kiểm tra công trình, Bộ GTVT đã có thỏa thuận với tỉnh Thanh Hóa nếu trước ngày 30/9, tỉnh Thanh Hóa không ban giao mặt bằng thì Bộ GTVT sẽ chỉ huy rút quân không làm và thực tế đến 30/8 thì tỉnh Thanh Hóa đã ban giao xong mặt bằng. “Từ kinh nghiệm QL.1A Thanh Hóa tôi đề nghị từ các dự án khác Bộ phải có chỉ đạo quyết liệt và phải kiểm soát được dự án, phải kiểm soát được chất lượng đơn vị thi công, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị tư vấn giám sát”, Bộ trưởng Thăng nói.
|
Vũ Điệp