- Sông Lam mờ ảo trong sương khói ngày đông. Chúng tôi tìm về đây, nơi đã từng xảy ra vụ tai nạn thảm khốc khiến 20 người bị thiệt mạng. Một ngôi miếu thờ được dựng lên tại điểm mà khi trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn được dùng làm chỗ khâm liệm nạn nhân (xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh).
Một người đàn ông có khuôn mặt đen sạm, tay cầm bó hương thắp lên những bát hương ở khu miếu. Anh là người đã xây nên ngôi miếu. Hỏi chuyện, anh chỉ nói, anh cảm thấy có nợ với những người đã khuất nên mới làm thế.
Anh là một người khá đặc biệt, một kẻ đã từng nhiều lần vào tù ra tội, sau nhiều năm “rửa tay gác kiếm”, nay trở thành người chăm sóc hương khói cho những linh hồn đỡ lạnh lẽo khi chết đi ở nơi đất khách quê người.
Anh là Trần Văn Thành, người ở thôn 2, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Ngôi miếu thờ đặc biệt
Trong cái giá buốt tê tái của những ngày đông, chúng tôi, những người từng chứng
kiến toàn cảnh trục vớt xe khách, vớt xác nạn nhân vụ tai nạn kinh hoàng có dịp
ghé lại nơi đây. Trên bãi đất bên bờ sông Lam, nơi từng được lực lượng chức năng
dùng để khâm liệm thi thể nạn nhân đã mọc lên hai ngôi miếu thờ. Một cây đa cũng
đã được trồng lên sau miếu. Tất cả nằm ngay dưới tấm biển “An toàn giao thông là
hạnh phúc của mọi người”.
Ngôi miếu thờ 20 nạn nhân vụ xe khách bị lũ cuốn được dựng lên ngay địa điểm trục vớt |
Hai mươi nạn nhân đã chết. Đến nay vẫn còn thi thể cháu bé 7 tháng tuổi vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều người nói với chúng tôi rằng, chắc thân xác cháu đã hòa tan cùng biển nước để đi vào cõi vình hằng rồi.
Không ai nghĩ rằng, người có tâm xây miếu, cũng kiêm luôn việc chăm sóc hàng ngày lại là người từng "có máu mặt trong giới giang hồ"
Gió từ sông Lam mang theo cái rét buốt quất thẳng vào mặt. Sau khi thu dọn hết những đồng tiền âm phủ còn vương vãi trên khu vực miếu, anh Thành thắp hương trên hai ngôi miếu rồi mời chúng tôi về nhà, vì ngoài trời quá lạnh.
Bên ly trà còn bốc khói nghi ngút trong căn nhà bên bờ sông, cũng là quán cơm của hai vợ chồng, anh Thành kể lại cho chúng tôi nghe về câu chuyện cơ duyên khiến anh làm việc này. Ngày lực lượng chức năng tiến hành trục vớt chiếc xe khách, anh cũng là một trong hàng vạn người đến chứng kiến.
Sau khi thi thể các nạn nhân được đưa về quê mai táng, một am thờ nhỏ được một số người không biết từ đâu đến dựng lên ngay điểm khâm liệm các nạn nhân. Tuy nhiên, chiếc am ban đầu rất nhỏ, chỉ đủ để một bát hương với đĩa hoa quả. Trong lúc đó, hàng ngày có rất nhiều khách ghé thắp hương khi đi qua khu vực này. Nhiều hôm hoa quả, bánh kẹo không có chỗ để, mọi người phải trải ni lông lên đất để cúng.
Nhiều lần chứng kiến
cảnh hoa quả, đồ thắp hương dành cho các nạn nhân vương vãi, nằm cả trên nền
đất, nhất là những lần mưa gió, bụi bặm, anh Thành thấy xót xa. Anh quyết định
về mua xi măng và cát để xây một cái bàn dài ngay trước chiếc am để làm chỗ đặt
đồ cúng cho thoải mái.
”Hôm đó khi đang xây bệ thì một người đàn bà lạ
mặt tới làm lễ và nói với tôi “cho tôi góp ít tiền để xây chiếc miếu rộng hơn
làm chỗ hương khói cho các nạn nhân". Cầm tiền của người đàn bà lạ có tấm lòng
hảo tâm, tôi về bàn với vợ để góp thêm tiền vào để xây miếu cho khang trang
hơn”, anh Thành chia sẻ.
Một thời là giang hồ, giờ làm phúc cho con
Cứ mỗi ngày, công việc đầu tiên của anh Thành là ra khu miếu để dọn dẹp, thay nước, quét bàn thờ và thắp hương. Rồi anh thu gom, đốt những đồng tiền âm phủ, vàng mã mà khách thập phương đến cúng bị gió thổi vương vãi. Từ khi xây miếu lên, ngày nào anh cũng 3 lần ra miếu để làm những công việc mà chưa khi nào anh làm. Những lúc anh bận thì lại bảo vợ con ra làm thay.
|
Chúng tôi càng khâm phục người xây và “gác miếu” này bội phần khi biết về quá khứ một thời của anh. Bởi, thực sự không khỏi bất ngờ khi biết anh cũng từng là một kẻ "giang hồ có máu mặt" ở mảnh đất Nghi Xuân. Từng nhiều lần vào tù ra tội. Ngày trước, anh không có công ăn việc làm, lại bị bạn bè rủ rê nên đã nhiều lần phạm tội. Buổi tối trên quãng đường vắng này, anh thường cũng đồng bọn đột nhập lên các xe tải và cắt hàng thả xuống đường.
Nhiều lần vào tù ra tội, anh đã dần tỉnh ngộ. Sau khi đi “tăng” cuối, năm 2006 anh ra trại và quyết định “rửa tay gác kiếm”. Anh như kẻ ở ẩn, chỉ ở nhà phụ giúp với vợ con cùng mở quán cơm Thanh Thủy bên QL1A. Và đã 4 năm quy ẩn giang hồ, xây dựng cuộc sống mới đến bây giờ, anh đã thấy hạnh phúc thực sự của cuộc đời mình.
Anh kể, hình ảnh những thi thể nạn nhân được vớt lên, những giọt nước mắt của người thân từ xa đến nhận xác đã ám ảnh anh trong từng giấc ngủ sau đó. Thương cảm cho những số phận đã vĩnh viễn nằm lại đất khách quê người không có ai chăm sóc hương khói. Cùng với sự giúp đỡ của một số người, anh quyết định xây miếu thờ, trồng cây đa và hương khói cho những người đã khuất. Dần dần, anh làm tốt những việc mà chẳng mấy khi anh đụng tay vào từ trước tới nay ở nhà mình.
Vụ tai nạn kinh hoàng vào tháng 10/2010 đã cướp đi sinh mạng của 20 nạn nhân |
Trong những ngày giá rét, khói hương trên những ngôi miếu cạnh dòng sông Lam thờ 20 nạn nhân vụ xe khách càng nghi ngút. Chúng tôi, những người từng có mặt trong những ngày định mệnh đó cũng thấy ấm lòng. Chắc những nạn nhân xấu số cũng sẽ bớt lạnh lẽo khi không có người thân bên cạnh chăm sóc, hương khói cho họ.
Duy Tuấn - Kiều Anh - Hoàng Sang