-
“Cha mẹ cả một đời vất vả nuôi con khôn lớn, vậy mà khi tuổi già sức yếu bị lẫn,
rối loạn tâm thần họ lại bị chính những đứa con của mình ngược đãi, ruồng bỏ”.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm giám định pháp y tâm thần
TP.HCM chua xót nhìn nhận một thực trạng đau lòng của xã hội.
Bác sĩ Quang kể từ hồi còn làm công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Tâm thần
cơ sở Chợ Quán TP.HCM, ông chứng kiến không ít cảnh các cụ bị suy giảm trí tuệ
tuổi già được con cháu đưa tới bệnh viện rồi bỏ lại luôn. Thậm chí, có nhiều cụ
vì con cháu không chịu lên đón nên bệnh viện phải liên lạc với khu phố, cho xe
đưa về tận nhà.
Có con mà phải ở với ô sin
Câu chuyện của cụ Nguyễn Thị H., 80 tuổi, ngụ tại quận 2 TP.HCM khiến không ít
người phải đau xót.
Chồng cụ H. trước đây cũng là người ăn nên làm ra nhưng vắn số. Từ đó một mình
cụ nuôi 3 con nên người.
Hai con gái của cụ giờ đã lấy chồng và có công việc ổn định ở Mỹ, cậu con trai
út ở Việt Nam cũng là chủ một khách sạn.
Khi cụ còn minh mẫn, hai cô con gái đón mẹ qua Mỹ để phụng dưỡng. Được vài năm
cụ bỗng dưng bị lẫn, sinh ra bê tha, nghiện rượu, hay bỏ đi lang thang, gõ cửa
làm phiền hàng xóm.
|
Cha mẹ về già cần sống trong tình yêu thương của con. (ảnh minh họa). |
Bị hàng xóm phàn nàn, khó chịu, không nỡ cho mẹ vào trại
dưỡng lão, hai cô con gái đã đưa mẹ về Việt Nam cho cậu em út, mỗi tháng gửi cho
2.000 USD để cậu em thay các chị phụng dưỡng mẹ.
Thấy số tiền 2.000 USD quá lớn, mẹ già sao tiêu hết, cậu em hoan hỉ nhận lời
nuôi mẹ. Tuy nhiên, mẹ về ở chung được 3 hôm đã sinh chuyện.
Bà H. tiêu tiểu ngay giữa nhà, miệng suốt ngày lảm nhảm nhắc chuyện xưa, nhiều
lúc ngồi nói chuyện tưởng tượng với người chồng quá cố.
Sợ mẹ làm gia đình mất mặt, cậu con đã chuyển bà H. lên tầng 5 của ngôi nhà để
bà không chạy lung tung.
Khi bị nhốt lên tầng cao, bà H. khó chịu, la hét, chửi bới. Không chịu đựng được
mẹ, cậu con trai đã thuê riêng một căn nhà với giá 5 triệu/tháng và một người
giúp việc chăm sóc mẹ mình.
Từ ngày bà H. ra ở riêng, làng xóm tuyệt nhiên không thấy gia đình anh con trai
tới lui nữa. Chỉ có một mình bà cụ lủi thủi với người giúp việc.
Có người còn trông thấy người giúp việc đi chơi, nhốt bà cụ
trong nhà từ sáng tới chiều. Đó là chưa kể lúc bà lên cơn, la hét bị người giúp
việc mắng nhiếc. Cũng có lúc người ta thấy bà H. trốn khỏi nhà, say khướt, nằm
vất vưởng bên lề đường.
Sợ con đuổi không dám ăn cơm nhiều
Câu chuyện của cụ Phùng Văn K., 78 tuổi, ngụ tại quận 12 cũng thương tâm không
kém.
Khoảng 3 năm nay, cụ K. sinh ra nói nhiều, hay chửi con cái, khó tính. Buổi đêm
cụ K. dường như không ngủ, đi loanh quanh trong nhà, trong vườn để…rình trộm.
Có khi thấy xe máy chạy qua, rọi đèn pha vào nhà là cụ la hét, chửi loạn lên,
cầm dao chạy rượt theo nói là…ăn cướp.
Tình trạng bệnh của cụ ngày càng trầm trọng đến mức cứ đêm đêm lại ra ngoài hè
cầm dao canh cửa.
Con cái của cụ K. thấy bố như vậy rất sợ, nói rằng cụ bị…ma nhập. Vì thế chúng
cứ đùn đẩy nhau, không ai muốn nuôi bố.
Cụ K. biết con không muốn nuôi mình sinh ra buồn chán, mỗi ngày cụ không dám ăn
cơm nhiều, ủ rũ, trầm cảm. Từ đó con cháu sinh ra xa cách, không dám lại gần cụ.
Không chỉ người có biểu hiện rối loạn tâm thần rõ rệt như cụ K., bà H. mới bị
con cái ghẻ lạnh, hắt hủi…mà trường hợp của bà M. (ngụ quận Bình Thạnh) một
người hoàn toàn bình thường cũng đau đớn không kém.
Bà M. bị bệnh tiểu đường nặng gây biến chứng, phải nằm viện điều trị. Con cái
của bà M. rất thành đạt nhưng suốt 7 ngày bà nằm viện không có bóng dáng người
thân nuôi bệnh.
Con bà M. góp tiền thuê y tá trông mẹ với lý do còn bận làm ăn.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang cho rằng những người già phải sống cô đơn dù có con
cháu đầy đủ thời nay không hề hiếm.
“Chỉ cần vào khoa Lão khoa của một bệnh viện nào đó là sẽ thấy ngay. Rất ít
con cái chịu bỏ công sức vào chăm, nuôi cha mẹ. Những ai có tiền thường bỏ tiền
ra thuê người chăm sóc cha mẹ mình”, bác sĩ Quang nói.
Theo bác sĩ Quang khi về già, nhất là mắc bệnh rối loạn tâm thần người già cần
hơn cả sự quan tâm, ân cần và tình thương của con cái. Bác sĩ chỉ có thể giúp
bệnh nhân ổn định lại nhưng không thể thay thế con cái chăm sóc các cụ đến hết
đời.
Vẫn biết khi về già con người ta trái tính trái nết, lẩn thẩn, gây phiền hà cho
người xung quanh nhưng phận làm con phải có trách nhiệm phụng dưỡng, yêu thương
cha mẹ. Đau đớn cho những người dành cả cuộc đời cho con cái, khi tuổi già sức
yếu lại bị chính đứa con mình xa lánh, hắt hủi.
• Thanh Huyền
(*) Tên và địa chỉ nhân vật đã được thay đổi.