- Cháu Hiếu vừa được phẫu thuật mổ não, sức khỏe còn rất yếu, vẫn đang sốt li bì, một cánh tay không thể cử động được, đang được theo dõi sát sao tại khoa cấp cứu của bệnh viện Bưu Điện. Em là một trong những nạn nhân của vụ sập trần lớp học ở trường tiểu học Đa Tốn, Hà Nội vừa qua.

>>Rơi vữa trần lớp học, 4 cô trò nhập viện

Cô giáo khâu 8 mũi, học trò nguy kịch

Khoảng 15h chiều ngày 1/10, tại Trường tiểu học Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hướng và 3 em học sinh đang lên bảng viết bài lúc đó đã bị một mảng vôi vữa gần chục mét vuông ở trên trần nhà rơi ụp xuống đầu.

Hậu quả là cả 4 cô trò đều bị thương và lập tức được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Cô Nguyễn Thị Hướng bị mảng vữa trần nhà rơi trực diện, thương tích rất nặng, phải khâu 8 mũi ở đầu.

Hiện trường vụ sập trần lớp học khiến 4 cô trò nhập viện- ảnh Anh Tuấn

Còn 2 em học sinh là Nguyễn Mạnh Tuấn và Vũ Lí Ẻn chỉ bị thương nhẹ, sức khỏe đã bình phục trở lại và được gia đình đưa về nhà điều trị ngay sau đó. Riêng em Đỗ Đình Hiếu bị chấn thương rất nặng, sức khỏe trong tình trạng nguy kịch.

Chiều 2/10, trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Đào (28 tuổi, trú ở thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) là mẹ em Hiếu cho biết, sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ đã chuyển cháu sang Bệnh viện Bưu Điện để tiến hành phẫu thuật điều trị. 
Lớp 1C- nơi xảy ra vụ tai nạn sập trần nhà đây là một trong những phòng học đang trong quá trình sửa chữa, chưa xong nhưng đã đưa vào sử dụng - ảnh Anh Tuấn

Kết quả chụp chiếu cho thấy, phần đầu cháu Hiếu chấn thương nặng, bị gãy, lõm một phần xương sọ đầu, phát hiện có tụ máu do bị mảng vôi vữa rơi vào, phải mổ trong thời gian sớm nhất.

Chị Đào cho biết, hiện sức khỏe của cháu Hiếu còn rất yếu, vẫn đang sốt li bì, một cánh tay không thể cử động được.

Vừa thương đứa con không may bị tai nạn ập xuống đầu, chị Đào lại vừa lo không có tiền chạy chữa cho con vì kinh tế gia đình khó khăn. Hai vợ chồng quanh năm sống bám vào mấy sào ruộng, thỉnh thoảng đi làm thuê làm mướn ở Bát Tràng chắt chiu mãi mỗi tháng thu nhập chỉ được hơn 2 triệu đồng.

Ai chịu trách nhiệm?


Theo tìm hiểu, lớp học 1C - nơi xảy ra vụ tai nạn sập trần nhà là một trong những phòng học đang trong quá trình sửa chữa, chưa xong nhưng đã đưa vào sử dụng. Dãy nhà mới sửa chữa của trường này gồm 8 phòng học, đã được trát lại tường, trần phòng học.

Vụ sập trần lớp học vừa qua khiến học sinh và phụ huynh rất hoang mang, lo lắng - ảnh Anh Tuấn

Nhà trường đưa các lớp học tại khu nhà này vào sử dụng từ đầu năm học mới, sau khi nhận bàn giao sơ bộ từ phía đơn vị thi công. Về cơ bản đã hoàn thành sửa chữa, chỉ còn đợi sơn mới lại là hoàn tất” - một cô giáo trong trường cho biết.

Tại hiện trường, toàn bộ mảng tường phía bục giảng đã bị rơi xuống cùng một vết nứt dài chạy dọc suốt chiều dài lớp học. Do vôi vữa rơi mạnh khiến bàn giáo viên bị thủng và vỡ một miếng, vị trí bục giảng có nhiều viên gạch bị lõm xuống.

Liên quan đến vụ việc trên, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Điền - Chủ tịch UBND xã Đa Tốn để làm rõ vụ việc.

Theo ông Tiến, nguyên nhân vụ việc trên là do nền trần nhà của khu lớp học đã quá cũ, được xây dựng từ năm 1992. Mới đây, đơn vị thi công sửa lại, dóc vôi cũ, trát lớp tường mới nên độ bám không có, chất lượng không đảm bảo. Ông Tiến cũng cho biết thêm, khi tiến hành thi công bên thiết kế cũng đã có khảo sát từ trước đó.

Đây là sự việc khách quan, không ai mong muốn xảy ra, chỉ là không may trần nhà rơi thôi”- vị cán bộ này nói.

Điều đáng nói, khi hỏi về tình trạng sức khỏe nạn nhân, ông Điền thản nhiên trả lời: “Hiện tại tình trạng sức khỏe của cô giáo và các em học sinh có vấn đề gì đâu, xước da bình thường thì vẫn phải khâu”.
Khu nhà xảy ra vụ tai nạn về cơ bản đã hoàn thành sửa chữa, chỉ còn đợi sơn mới lại là hoàn tất - ảnh Anh Tuấn

Ông Tiến cũng cho biết, ngay khi vụ việc xảy ra, UBND xã đã có kiến nghị, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo UBND huyện, trước mắt phải xây mới toàn bộ khu nhà vì chất lượng không đảm bảo và các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh cũng không yên tâm khi cho con em họ học ở khu nhà này.

Trước đây, UBND xã đã xin ý kiến của huyện để xây mới toàn bộ ngôi nhà nhưng dự án của huyện chỉ cấp kinh phí để dóc vôi trát lại do không đủ kinh phí”- ông Tiến cho hay.

Được biết, chủ đầu tư dự án sửa chữa trường Tiểu học Đa Tốn là Ban Quản lí Dự án huyện Gia Lâm còn đơn vị thi công là Công ty xây dựng và du lịch Tiền Phong.

Cùng ngày, PV VietNamNet đã nỗ lực liên hệ với nhà trường và đơn vị thi công trực tiếp dự án để làm rõ vụ việc.

Tuy nhiên, cho đến cuối giờ chiều 2/10, các bên liên quan đến vụ việc này vẫn “né” cung cấp thông tin cho báo chí với nhiều lí do khác nhau!? Hiện cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan.

VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ việc.

Anh Tuấn