- Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm là điều cần khuyến khích, nhân rộng. Nhưng chuyện người dân coi việc săn bắt cướp là nghề và giữ vai trò như một cảnh sát thì đáng để bàn.

Mô hình “hiệp sĩ” có vấn đề ?

Chuyện 10 “hiệp sĩ” thuộc CLB phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (SBC Bình Dương) bị công an Q.12, TP.HCM triệu tập vì có liên quan đến nghi án “cưỡng đoạt tài sản”, “cướp tài sản” đã dấy lên trong dư luận sự hoài nghi về những yếu kém mô hình “hiệp sĩ đường phố”.

Theo nhiều người, đây là mô hình đang có sự nhân rộng khắp các tỉnh, thành nhưng chưa có được kiểm soát chặt chẽ từ chính quyền.

“SBC Bình Dương” của đội trưởng Nguyễn Thanh Hải được biết đến là mô hình “hiệp sĩ đường phố” được thành lập sớm nhất so với nhiều địa phương khác trong cả nước.

Người viết từng nhiều lần tiếp xúc với anh Hải cũng như các thành viên khác trong đội. Họ đều có kinh tế khá giả, coi việc trấn áp tội phạm như là một niềm đam mê.

Tội phạm giảm thiểu đáng kể ở Bình Dương cũng có phần không nhỏ của anh Hải và đồng đội...

Hễ ai đụng chuyện, gọi điện tới nhờ hỗ trợ, đội của Hải sẽ xuất hiện dù mưa gió, đêm khuya. Từ mô hình của Hải, nhiều CLB phòng chống tội phạm được lập ra ở Bình Dương và nhiều tỉnh, thành phố khác, thuộc quy chế quản lý của chính quyền cấp xã, phường.

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến chuyên trấn áp tội phạm tại TP.HCM

Còn nhớ, trong cuộc gặp báo chí thông tin vụ “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Tăng Tiên (CLB phòng chống tội phạm P.An Bình, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) bị nhóm giang hồ “đá xế” truy sát; đại tá (lúc đó là thượng tá) Nguyễn Hoàng Thao - Phó Giám đốc công an tỉnh, thừa nhận mô hình “hiệp sĩ đường phố”…đang có vấn đề!

Ông Thao nói, nhiều vụ việc các “hiệp sĩ” làm chưa đúng luật, nhưng trước tình hình hiện nay thì tạm…chấp nhận và sẽ có biện pháp tuyên truyền để các “hiệp sĩ” nắm rõ pháp luật, giới hạn của công việc.

Trở lại việc triệu tập 10 “hiệp sĩ” của “SBC Bình Dương”, theo trình bày, họ không vụ lợi, không cố ý khi tham gia sâu vào nghi án “cưỡng đoạt” nhưng cũng đáng suy ngẫm…

Chức trách của “hiệp sĩ đường phố” đến đâu ?

Phóng viên (P.V) đài truyền hình tỉnh nọ trong cuộc họp báo với lãnh đạo công an tỉnh đã phản ánh: các “hiệp sĩ” trên địa bàn tỉnh cứ hễ bắt được tội phạm là mang về con hẻm sát đài, rồi gọi điện cho P.V xuống quay hình đưa tin, sau đó họ mới dẫn giải về trụ sở công an bàn giao.

Có các “hiệp sĩ” trang bị máy ảnh, khi lập được chiến công liền ghi hình lại, thông tin đầy đủ cho P.V báo chí.

Cứ như thế truyền thông đã đưa hiệp sĩ lên thành hình tượng của xã hội trong việc trấn áp tội phạm, đáng lẽ chức trách đó thuộc về lực lượng công an.

Về câu chuyện chức trách của “hiệp sĩ” đến nay vẫn còn là nhiều điều tranh cãi. Thi thoảng vẫn hay tin “hiệp sĩ” nơi này đột kích ổ gas lậu, “hiệp sĩ” nơi kia phá động mại dâm kích dục… nghe có vẻ là lạ.

Một luật sư đã thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này, nếu các “hiệp sĩ” đơn thân xử lý hành vi vi phạm pháp luật như thế là…lộng quyền quá, là vi phạm pháp luật, vì đó là công việc của công an.

Dấn thân làm “hiệp sĩ đường phố” không ít những rủi ro.

“Nếu các hiệp sĩ được gọi đến để hỗ trợ lực lượng công an thì chấp nhận được” – một vị luật sư nhấn mạnh.

Còn nhớ cuối tháng 8, TAND TP.HCM đã xử một nhóm 3 “hiệp sĩ” mức án 18 - 30 tháng tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Việc chẳng đâu vào đâu, 3 kẻ mang danh nghĩa hiệp “chộp cổ” 2 tên cướp. Thế nhưng trên đường dẫn giải về trụ sở công an, 2 tên cướp ngã giá chung hơn 120 triệu đồng cho 3 “hiệp sĩ” để được phóng thích. Việc bại lộ cả cướp lẫn hiệp sĩ lãnh án.

Đó là chưa kể, có lần truyền thông còn đưa tin “Hiệp sĩ nhận hối lộ”, có vẻ…nực cười, vì trong trường hợp này, những kẻ không chức quyền nhận tiền được gọi là…hối lộ!

TAND TP.HCM cách đây không lâu cũng xử 1 “hiệp sĩ” án tù vì khi truy đuổi cướp giật và dồn đối tượng đó đến con đường chết. Ngẫm cũng xót xa.

Hay như trường hợp em trai của hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên, là Nguyễn Tăng Trọng cũng bị xử án 4 năm tù vì tội “cướp giật tài sản”. Chính Trọng cũng có không ít lần làm “hiệp sĩ” trấn áp tội phạm vùng giáp ranh nhưng không thoát khỏi sự sa ngã…

Trách sao được, khi nguyện vọng thành lập mô hình “hiệp sĩ đường phố” phủ sóng khắp TP.HCM của “hiệp sĩ” Nguyễn Văn Minh Tiến chưa được chính quyền xem xét?

Đã đến lúc các cấp chính quyền cần có quy chế nghiêm ngặt cho hoạt động của “hiệp sĩ đường phố”, để tránh những “sự cố đáng tiếc”, vướng đến pháp luật nhưng mang danh “hiệp sĩ đường phố”.

Vụ 10 “hiệp sĩ” của “SBC Bình Dương” bị triệu tập:

Chiều 17/8, Nguyễn Thanh Hải (đội trưởng) nhận điện thoại 1 người xưng tên Đinh Đắc Lộc (ngụ TP.HCM) nhờ giúp đỡ. Lộc cho biết, hơn một năm trước có cho 1 người thuê xe ô tô hiệu Inova, nhưng sau đó người này không trả, không liên lạc được. Mới đây ông Lộc nhận điện thoại của một người lạ yêu cầu mang 240 triệu đồng đi chuộc xe, nếu không sẽ bán xe qua biên giới. Khi nghe Lộc trình bày và khi xem đầy đủ giấy tờ xe, anh Hải đã huy động đội của mình gồm 10 người vào cuộc.

Đêm 17/8 tại điểm hẹn, các hiệp sĩ đứng ngoài, ông Lộc vào trong giao tiền cho người lạ rồi ra lấy xe về. Các “hiệp sĩ” bám theo 2 người đã lấy tiền của ông Lộc, trong đó có ông Nguyện Văn Hiệp (ngụ TP.HCM).

Khi nhận điện thoại của ông Lộc thông báo xe bị “luộc”, nhóm hiệp sĩ đã tiếp cận, áp giải 2 người về trụ sở công an P.Trung Mỹ Tây, Q.12 (có ông Lộc cùng đi) để giải quyết. Sau đó nhóm “hiệp sĩ” ra về.

Điều đáng nói là ông Hiệp tố cáo đã bị nhóm người móc thẻ xưng công an, khống chế lấy tiền. Sau vụ việc này không ai biết tung tích ông Lộc nơi đâu…

Mới đây công an Q.12, TP.HCM đã triệu tập nhóm “hiệp sĩ SBC Bình Dương” lên để điều tra về nghi án “cưỡng đoạt tài sản”.

Diễn biến mới nhất ngày 9/10, tổ công tác công an TX.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã làm việc với công an Q.12, cùng với thời điểm công an Q.12 làm việc với 10 “hiệp sĩ”. Hiện chưa có thông tin chính thức về vụ việc này.

Đàm Đệ