- Quyết là làm, chị ở nhà trông con cho chồng lái xe về Thanh Hóa đón bác giúp việc. Đi nửa ngày, chị thấy chồng gọi điện về quát ầm ĩ “về tận nơi đón rồi mà không chịu lên, còn ỉ ôi là mệt”.

Khách đến nhà cũng phải nịnh ô sin

“Nịnh giúp việc” là cụm từ được rất nhiều bà nội trợ nhắc đến khi bàn về thái độ với người giúp việc. Trên diễn đàn dành cho các chị em, nickname Memi… tâm sự: “Mình có bác giúp việc tốt tính nhưng hay dỗi, hay tủi thân, thế là lúc nào cũng phải nịnh. Cả khách khứa họ hàng đến nhà mình cũng nịnh hộ nữa, nên bà ấy ảo tưởng, được 2 tháng thì bắt đầu dở chứng, làm cao, muốn đi nhà khác. Lúc đó con mình 6 tháng tuổi, mình phải gần như van xin thì bà ấy mới chịu ở lại, nhưng thái độ khác hẳn”.

Nhiều chị em có con nhỏ lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng bị người giúp việc "xù" (Ảnh: Thái Anh)

Chị Hồng Loan, chủ cửa một quán cafe trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho biết, gian nan nhất là tìm người giúp việc sau Tết. Chị Loan có 2 nhóc sinh đôi mới được 10 tháng tuổi. Và đến thời điểm này, nhà chị có một bộ sưu tập quần áo... cho người giúp việc.

Lí giải về chuyện này, chị Loan cho biết, từ hồi chị chuẩn bị sinh đến giờ đã thay đến 5 lần giúp việc. Biết là trông 2 con nhỏ cùng lúc thì mệt nên chị Loan chủ động nuôi 2 người làm trong nhà một lúc. Rồi chị chiều chuộng, “nịnh” người làm hết sức, quần áo cũ, quần áo mới đều chuẩn bị đầy đủ, cho chật cả tủ. Nhưng cứ khi nào giúp việc về quê thăm nhà là lại thấy gọi lên thông báo “cháu không ra nữa vì bố mẹ cháu nhớ cháu”, “cháu ở quê lấy chồng”…

Dần dà, đến thời điểm này, chị Loan có một bộ sưu tập quần áo cho các... thế hệ người giúp việc trong nhà.

Đến thời điểm này đã gần đến rằm tháng giêng. Nhưng với một số người dân ở quê thì “tháng giêng vẫn là tháng ăn chơi” nên nhiều giúp việc đến thời điểm này vẫn chưa thấy ra nhà chủ làm việc. Nickname "mebeL…" tâm sự, sau khi đọc bài báo của VietNamNet nói về chuyện cả nhà vào quê ôsin chúc Tết và đón ra làm, vợ chồng chị bàn nhau học theo cách này để lấy lòng bác trông em bé của nhà mình.

Quyết là làm, chị ở nhà trông con cho chồng lái xe về Thanh Hóa đón bác giúp việc. Đi nửa ngày, chị thấy chồng gọi điện về quát ầm ĩ “về tận nơi đón rồi mà không chịu lên, còn ỉ ôi là mệt”. Xót xa công sức của chồng, nhưng tiếc công tìm giúp việc, chị quyết định dùng chiêu “khổ nhục kế”: bế con đi xe taxi về Thanh Hóa, bảo chồng chờ ở đó rồi cả nhà cùng vào... chúc Tết, thuyết phục đi cùng ra Hà Nội.

Chị cho rằng, cứ ở nhà ôm con thế này thì chắc chắn bị sếp đuổi, thà chịu nhịn một tí, lại được việc mình, mà bác giúp việc sẽ vì thế mà thương yêu con của mình.

"Giờ có trình độ rồi, làm giúp việc phí đi!"

Phản hồi về chuyện người giúp việc, chị Hoàng Ngân Giang (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cô bé giúp việc đến ở nhà chị từ khi 14 tuổi, ở quê còn chưa biết chữ. Chị Giang vốn là giáo viên nên thương cô bé này, không muốn cô bé bị thất học. Vậy là chị đôn đáo tìm lớp học bổ túc cho cô bé giúp việc buổi tối để hi vọng “nó lớn lên thì nó không bị mù chữ”.

Thế nhưng, sau một thời gian bổ túc trình độ cho giúp việc, sau về Tết vừa rồi, chị gọi thế nào cô bé cũng nhất định không nghe điện thoại. Chị Giang ấm ức: “Cả cái chuyện điện thoại của nó mà nó biết dùng cũng là nhờ đi học bổ túc, biết chữ, biết số mà nhắn tin, gọi điện đấy chứ”.

Gọi về quê gặp bố mẹ cô bé giúp việc thì chị nhận được câu trả lời cụt lủn: “Giờ nó có trình độ rồi, không đi làm giúp việc nữa, phí đi, tôi cho nó đi làm công ty” – "công ty" ở đây chính khu công nghiệp với lương 1 triệu/tháng. Bố mẹ cô bé giúp việc cho rằng, làm công nhân vất vả, ít tiền hơn nhưng được cái tiếng là “làm công ty”, “làm với người nước ngoài”.

Rất nhiều chị em đang than thở, rỉ tai nhau kinh nghiệm không nên thuê người giúp việc tuổi mới lớn vì tâm lí tuổi này ở quê đều thích đi làm “công ty”, thích đi vào nhà máy, vì dẫu lương thấp, vất vả nhưng lại thoải mái... yêu đương, chơi bời chứ không bị cấm đoán như lúc ở với nhà chủ.

Người giúp việc sau Tết có lẽ là một trong những chuyện đang được chị em bàn tán nhiều nhất, để đồng cảm với nhau.

Thu Lý