– Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình trọng điểm Quốc gia, Dự án Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để chuẩn bị khánh thành vào cuối tháng 12/2012. Sáu tổ máy đã phát điện và hòa điện lưới Quốc gia cán đích trước thời hạn ba năm, giai đoạn cao điểm có tới hơn một vạn lao động có mặt tại công trường… Những thông tin nói trên là thành quả của bàn tay, khối óc tập thể những người gắn bó với dự án xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La hàng chục năm trời. Sự kỳ vĩ ấy đã khẳng định, Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực xây dựng và làm chủ những công trình hoành tráng!

Khi tôi bắt đầu tiếp cận với các cán bộ BQLDA nhà máy Thủy điện Sơn La để hoàn tất các thủ tục theo trình tự trước khi được phép tiếp cận các thông tin về nhà máy, đồng chí CVP BQLDA khá nghiêm túc bảo: “Dự án, tự bản thân nó đã là một công trình hoành tráng rồi, vì thế, chỉ yêu cầu các nhà báo hãy viết đúng về nó, một cách chân thực, đừng “khen” quá lên. Nó là sản phẩm của ý chí, quyết tâm, sáng tạo của cả một tập thể trong một thời gian dài, và là một trong những dự án trọng điểm được cả nước kỳ vọng. Hơn hết, nó là sự khẳng định chân thực nhất, chúng ta hoàn toàn làm chủ được các công nghệ hiện đại…”.

Sự nghiêm túc của anh khiến tôi rơi vào một trạng thái vừa phấn khích vừa lo lắng, phấn khích bởi “đối tượng” trong những bài viết sắp tới của tôi là một “người khổng lồ”, còn lo lắng, đấy là liệu mình có xử lý được những thông tin quá ngồn ngộn như vậy hay không? Và, cảm giác ấy theo tôi suốt chặng đường gần 40km từ thành phố Sơn La vào Mường La, nơi có đại công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á được ví von một cách đầy hình ảnh, như một bông hoa đang bung nở nơi cuối trời Tây Bắc trên thượng du sông Đà.

Công trường thủy điện Sơn La thời điểm tôi có mặt vào những ngày giữa tháng 10/2012, chỉ có rất ít bóng dáng công nhân trên công trường. Một nhóm nhỏ công nhân đang mải miết chất những giàn giáo sắt lên chiếc xe tải; một nhóm khác đang làm công việc lau rửa mặt sân bê-tông gần với thân đập… Anh Dũng, cán bộ Phòng Hành chính Tổng hợp – người dẫn đường cho tôi vào nhà máy, bảo: “Thời điểm này, các công nhân đã rút gần hết, chỉ còn một bộ phận nhỏ ở lại hoàn thiện nốt những phần việc như xây dựng cảnh quan, bộ phận khung nhôm, cửa kính… Chỉ một tháng nữa, nếu bạn lên, bạn sẽ phải bất ngờ về một “gương mặt mới” của nhà máy!”.

Đúng như câu chuyện của anh, dọc con đường công vụ dẫn vào nhà máy, bức tường bao nằm bên mé dòng sông Đà ở mạn hạ du đang được xây, chuẩn bị làm màu. Bên tay phải, bức phù điêu cao chừng hơn hai mét, dài hàng chục mét trước cửa nhà máy đã được những bàn tay tài hoa kiến tạo xong. Sẽ có cây xanh, thảm cỏ được trồng hai bên đường công vụ để tạo cảnh quan. Trên đỉnh đồi gần với thân đập của nhà máy, Đài tưởng niệm cũng đang được xây dựng, như một sự tri ân công sức, mồ hôi, nước mắt của những người tham gia lao động trên công trường thủy điện Sơn La hàng chục năm trời…

Buổi chiều trước khi vào nhà máy, anh Nguyễn Hồng Hà, Trưởng ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La đã ngồi “thống kê nhanh” để tôi có cái nhìn tổng quan ban đầu về đại công trình Thủy điện Sơn La: dự án cán đích trước 3 năm, hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công, chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Có tới 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty Sông Đà làm tổng thầu tham gia thi công dự án; Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Trên công trường, thời kỳ cao điểm có tới hơn 10.000 thường xuyên làm việc; hơn 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc; hơn 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển; đầm hàng triệu mét khối đất nền, đổ gần 6 triệu mét khối bê tong; lắp đặt 115.000 tấn thiết bị… Toàn những con số có đơn vị “triệu” đính kèm, khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Ngày 26/9/2012, tổ máy số 6 – tổ máy cuối cùng của nhà máy Thủy điện Sơn La đã hòa dòng hệ thống điện lưới Quốc gia, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến. Đây là một trong chuỗi những sự kiện trọng đại mà những người trực tiếp thi công công trình cũng không khỏi bất ngờ.

Trong “lịch sử” của ngành điện Việt Nam, có lẽ chưa có dự án thủy điện nào có nhiều yếu tố “lạ” như Dự án Thủy điện Sơn La: trong khi chờ Quốc hội thông qua, EVN đã mạnh dạn đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ công trình theo cách "vừa khởi công vừa lấp dòng". Ở bất cứ công trình thủy điện nào cũng có các hạng mục: thi công, cải tạo lòng hồ; di dân tái định cư lấy mặt bằng; thi công hạ tầng giao thông, hạ tầng đường dây lưới điện… Những phần việc này thường được chủ đầu tư tiến hành làm tuần tự. Thế nhưng, ở dự án Thủy điện Sơn La, tất cả đều được tiến hành cùng một lúc, và có sự ráp nối, ăn khớp với nhau.

 

Vẫn câu chuyện của Trưởng BQLDA Nguyễn Hồng Hà: “Công tác di dân tái đinh cư ra nơi ở mới được các Ban Di dân của các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La thực hiện nhanh và gọn, bà con đồng bào một lòng ủng hộ dự án trọng điểm của nhà nước nên đều tự giác nhường đất, chuyển nhà bàn giao lại cho chủ dự án; thi công đường giao thông, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất cho công trường cũng được tiến hành đồng bộ: 125km đường giao thông, 2 cây cầu bê tông bắc qua sông Đà, hệ thống lưới điện 110-220kV gần 200km, gần 60.000m2 nhà ở cho hàng vạn công nhân cùng hàng loạt công trình dẫn dòng, đê quai thượng lưu và hạ lưu đã được triển khai trước ngày khởi công. Tất cả những nỗ lực ấy thể hiện sự quyết tâm, một ý chí, và nó đã góp phần quan trọng để Thủy điện Sơn La phát điện trước thời hạn, và dự án “cán đích” trước 3 năm so với thời hạn mà Quốc hội phê duyệt."

Theo kế hoạch, ngày 21/12/2012 tới đây – ngày truyền thống của Ngành điện Việt Nam, nhà máy thủy điện Sơn La sẽ tổ chức buổi lễ khánh thành công trình. Kể từ thời điểm tháng 12/2010 khi tổ máy số 1 được đưa vào vận hành, đến nay là sáu tổ máy đã hòa mạng lưới điện Quốc gia, con số mới nhất mà Nhà máy Thủy điện Sơn La cung cấp cho VietNamNet, tính đến ngày 10/10/2012, tổng sản lượng điện do Nhà máy Thủy điện Sơn La đã sản xuất là 11,553 tỷ KWh – điều đó cũng đủ để khẳng định, đặt niềm tin, sự mong đợi và kỳ vọng vào một đại công trình lớn của Quốc gia như Thủy điện Sơn La là hoàn toàn đúng chỗ.

Kiên Trung

Bài tiếp: Những người “nghe” nhịp thở sông Đà