– Giải pháp do chuyên gia nuôi rùa và nghiên cứu động vật rùa Nguyễn Ngọc Khôi kiến nghị tại hội thảo bảo vệ Rùa Hồ Hoàn Kiếm là thả thức ăn trộn lẫn thảo dược, trong đó có bột tam thất để chữa vết thương cho cụ.


Cụ rùa bị thương là có thật!

Vết thương mới xuất hiện trên mình cụ rùa. Ảnh: Thể thao - Văn hóa.

Mục đích của hội thảo này nhằm tìm ra phương án khả thi và tổng quan bảo vệ Rùa hồ Hoàn Kiếm và giải pháp chữa trị vết thương cho cụ rùa mà báo chí và dư luận quan tâm thời gian qua.

Các đại biểu, khách mời đã rất chuyên tâm và hết mình trong việc đưa ra các giải pháp, nhận định… cũng như khẳng định giá trị văn hóa, tâm linh và ý nghĩa lịch sử của cụ Rùa Hồ Gươm. Sức khỏe của cụ rùa đã trở thành mối quan ngại không của riêng ai, nhất là khi cụ rùa là "tài sản chung của cả đất nước".

Các chuyên gia đưa ra ý kiến tham luận tại hội thảo đều thống nhất chung một điểm: cụ rùa bị thương là có thật!

Với bề dày thời gian hơn 20 năm nghiên cứu rùa Hồ Gươm, PGS.TS Hà Đình Đức – nhà “rùa Hồ Gươm học” khẳng định: cụ rùa Hồ Gươm bị thương lần thứ nhất vào năm 1996. Ông Đức cũng đã viện dẫn các văn bản về việc ông gửi kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền, các cơ quan chức năng… trong việc tìm giải pháp để bảo vệ cụ rùa.

Trong đó, ngày 1/1/1997, PGS.TS Hà Đình Đức đã gửi thư tới Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ánh về việc rùa bị thương và đề nghị cho kiểm tra lại các cọc đóng chung quanh chân Đảo Ngọc cho nhổ bỏ hết những cọc lởm chởm trên hồ và triệt để cấm những kẻ câu trộm xung quanh hồ để rùa có thể bơi lội an toàn.


Các chuyên gia về rùa khẳng định: vết lở loét trên mình cụ rùa là do loài nấm ký sinh. - Ảnh: Thể thao Văn hóa

Lần thứ 2, theo ông Hà Đình Đức, cụ rùa bị dính 2 chùm lưỡi câu vào các ngày 01/8/2010; ngày 18/12/2010, cụ bị một con rùa tai đỏ leo lên lưng. Đó là khi ông Đức cùng với PV VTV làm phóng sự về loài rùa tai đỏ xuất hiện tại Hồ Gươm.

Tiếp theo, ngày 30/12/2010, cụ rùa xuất hiện với vết thương mới trên cổ và mai cụ bị lở loét nham nhở. Ông Đức đã đưa ra dẫn chứng bằng hình ảnh về hiện trạng vết thương mới ở cụ rùa vào thời gian này.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi – Chủ tịch tập đoàn Thương mại HN KAT - Ủy viên Ban lãnh đạo Trung ương Hiệp hội vừa và nhỏ VN, chuyên gia nuôi rùa và nghiên cứu về động vật rùa khẳng định: hiện cụ rùa đang bị thương tích (chứ không phải trọng bệnh). Nguyên nhân là do các vật rắn cọ vào gây trầy xước. Trên người cụ cũng có rất nhiều nấm (theo ông Khôi, về mùa rét tất cả các loài rùa, ba ba đều có nấm trên thân và trùng đỉa bám).

Ông Khôi cũng là người đưa ra phỏng đoán Hồ Gươm có hai cụ rùa, với bằng chứng là bức ảnh chụp có 2 vệt tăm nước mà ông chụp được vào chiều 30 Tết vừa qua.

Chưa có giải pháp khả thi

Buổi hội thảo kết thúc lúc quá 12h trưa. Ông Lê Xuân Rao (GĐ Sở KH-CN Hà Nội) là người cuối cùng tổng kết hội thảo và đưa ra kết luận: Giải pháp khả thi để cứu sức khỏe cụ rùa vẫn chưa được tìm ra. Cần phải bàn bạc trong các hội thảo tiếp theo. Tựu trung, việc cần làm ngay là dỡ bỏ các mố bê - tông quanh chân Tháp Rùa để cụ rùa có lối lên phơi nắng mà không ảnh hưởng, cọ xát đến thân thể của cụ.

Còn đây là vết thương trên cổ của cụ Rùa - Ảnh: Dân trí.

Theo ông Lê Xuân Rao, giải pháp đưa ra chữa trị vết thương và giữ sức khỏe, bảo vệ cụ rùa nói riêng và loài rùa Hồ Hoàn Kiếm nói chung, cần phải hết sức thận trọng.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, với việc chữa trị vết thương hiện có trên người cụ rùa mà báo chí đã thông tin, có thể dùng… dung dịch cồn để tẩy rửa. Một vài góp ý sử dụng nước tinh khiết!!!

Trong khi đó, PGS.TS Hà Đình Đức - một người nhiều năm nghiên cứu và quan tâm đến cụ rùa vẫn khẳng định lại 8 biện pháp mà ông đã trả lời trên một tờ báo vào ngày 14/2/2011.

Ông Đức nhấn mạnh thêm: Qua những số liệu mà ông thống kê, cho thấy, hiện tượng cụ rùa xuất hiện nhiều là điều không bình thường (cụ rùa nổi 134 lần trong năm 2010; 14 lần trong tháng 1/2011). Ông Đức quan ngại, phải chăng liên quan đến sức khỏe và các vết thương cụ mang trên mình?!

Cụ rùa bị dính một chùm lưỡi câu trên mình. - Ảnh: Thể thao Văn hóa

Ông Đức cho rằng, cần phải đưa ngay cụ lên bên chân Tháp Rùa để kiểm tra và chữa trị kịp thời để tránh tình hình ngày càng xấu thêm. Bên cạnh đó, cần đánh bắt và tiêu diệt rùa tai đỏ để bảo vệ cụ rùa và sinh thái Hồ Gươm.

Ngoài ra, những kiến nghị mà ông Đức đưa ra liên quan tới việc cải tạo môi trường Hồ Gươm: kiểm tra đáy hồ và thu dọn hết các chướng ngại có thể là nguyên nhân gây vết thương cứa trên cổ cụ rùa; kiểm tra nước thải nhà hàng Thủy Tạ và nhà hàng Hapro sát mép hồ; hệ thống điện và nước nối với đền Ngọc Sơn, hệ thống điện dẫn ra Tháp Rùa…

Ông Nguyễn Ngọc Khôi đưa ra giải pháp tạo đài phun nước (nơi sâu nhất của đáy hồ) tạo oxy, tạo khu nước sạch, gắn camera theo dõi (chắc chắn cụ rùa sẽ về đây hóng nước mới) để xác định vết trầy xước, mức độ thương tật.

Một giải pháp khác mà ông Khôi kiến nghị, đó là thả một số thức ăn có trộn lẫn kháng sinh thảo dược, đặc biệt là bột tam thất sẽ rất mau lành vết xước và chống được nấm, hoặc thả bèo tây để làm nước sạch, sau một thời gian sẽ vớt bỏ đi.