- Không giống như những cô gái cùng trang lứa với môi hồng, má phấn, quần áo sành điệu, Hạnh hiền lành, nhu mì, nhưng công việc hàng ngày của cô thì vô cùng gai góc khi phải tiếp xúc với những kẻ giết người, những tên tội phạm khét tiếng...

Con đường đã chọn


Gặp Thượng sỹ Vũ Thị Đức Hạnh (SN 1988), nữ quản giáo thuộc Đội quản giáo số 3, Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội, tôi khá ngạc nhiên.

Cô mới 24 tuổi, nước da trắng, gương mặt hiền hậu và hay cười ngượng ngịu. Nhìn cô, người ta khó có thể hình dung ra công việc hàng ngày của Hạnh.

Sau khi ra trường, Hạnh được phân công về Trại tạm giam số 1, Công an Hà Nội, nơi khi xưa người ta vẫn quen gọi là Hỏa Lò. Cái tên Hỏa Lò cho thấy “sức nóng” ở nơi giam giữ những con người tội lỗi đang chờ ngày đền tội.

Từ một cô sinh viên vừa tốt nghiệp, hiền lành và có phần nhút nhát, Hạnh được phân công công tác tại trại tạm giam Hà Nội. Công việc ban đầu đối với Hạnh có nhiều bỡ ngỡ khi phải tiếp xúc với những kẻ được coi là “dưới đáy xã hội”.

Nhưng nói về những can phạm, Hạnh cho biết, không phải ai trong họ đều xấu cả. Có những người do hoàn cảnh xô đẩy dẫn đến phạm tội.

Cũng có những người vì phút sai lầm trong cuộc đời mà phạm pháp. Và có cả những can phạm dù đã phạm tội, nhưng một góc khuất nào đó trong tâm hồn, họ vẫn là người tốt, vẫn còn có thể “cải tạo” được...

Hạnh kể về những ngày đầu bỡ ngỡ vào nghề. Hôm đó, đang ca trực, cô bỗng nghe thấy tiếng can phạm hốt hoảng gọi: “Báo cáo cán bộ....”.

Vội ào chạy đến buồng giam những can phạm ở tuổi vị thành niên, Hạnh cùng các đồng nghiệp phát hiện một nữ can phạm vừa nhảy xuống bể nước để tự vẫn.

Đằng sau vẻ hiền hậu của Thượng sỹ Vũ Thị Đức Hạnh là bản lĩnh của một nữ quản giáo rắn rỏi.
 

Rất may, được phát hiện kịp thời nên can phạm đó đã được cứu sống. Khi gần gũi hỏi han, can phạm đó cho hay, sau khi phạm tội, bị tạm giam, sau 2 tuần không thấy cha mẹ gửi quà thăm nuôi, nữ can phạm đó nghĩ mình bị gia đình bỏ rơi nên đã chán nản rồi tự vẫn.

Phải mất nhiều thời gian gần gũi, chia sẻ, động viên, giáo dục, cuối cùng nữ can phạm tuổi teen đó đã lấy lại được cân bằng, không còn nghĩ đến những việc làm tiêu cực nữa.

Thế nhưng, sau lần đó, mỗi lần nghe can phạm gọi to: “Báo cáo cán bộ” là Hạnh lại thấy “chột dạ”, lạnh hết người vì lo sợ có chuyện xấu xảy ra.

Nhưng dần thành quen, sau 2 năm bước vào nghề, giờ cô gái 24 tuổi đã có “bản lĩnh nghề nghiệp” để phản ứng bình tĩnh với những tiếng gọi giật giọng của can phạm vang lên từ phòng tạm giam.

Mối thương cảm

Trong số những can phạm từng bị giam ở trại tạm giam Hà Nội, Hạnh ấn tượng nhất với nữ can phạm Trần Thu Trang (SN 1996, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Trang bị truy tố tội giết người.

Theo VKS, vì mâu thuẫn, Trang đã cùng người chị họ của mình mang dao đến “xử” người bạn cùng trường. Nói về Trang, Hạnh chia sẻ mối thương cảm khi thấy can phạm này khóc suốt.

Vì lầm lỗi, từ một học sinh ngoan, thi vào trường chuyên, Trang phải đối mặt với tội giết người. Dù nạn nhân của Trang không tử vong, nhưng Trang cũng sẽ vẫn phải chịu án tù thích đáng.

Đang từ chỗ được cha mẹ chăm sóc chu đáo, Trang phải vào “bóc lịch”, đối mặt với 4 bức tường lạnh lẽo. Nhìn can phạm tuổi còn nhỏ, lại xinh xắn và từng là học sinh ngoan, Hạnh lấy làm tiếc cho Trang.

“Khi vào trong này Trang khóc suốt. Mình thấy tiếc cho Trang nên hay động viên Trang để nữ can phạm này không làm những việc tiêu cực, dại dột”, Hạnh chia sẻ.

Ngoài buồng giam trẻ vị thành niên, Hạnh còn được phân công 2 buồng giam khác, gồm những can phạm đã có “số má”, không ít lần vào tù ra tội.

Cô gái mang gương mặt hiền hậu cho biết, cô không hề cảm thấy sợ khi phải tiếp xúc với những can phạm như thế.

“Cũng có những can phạm từng tái tù khi gặp nữ quản giáo trẻ như mình họ có thái độ thiếu hợp tác. Nhưng với những trường hợp như vậy, những lời nói nhẹ nhàng lại có tác dụng”, Hạnh chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp.

Khi hỏi về những buổi trực đêm, Hạnh cho biết đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong ngày.

Những can phạm sau thời gian bị giam cầm trong 4 bức tường, họ bị ám ảnh bởi đủ thứ suy nghĩ: Hối hận, đau xót, mong ngóng, lo lắng... nên khi đêm về lại là lúc họ giằng xé nhất.

“Có những người không chịu được họ gào thét, họ khóc lóc... Những lúc như vậy mình phải nhẹ nhàng lựa lời động viên, giải thích cho họ hiểu”, lời của Hạnh.

Phải đối mặt với công việc gai góc đó, hẳn không dễ dàng đối với một cô gái tuổi 24. Nếu chọn một con đường khác, có thể lắm Hạnh cũng được môi hồng, áo đẹp, cưỡi xe máy vi vu dạo phố, thay vì phải túc trực bên những song sắt nhà tù lạnh lẽo, phải nghe những tiếng khóc than, gào thét... của những con người tội lỗi đang trong cơn cùng cực. Nhưng Hạnh đã chọn và Hạnh tin mình sẽ vượt qua hết...

T.Nhung