Trong sáng sớm ngày 28/10, bão số 8 sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với sức gió giật cấp 10-11.

Tính đến 16h ngày 27/10, bão số 8 còn cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 150 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Đường đi mới nhất của cơn bão số 8 vào lúc 16h ngày 27/10

Trong diễn biến mới nhất của cơn số 8, ông Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết bão đang tiến viến phía Nam đồng bằng Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất giật cấp 12.

Dự kiến, đến sáng sớm ngày 28/10, bão sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với cường độ giảm xuống còn cấp 10-11.

Đến trưa, chiều ngày mai, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, tập trung ở khu vực tỉnh Thanh Hóa và một số huyện của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.

Theo dự báo, bão số 8 sẽ quét dọc ven biển miền Trung trước khi vào đất liền.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Khu vực Vịnh Bắc Bộ từ đêm nay (27/10) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội.

Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ sáng mai (28/10) có gió giật cấp 6, cấp 7.

Hiện tại, do ảnh hưởng của bão số 8, khu vực Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến thừa thiên Huế đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, một số nơi như Tà Rụt (Quảng Trị) 132mm; A Lưới (Thừa Thiên Huế) 131mm; Quảng Ngãi 131mm; Lý Sơn 97mm; Đà Nẵng 79mm…

Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 – 4m.
Người dân Thanh Hóa đang khẩn trương ke bờ tránh bão. Ảnh: Thanh Lê

Theo ghi nhận, trong chiều 27/10, tại khu vực huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã có gió giật cấp 4, cấp 5, biển động, sóng đánh cao từ 2-3m.

Tại Thanh Hóa, Nghệ An ngay từ đầu giờ chiều 27/10 đã có mưa, gió thổi mạnh. Chiều cùng ngày tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng có mưa kèm gió giật, nhiều khu vực cây xanh gần bờ biển bị gãy, đổ.

Vùng ven biển Quảng Ngãi xuất hiện sóng lớn uy hiếp nhiều khu dân cư ở vùng ven biển sạt lở ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn và xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức.

Để đối phó với cơn bão số 8, hiện Thanh Hóa đã bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng đưa 2.600 dân ở 13 xã ven biển đến nơi an toàn.

Tại Hà Tĩnh, trong sáng 27/10, chính quyền xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đã di dời khẩn cấp 20 hộ dân. 120 hộ trong diện nguy hiểm cũng được lệnh di dời ngay trong chiều cùng ngày.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết tàu thuyền của các tỉnh ven biển đã vào nơi tránh trú an toàn, duy chỉ còn 2 tàu của ngư dân Quảng Ngãi với 28 ngư dân vẫn đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.

M.Anh