- Đến sáng 28/10, bão Sơn Tinh đã tăng lên cấp 13 (tức từ 134-149km/h), trong tối nay, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển các tỉnh từ Thái Bình - Thanh Hóa.
* 19h, bão đổ bộ Thái Bình - Thanh Hóa
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, hồi 7h sáng 28/10, bão số 8 chỉ còn cách bờ biển các tỉnh Nam Định - Nghệ An khoảng 130km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức từ 134-149 km/h), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo đến khoảng 19h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay sát bờ biển các tỉnh Thái Bình - Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức từ 103-133 km/h), giật cấp 13, cấp 14.
Bão số 8 tiếp tục tăng lên một cấp trước khi đổ bộ vào Thái Bình - Nghệ An (Ảnh: NCHMF) |
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Bắc Tây Bắc và Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ có gió giật cấp 6, cấp 7.
Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Ngoài ra do ảnh hưởng của bão kết hợp với thủy triều khu vực từ Thái Bình – Thanh Hóa có nước biển dâng cao từ 3 – 4m.
* Thanh Hóa di dời hơn 5 vạn dân trong đêm
Để đối phó với cơn bão số 8, ngay trong tối 27/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện khẩn gửi các địa phương ven biển yêu cầu di dân khẩn cấp ngay trong đêm.
Tại Thanh Hoá, tính đến 23 giờ ngày 27/10, trời lặng gió, có mưa rải rác. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, cơn bão sẽ rất to và bất thường.
Ngư dân ven biển huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá khẩn trương neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ vào đất liền |
Theo đó, Chủ tịch Thanh Hoá yêu cầu các huyện, thị ven biển cương quyết đưa số lao động đang ở trên các chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên các tàu cá vào bờ khẩn cấp. Tổ chức sơ tán ngay các hộ dân nằm sát mép nước vùng ven biển, cửa sông vào nơi tránh trú bão an toàn.
Các hộ dân ven biển phải chủ động gói ghém hành lý, sắp xếp tài sản, chuẩn bị phương tiện để sẵn sàng sơ tán khi có lệnh...
Đúng 6 giờ sáng nay 28/10, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chính thức phát lệnh di dân
khẩn cấp. Theo đó, khoảng hơn 12.000 hộ dân với hơn 53.000 nhân khẩu sinh sống
cách mép nước 200m thuộc các huyện ven biển Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hoá, Tĩnh
Gia, Sầm Sơn, Quảng Xương phải được di dời khẩn cấp trong sáng 28/10.
Tại xã biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, hiện đã có mưa lớn, gió giật mạnh.
Tiếng còi hú, tiếng kẻng báo động liên tục được phát đi từ trung tâm truyền
thanh của xã kêu gọi người dân tìm nơi tránh trú an toàn.
Dù bão gần vào sát bờ, nhiều ngư dân huyện Hậu Lộc vẫn tranh thủ mua bán cá |
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, ngay từ khi nhận được lệnh di dân, UBND xã đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, dân quân tự vệ, công an, dân phòng cùng sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội chính quy giúp người dân sơ tán vào các trường học, những ngôi nhà kiên cố cách xa bờ biển.
Dù bão sắp đổ bộ, tuy nhiên, theo ghi nhận, 7h30 sáng nay, nhiều xưởng chế biến cá của ngư dân xã Ngư Lộc nằm ngay trên bờ đê vẫn hoạt động. Trẻ em nô đùa, chạy nhảy trên bờ đê.... Chính quyền địa phương đang tiến hành cưỡng chế di dân.
Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng, công an cũng đã chuẩn bị 2.300 cán bộ chiến sỹ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động.
* Thừa Thiên Huế ngập sâu
Tại Thừa Thiên Huế, trong tối 27 đến sáng 28/10 đã có mưa lớn cục bộ. Một số nơi lên đến trên 100mm như A Lưới 136mm, Tà Lương 196mm…
Tuyến QL 1A đoạn cầu vượt Thủy Dương (Thị xã Hương Thủy) chìm sâu trong nước |
Mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh đang lên khá nhanh, có nơi trên mức BĐ1 và xấp xỉ mức BĐ2.
Mưa lớn cũng khiến nhiều tuyến đường như đoạn đường Hùng Vương giao cắt với đường Nguyễn Tri Phương; trên tuyến QL 1A đoạn trước cầu vượt Thủy Dương (Thị xã Hương Thủy)… bị ngập nặng cục bộ từ 0,2-0,4m gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.
Học sinh trên toàn tỉnh đã được Sở GD-ĐT tiếp tục cho nghỉ học để tránh bão.
Trước đó, vào sáng 27/10, trên tuyến QL1A đoạn chạy qua xã Phong An, huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) do gặp trời mưa to, gió lớn, đường trơn trượt nên xe khách mang BKS 18T-3149 chạy hướng Quảng Trị - Huế đã bất ngờ mất lái, lật nhào bên đường. Hậu quả, ông Nguyễn Văn Hạ (76 tuổi, quê Nam Định) tử vong tại chỗ.
Nghệ An: 1 ngư dân mất tích do bão
Trưa 27/10, trên đường vào bờ tránh bão, tàu cá do ông Võ Văn Hường (ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) làm thuyền trưởng chở theo 8 ngư dân gặp sóng lớn, anh Hoàng Văn Đông, 46 tuổi, bị quật rơi xuống biển mất tích. Đến tối cùng ngày, vẫn chưa tìm thấy.
Thanh Lê - Minh Anh - Phước Lợi