- Theo đánh giá, cơn bão số 8 có diễn biến vô cùng phức tạp, không đài nào có thể tính toán và dự báo được đường đi của nó, thêm vào đó nhiều địa phương chủ quan, lơ là khiến thiệt hại hết sức nặng nề.
Dự báo quá rộng?
Sau khi bão số 8 tan, theo đánh giá của nhiều địa phương như Hải Phòng, Nam Định, công tác dự báo đường đi và cường độ bão đã không sát với diễn biến của bão, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh.
Cụ thể, trong báo cáo của BCH PCLB tỉnh Nam Định, bão số 8 khi vào Nam Định có gió mạnh cấp 11, 12, giật cấp 13, 14.
Trong khi theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, trong đất liền gió chỉ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, vùng ven biển cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Tại Hải Phòng, chính quyền tại nhiều huyện như Kiến Thụy, Cát Hải… cũng bị động trong việc đối phó với bão số 8 do dự báo đường đi của cơn bão quá đột ngột.
|
Theo đánh giá bão số 8 có nhiều điểm dị thường |
Trong chiều 29/10, khi trao đổi với báo chí về công tác dự bão diễn biến bão Sơn Tinh, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho rằng cơn bão số 8 vừa qua có nhiều điểm bất thường.
Báo Thanh niên dẫn lời khẳng định của ông Bùi Văn Đức, TGĐ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia: “Cả mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn trên toàn quốc đã tham gia vào việc dự báo cơn bão này, trung tâm cũng đã chủ động phát tin sớm. Chúng tôi đã làm hết sức mình”.
Là người trực tiếp theo dõi cơn bão, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết khi mới xuất hiện, bão chỉ mạnh cấp 8.
Trong quá trình di chuyển và mạnh lên, trung tâm đưa ra cảnh báo khi vào tới Hoàng Sa, bão sẽ mạnh nhất cấp 12.
“Tuy nhiên khi vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị, chỉ trong buổi chiều 27/10, bão đã 'nhảy' từ cấp 12 lên cấp 14. Trong vòng 4 - 5 giờ, việc nhảy cấp này không mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh thêm nhiều như vậy", VnExpress dẫn lời ông Bùi Minh Tăng.
Lý giải về nguyên nhân khiến bão số 8 đổi hướng, ông Đức cho rằng các phương tiện dự báo đã phát hiện một rãnh gió tây nam trên cao, tuy nhiên không thể khẳng định ngay nó sẽ làm thay đổi hướng bão mà phải tiếp tục theo dõi và tham khảo các mô hình dự báo khác.
“Trong các bản tin, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ vì nói cho dân thì chỉ được chọn một cái, đưa ra nhiều tình huống thì bà con biết đường nào mà chọn. Dự báo chỉ là dự báo thôi", lời ông Đức trên báo Thanh niên.
Nhận định xung quanh các lý giải của lãnh đạo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia về cơn bão số 8, trên Tiền phong, GS.TS Phan Văn Tân – Chủ nhiệm Khoa Khí tượng (ĐH KHTN – ĐH QGHN) cũng tỏ thái độ đồng tình.
Theo GS Tân, các bản tin dự báo đã khá sát với thực tế nhưng cái bất thường đáng nói là bão Sơn Tinh có tốc độ di chuyển khá nhanh và sự chuyển hướng khó lường.
Đây là cơn bão dị thường cả về đường đi lẫn cường độ, liên tiếp gây bất ngờ cho các trung tâm dự báo khí tượng cả thế giới lẫn Việt Nam.
Cũng trên báo này, GS Tân đánh giá, sở dĩ nhiều địa phương không chủ động đối phó được với bão là do hạn dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn còn khá ngắn (dưới 12 tiếng). Tuy nhiên, để dự báo dài thì quả khó không chỉ riêng đối với Việt Nam.
Chính quyền chủ quan, lộ sai sót
Theo báo cáo, tại thời điểm bão vào Hải Phòng, nhiều người dân vẫn còn lênh đên trên biển.
Nguyên nhân là do chính quyền các huyện Cát Hải, Bạch Long Vỹ, Kiến Thụy không quyết liệt trong chỉ đạo phòng chống bão số 8, có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, không thông tin cho dân về cơn bão dẫn đến không kịp trở tay.
Trong cuộc họp bàn cách khắc phục sau bão, ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP, trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hải Phòng - cho biết TP cũng đã thừa nhận thiếu sót trên.
Sau khi khắc phục xong hậu quả cơn bão sẽ xem xét trách nhiệm cụ thể của các ban ngành.
Tại Nam Định, vụ việc được quan tâm nhất hai ngày qua là việc khắc phục lại tháp truyền hình cao nhất miền Bắc (180m) bị bão số 8 giật đổ.
Vấn đề chất lượng tháp truyền hình cao nhất miền Bắc tại Nam Định được đặt ra sau bão |
Trong khi nhiều người đổ lỗi cho bão quá mạnh, thì một giả thiết khác đã được đặt ra: Tháp truyền hình không đạt chuẩn?
Theo khẳng định của ông Trần Anh Tú - giám đốc NTV trên Tuổi trẻ, toàn bộ các thiết bị của công trình đều được nhập từ Malaysia, toàn bộ đều nhập khẩu và đều đã được kiểm tra chất lượng.
Phía Công ty TNHH một thành viên công trình Viettel, đơn vị thi công tháp truyền hình NTV cũng khẳng định đã làm đúng theo thiết kế và bàn giao từ tháng 6/2010.
Tuy nhiên trên báo này, ông Trương Mỹ - một kỹ sư quản lý chất lượng hạ tầng mạng khẳng định một công trình xây dựng phải xét đến ba bài toán: thiết kế, gia công, lắp dựng. Thông thường nếu thiết kế đúng và thi công đúng theo thiết kế thì khó mà sập được.
Ông Lê Huy Lộc (chuyên gia về kết cấu công trình dây tải điện) cũng cho biết với tiêu chuẩn thiết kế của tháp truyền hình Nam Định, tháp này phải chịu được áp lực gió 48,9m/s (tương đương bão cấp 15). Trong khi thực tế, bão tại Nam Định mạnh nhất cũng chỉ đạt cấp 12.
Ông Lộc cho rằng cần phải làm rõ được nguyên nhân
vì sao bị đổ sập, nếu chưa tìm ra mà vội vã khôi phục thì lại mắc sai lầm.
Đ.Tâm (tổng hợp)