- Tiến độ thi công đã chậm 2 năm rưỡi so với dự kiến ban đầu, mới đây dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài còn bị kiến nghị lên thành phố do thi công không đảm bảo an toàn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.

Dự án triệu đô, thi công…rùa bò

Ngày 31/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đã nhận được kiến nghị của UBND quận Thủ Đức về tình trạng không bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thi công dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.


Tuyến Tân Sơn Nhất- Bình Lợi- Vành đai ngoài được dự báo sẽ giải tỏa ùn tắc khu vực kẹt xe tại giao lộ Kha Vạn Cân- Quốc lộ 13. Nhưng hiện nay đang lại là tác nhân gây nguy hiểm giao thông.

Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng phối hợp tiến hành kiểm tra, đồng thời dặm, vá ổ gà, xử lý tình trạng ngập nước, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện trên tuyến đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) do ảnh hưởng của rào chắn thi công dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi- Vành đai ngoài dài 13,653 km bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất qua nút giao thông Nguyễn Thái Sơn, cầu Bình Lợi, đường Kha Vạn Cân và kết thúc tại ngã tư Linh Xuân.

Với 4 cầu và 4 giao lộ, đây là đường nội đô đẹp nhất rộng 30 - 65 m (tương đương 6-12 làn xe) giải tỏa một lượng lớn phương tiện của khu vực trung tâm thành phố về hướng Đông.

Quy mô chính của tuyến có mặt cắt ngang rộng 60m, 12 làn xe, năng lực thông xe vào năm 2020 là trên 42.000 xe/ ngày đêm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 340 triệu USD do công ty TNHH MTV phát triển GS Sài Gòn- Hàn Quốc làm chủ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng và chuyển giao).

Vừa qua, sau khi lãnh đạo thành phố dự kiến hoàn thành dự án trọng điểm vào tháng 12/2014, tuyến đường này đã chậm tiến độ hai năm rưỡi so với dự kiến ban đầu. Một chuyên gia giao thông còn đưa ra nhận định, nếu không tăng cường tài chính và quản lý dự án, quản lý chất lượng thì công trình sẽ còn lỗi hẹn dài dài.

Đau đầu giải bài toán ga Gò Vấp

Ga Gò Vấp (còn gọi là Xóm Thơm, phường 3, quận Gò Vấp) có diện tích khoảng 18.000 m2 với 5 đường ray. Trong đó, đường số 3 chính tuyến dài 1.206m được dùng tác nghiệp kỹ thuật chạy tàu.

Các đường ray còn lại rất ít sử dụng: đường số 2, số 3 được thiết kế để đón gửi, 2 đường cụt để xếp dỡ. Hiện nay, không có đường giao thông cộng cộng nào kết nối vào ga Gò Vấp để có thể vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Đồ họa dự án đoạn qua địa bàn Gò Vấp

Người dân ở khu vực này trước đây thường ra vào ga Gò Vấp bằng một đường hẻm chỉ khoảng 3-4 mét. Vào cao điểm phục vụ của ngành đường sắt (dịp hè và tết âm lịch) do trục trặc về giờ chạy tàu, các tàu thường được đón gửi vào ga để đảm bảo giờ xuất phát cho các tàu khác hay để kịp thời giải phóng đường ray tại ga Sài Gòn.

Sẽ không có gì để nói nếu như nhà ga này không giao cắt với dự án Tân Sơn Nhất- Bình Lợi - Vành đai ngoài. Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, lãnh đạo TP.HCM đã phản ánh về việc này. Trước đó, dự kiến chi phí di dời ga Gò Vấp lên đến khoảng 84 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 50 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín nhận định, việc tồn tại ga Gò Vấp đối với ngành đường sắt là do lịch sử để lại, không có giá trị khai thác, chỉ sử dụng trong những tình huống đột xuất và hoàn toàn khắc phục được.

Vì vậy, thành phố kiến nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, chấp thuận phương án trước mắt cho tháo ghi, xây dựng đường ngang mới, giữ nguyên hiện trạng ga Gò Vấp, không giải phóng mặt bằng do kinh phí cao nhưng hiệu quả thấp nên thật sự không cần thiết

Theo đề xuất mà lãnh đạo TP.HCM đưa ra, về lâu dài, khi triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt trên cao Trảng Bom- Hòa Hưng sẽ xây dựng lại ga Gò Vấp cho đồng bộ.

Quốc Quang