- Chỉ vì va chạm nhỏ trong những ván bài, không ít người dân lao động nghèo đã biến thành sát thủ. Họ gieo rắc đau thương tang tóc cho gia đình nạn nhân và cho chính người thân của họ.
Phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Duy Long phạm tội “giết người” diễn ra vào một ngày đầu tháng 10, không khí ảm đạm đến nao lòng. Bị cáo ngồi cúi đầu trước vành móng ngựa, người mẹ già gầy guộc ngồi phía sau sụt sùi kéo vạt áo lau nước mắt.
Nghe tòa bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, y án sơ thẩm tuyên phạt Long mức án tù chung thân, bà ngồi thẫn thờ. Thế là hết hy vọng. Phần đời còn lại của đứa con trai là những ngày tháng lao tù.
Án mạng từ ván bài…
Lê Duy Long (35 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa; tạm trú tại quận 10, TP.HCM) và anh Nguyễn Văn Tiến (30 tuổi) là bạn cùng quê, gần nhà. Do cuộc sống khó khăn, hai người cùng vào TP.HCM kiếm sống. Long đã ly hôn, để lại con nhỏ cho mẹ nuôi ở quê nhà còn anh Tiến đi cùng vợ, đứa con 4 tuổi của họ cũng gửi lại ở nhà ông bà nội.
Bị cáo Lê Duy Long được dẫn giải sau phiên phúc thẩm |
Không nghề nghiệp, chẳng có vốn liếng lận lưng, anh Tiến hành nghề bán sách báo dạo tại khu vực bệnh viện 115 (quận 10), còn Long bán ở khu vực gần Bệnh viện Nhi đồng 1. Đồng tiền kiếm được từ việc bán sách báo dạo chẳng đáng là bao, họ phải tằn tiện từng đồng để trang trải cuộc sống, phần còn lại gửi về phụ cha mẹ nuôi con nhỏ.
Cuộc sống lay lắt nơi vỉa hè đầu phố cứ thế trôi đi. Rồi Long trở thành kẻ giết người, người bạn tên Tiến chính là nạn nhân…
Khoảng 19h ngày 28/3/2011, sau một ngày đi cuồng chân, Long và anh Tiến vào uống nước cùng hai “đồng nghiệp” khác tại một quán cà phê trên đường 3/2, quận 10. Một lúc sau, cả nhóm tổ chức đánh bài tiến lên ăn tiền mỗi ván từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng.
Đang chơi thì Nguyễn Chí Phương xuất hiện, xin tham gia. Thấy vậy, Long nhường tụ bài của mình cho Phương rồi ngồi xem, không chơi nữa.
“Ăn được rồi đứng dậy à? Đồ chơi bẩn!”, anh Tiến nhìn Long khích bác. “Được đâu mà được, bỏ ra 50.000 đồng giờ chỉ hòa vốn này”… Nhưng những lời khích về tội “chơi bẩn” vẫn chưa dứt dẫn đến hai bên cự cãi.
Long hậm hực bỏ về phòng trọ. Lát sau, Long lấy con dao giấu trong người rồi quay lại đâm một nhát vào ngực Tiến. Nạn nhân tử vong trên đường đến bệnh viện.
Đón xe trở về Thanh Hóa nhưng tới nhà Long không dám vào, chỉ ở ngoài lén nhìn mẹ già và đứa con 4 tuổi. Biết tin bạn chết, Long đến công an huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đầu thú và khai nhận hành vi giết người.
Hai cậu cháu giết người
Nguyễn Văn Chính (34 tuổi, quê Cai Lậy, Tiền Giang) và cháu ruột là Huỳnh Thanh Tâm (21 tuổi) cũng phạm tội “giết người” xuất phát từ mâu thuẫn trên chiếu bạc.
Theo bản án sơ thẩm, Nguyễn Văn Chính, Huỳnh Tấn Vui, Huỳnh Thanh Tâm cùng là thợ phụ hồ đi theo các công trình xây dựng. Khoảng 13 giờ ngày 12/4/2011, sau khi hoàn thành công việc cả nhóm được mời về nhà chủ thầu uống rượu.
Uống hết 2 lít rượu, Chính cùng Vui rủ thêm hai người nữa để dựng sòng bài, ai thua độ phải mua thêm 1 két bia. Vừa chơi được vài ván, giữa Chính và Vui phát sinh mâu thuẫn do Vui nghi ngờ Chính trộm tiền của mình để trên chiếu bạc.
Hai cậu cháu Chính và Nam sau phiên tòa |
Tức giận vì bị nghi trộm tiền, Chính đưa chân lên cao đạp nhiều cái vào bụng, ngực của đối phương. Lúc này, Huỳnh Thanh Tâm nghe tiếng của cậu chửi, đánh Vui nên cũng xông vào đánh hội đồng. Kết quả, Vui chết trước khi nhập viện do bị đạp mạnh dẫn đến vỡ tim.
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt Nguyễn Văn Chính 10 năm tù, Huỳnh Thanh Tâm 6 năm tù cùng về tội “giết người”. Cả hai cậu cháu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt còn đại diện người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt.
Bi kịch
Tại phiên tòa phúc thẩm xét xử cậu cháu bị cáo Chính, người dự khán ngột ngạt bởi những lời lẽ hận thù ném ra từ phía gia đình nạn nhân.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, tòa bác đơn kháng cáo của cả bị cáo và đại diện bị hại, giữ nguyên án sơ thẩm. Nghe vậy, người nhà bị cáo buồn thiu còn gia đình bị hại tỏ ra không phục. Họ ấm ức nhìn bị cáo với ánh mắt ráo hoảnh, hận thù. Bởi chỉ sau vài ván bài gia đình họ đã vĩnh viễn mất đi trụ cột.
Thế nhưng ở phiên tòa xử Long, giữa gia đình bị hại và bị cáo không có chút hận thù, chỉ có một nỗi đau chung là cảnh con trẻ mất cha, gia đình tan nát. Nghe lời đại diện gia đình nạn nhân khẩn thiết xin tòa giảm án cho Long và những lời lẽ của Long gửi đến hai người mẹ già, nhiều người không cầm được nước mắt.
“Bị cáo không chủ giết bạn mình. Bác ơi! Con không cố ý, xin bác tha tội cho con…”, câu nói của Long tại phiên tòa sơ thẩm cứ văng vẳng bên tai người dự khán. Dù bị cáo sống hết cuộc đời tù đày để tạ tội cũng không thể bù đắp nổi và bản án lương tâm vẫn là hình phạt nghiêm khắc nhất.
M.Phượng