- Lấy ráy tai không đúng cách sẽ dẫn tới các hậu quả nguy hiểm như thủng màng nhĩ, nhiễm nấm, viêm tai, chảy mủ, mất thính lực…Tuy nhiên, nhiều người vẫn không biết điều này, coi việc lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc là một thú vui để xả stress.
Thói quen thiếu hiểu biết
Anh Nguyễn Hoàng Quân, 35 tuổi, ngụ tại quận 8, TP.HCM, “tín đồ” trung thành của một tiệm lấy ráy tai.
Anh Quân kể: “Khi được lấy ráy tai "phê" lắm. Chỉ cần đi lấy ráy tai một lần sẽ nghiện luôn. Nhân viên hớt tóc có bộ đồ nghề chuyên dụng. Khách hàng nằm ngả lưng trên ghế da thoải mái, nhắm mắt hưởng thụ.
Thợ ráy tai đeo một chiếc đèn trên đầu, soi vào tai, dung nhíp gắp ráy tai, rồi đưa chiếc que bông vào ngoáy. Khi được ngoáy tai, tiếng kêu rột roạt rất đã ngứa. Thợ ráy tai còn cẩn thận chăm sóc tai cho ta bằng cách bẻ nhỏ lưỡi lam, đưa vào trong cạo sạch lông”.
Người
thợ uốn tóc không biết đường đi của ống tai cong, phải kéo vành tai ra sau và
lên trên để thấy toàn bộ ống tai ngoài. Họ chỉ cố cào vào, để ráng móc ráy ra
làm tổn thương da ống tai, dẫn tới nhiễm trùng - (Ảnh minh họa: Theo Kiến Thức)
Anh Quân cũng như nhiều người khác đâu biết rằng, mỗi lần đi lấy ráy tai kiểu đó là làm tổn thương cho đôi tai và sức khoẻ mình đang đối diện với nguy hiểm.
Bản thân bác sĩ Nguyễn Trọng Minh, Trưởng Phòng khám Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM rùng mình lắc đầu về thú lấy ráy tai để…thư giãn.
Mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy khám cho khoảng 200 bệnh nhân bị bệnh lý về tai thì có khoảng 10 trường hợp liên quan tới lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc.
“Nhiều bệnh nhân tới đây trong tình trạng tai chảy mủ vàng, có mùi hôi, rất đau nhức. Sau khi kiểm tra chúng tôi phát hiện bệnh nhân bị viêm ống tai mãn tính, lâu ngày làm thủng màng nhĩ và viêm luôn tai giữa. Điều tra bệnh sử mới biết những người này thường xuyên đi lấy ráy tai ngoài tiệm hớt tóc”, bác sĩ Minh nói.
Trường hợp bị lây nhiễm nấm do dụng cụ lấy ráy tai ngoài tiệm không sạch sẽ thì nhiều vô kể.
Thăm khám, bác sĩ Minh phát hiện bào tử nấm mọc trắng xung quanh màng nhĩ một bệnh nhân.
Những người bị nấm tai sẽ rất ngứa, đôi khi không kiềm chế, lấy đồ thọc vào ngoáy làm tình trạng bệnh thêm nặng nề.
Với các ca tai bị nhiễm nấm, bác sĩ sẽ phải soi, quan sát ống tai (để xác định màng nhĩ thủng chưa), sau đó lấy mẫu đi cấy nhằm xác định dòng nấm rồi mới cho thuốc đặc trị trong 2 đến 3 tuần.
Riêng với những ca bị viêm, tai có mủ, bác sĩ phải hút mủ, làm sạch, phun thuốc kháng sinh và cho bệnh nhân uống thêm thuốc kháng viêm.
Cần chăm sóc tai và lấy ráy đúng cách
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện FV cũng chứng kiến không ít trường hợp lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc chuyển vào cấp cứu.
Bác sĩ Đại nhấn mạnh, hậu quả của việc lấy ráy tai không đúng cách đôi khi làm bệnh nhân bị điếc, không hoà nhập được với đời sống thường nhật.
Một trường hợp tai bị nhiễm nấm và thủng màng nhĩ do
lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc. Ảnh: BS Minh.
Thậm chí nhiều trường hợp để lâu ngày chuyển qua viêm tai giữa, biến chứng thành viêm màng não, có thể tử vong.
Gần như tháng nào bác sĩ Đại cũng gặp trên 10 trường hợp lấy ráy tai phải đi cấp cứu.
“Tôi nhớ cách đây không lâu có một thanh niên chừng 30 tuổi nhập viện trong tình trạng tai chảy máu be bét. Hỏi ra mới biết anh này đi ngoáy tai ở tiệm hớt tóc, nhân viên ráy tai quá tay. Khi kiểm tra, bệnh nhân không chỉ bị vật dụng ráy tai làm tổn thương ống tai ngoài mà màng nhĩ cũng bị thủng”, bác sĩ Đại kể.
Chị Huỳnh Thị Hiếu T., 47 tuổi cũng là nạn nhân của việc lấy ráy tai. Khác với những trường hợp trên, chị Thảo tự lấy cây lấy ráy tai bằng sắt ngoáy và trượt tay làm thủng màng nhĩ.
Chị T. bị mất thính lực hẳn một bên tai, phải tới bệnh viện cấy ốc tai điện tử.
Theo bác sĩ Đại, tai chỉ có 1200 - 1600 tế bào để chúng ta sử dụng suốt đời. Vì thế ta cần biết chăm sóc tai đúng cách. Không nên ngoáy tai, lấy ráy tai nhiều mà chỉ cần mỗi tuần nhỏ một giọt giấm ăn vào tai rồi dùng tăm bông lau nhẹ phía bên ngoài.
Còn Bác sĩ Minh đặc biệt cảnh báo về chuyện lấy ráy tai ở tiệm hớt tóc bởi người kỹ thuật viên ở đó không hiểu về cấu trúc tai cũng như cơ thể học.
Tai gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Màng nhĩ ngăn giữa tai ngoài và tai giữa, là một lớp mỏng, rất mong manh.
1/3 ống tai ngoài, phía trước có da, cũng tiết chất nhờn, tuyến bã như da nên mới có ráy, và 2/3 phía trong không có ráy.
Ráy là tuyến bã, tuyến nhờn tiết ra để bảo vệ da ống tai.
Nếu xử lý không đúng cách, việc ngoáy sẽ dồn ráy từ 1/3 tai ngoài phía trước vào sát màng nhĩ.
Còn nếu móc ráy ra, người thợ uốn tóc không biết đường đi của ống tai cong, phải kéo vành tai ra sau và lên trên để thấy toàn bộ ống tai ngoài. Họ chỉ cố cào vào, để ráng móc ráy ra làm tổn thương da ống tai, dẫn tới nhiễm trùng.
Đó là chưa kể nhân viên ráy tai làm cho nhiều người chỉ bằng một dụng cụ khiến tai dễ bị viêm nhiễm, lây nấm.
Thanh Huyền