- “Chưa bao giờ thấy bệnh nhân bị rối loạn tâm lý, tâm thần do công việc làm ăn lại nhiều như năm nay”.

Bác sĩ Lê Hiếu, Phó khoa Khám, Bệnh viện Tâm thần cơ sở Chợ Quán TP.HCM đã nhận định như vậy.

Theo bác sĩ Hiếu, mỗi ngày mình khám khoảng 40 bệnh nhân, có tới 8 người trong số đó nguyên nhân phát bệnh liên quan tới tiền bạc, kinh doanh.

Thạc sĩ – bác sĩ Chu Thị Dung, làm việc tại khoa Khám của bệnh viện này cũng công nhận như vậy.

Nhiều người rối loạn tâm thần, có xu hướng tự tử

Bác sĩ Dung vừa thăm khám cho bà Trần Thị H., 52 tuổi, ở tận Thành phố Đà Lạt.

Bà H. kể nhà mình có cơ sở sản xuất bột giặt. Năm nay làm ăn khó khăn, công nợ nhiều.

Tiền mua nguyên liệu bà H. trả theo kiểu gối đầu, chờ khi bỏ mối được hàng mới lấy tiền đó thanh toán.

Ai ngờ mọi chuyện không suôn sẻ, bột giặt sản xuất ra không bán được, một số nơi trước đây là đại lý của gia đình bà thu nhỏ mô hình kinh doanh, không lấy mặt hàng của cơ sở bà nữa.

Bác sĩ Dung đang thăm khám cho bà H., chủ cơ sở sản xuất bột giặt - Ảnh: Thanh Huyền

Bà H. đang nợ tiền lương công nhân tới 3 tháng, phía cung cấp nguyên liệu cũng hối thúc đòi tiền liên tục.

“Cả tháng nay rồi tôi gần như thức trắng. Để giải quyết mọi chuyện êm xuôi tôi phải “quay” ra được 20 tỷ đồng. Tài sản, nhà cửa thế chấp hết rồi, tiền nong thất thoát. 6 tháng nay, mỗi tháng tôi lỗ 3 trăm triệu.

Nhiều khi mệt quá, thiếp đi, tôi nằm mơ người ta kéo tới đòi nợ nên hoảng hốt ngồi bật dậy. Chỉ trong 1 tháng tôi sụt 5kg. Ông xã và các con khuyên tôi nên về TP.HCM khám bác sĩ tâm lý, tâm thần để được tư vấn”, bà H. tâm sự.

Bác sĩ Lê Hiếu cũng vừa gặp một trường hợp tự tử bất thành do… thiếu nợ.

Đó là anh Nguyễn Đức T., 45 tuổi, ngụ tại quận 6, TP.HCM.

Anh T. làm nghề chạy xe ba gác, bị công an giữ xe nên thất nghiệp, nợ nần. Lãi mẹ đẻ lãi con lên tới con số hơn 200 triệu là quá lớn với người dân lao động chân tay.

Biết chẳng cách nào trả được nợ, xin việc không ai nhận, một phần vì anh không bằng cấp, phần thứ hai những chỗ vừa với sức anh lại đang thừa người, muốn tinh giảm bớt nhân công.

Lo lắng vì không xin được việc làm, ngày nào cũng có người đến chửi bới, uy hiếp đòi nợ khiến anh T. có ý định kết liễu cuộc đời để…giải thoát.

Rất may ý định tự tử của T. không thành công, được vợ con phát hiện, đưa đi khám tâm thần.

Tại bệnh viện, anh T. chia sẻ người lúc nào cũng mệt mỏi, mất ngủ. Anh từng mua thuốc thảo dược về uống nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Đại gia ngại bệnh viện, chọn khám tư

Đa số những người làm ăn kinh doanh cá thể nhỏ mới tới bệnh viện để khám tâm thần, còn các đối tượng đại gia, giàu có, bị rối loạn tâm thần vì công chuyện làm ăn ngại không tới bệnh viện mà tới phòng mạch tư (vì sợ điều tiếng).

Đó là trường hợp của bà Trần Thị M., 50 tuổi, ngụ tại Đồng Nai. Vợ chồng bà M. mỗi người có một công ty về kinh doanh đồ nội thất. Công ty của chồng chuyên về đồ nhập khẩu, còn vợ phụ trách mảng hàng nội địa.

Thuyền to sóng lớn. Nhìn cơ ngơi vợ chồng bà M. xây dựng ai cũng phải trầm trồ thán phục, hệ thống cửa hàng ở TP.HCM, Đồng Nai, lên tận Đà Lạt, ra cả Nha Trang, Đà Nẵng.

Tính sơ sơ bà M. đang tạo công ăn việc làm cho mấy trăm nhân viên.

Ấy vậy mà cách đây không lâu bà M. đi xe hơi tới phòng mạch của một bác sĩ tại TP.HCM để xin tư vấn về rối loạn tâm thần.

Nghe bà M. tâm sự, vị bác sĩ cũng phải toát mồ hôi: “Tôi lo lắm bác sĩ ơi, chỉ trong vài tháng mà tóc tôi bạc trắng. Khoảng 2 năm nay, mỗi tháng tôi lỗ 1 tỷ đồng.

Tài sản, nhà cửa, xe hơi thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn. Trước kia, sau khi định giá tài sản, ngân hàng cho công ty tôi vay 60 tỷ. Nay bất động sản xuống dốc, tài sản bị định giá lại, chỉ còn vay được phân nửa số cũ.

Tôi đi vay bạn bè 30 tỷ để bù vào số tiền 60 tỷ bị hụt để tiếp tục vận hành công ty. Nội tiền trả lãi cho ngân hàng và bạn bè mỗi tháng cũng đủ làm tôi…chóng mặt.

Nếu bây giờ chỉ sơ sảy một chút là sự nghiệp vợ chồng tôi gây dựng 30 năm nay sẽ mất trắng. Đó là chưa kể con cái đang du học bên Mỹ sẽ dang dở giữa đường…”.

Trước mặt bác sĩ là một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, đeo trang sức kim cương loá mắt nhưng đôi mắt dù đã trang điểm vẫn không giấu được nét thâm quầng vì thiếu ngủ.

Chồng bà M. cho biết vợ mình đang bị hoảng loạn thực sự. Bà M. căng thẳng tới mức không ăn được cơm, đêm tới cứ ngồi nhìn tường tròng trọc. Sức khoẻ suy sụp khiến bà không thể tiếp tục điều hành công việc do mất tập trung.

Tất cả các triệu chứng của những bệnh nhân nói trên được gọi chung là rối loạn lo âu.

Theo bác sĩ Chu Thị Dung, sau khi được bác sĩ chia sẻ, tư vấn, bệnh nhân sẽ được kê toa cho dùng thuốc chống lo âu.

Còn bác sĩ Lê Hiếu lại cảnh báo nếu không được điều trị và người thân quan tâm, chia sẻ, các bệnh nhân bị mắc hội chứng nói trên có nguy cơ tự tử rất cao.

Trên thực tế, bác sĩ Hiếu đã gặp không ít trường hợp các doanh nhân do công việc làm ăn không suôn sẻ, trong cơn bấn loạn đã tìm cái chết để giải thoát.

“Những đối tượng tâm thần liên quan tới chuyện làm ăn năm nay nhiều lắm, từ người kinh doanh chân chính cho tới phi pháp, buôn lậu. Có bệnh nhân vay nặng lãi, nợ nần tới vài tỷ bạc, bị xã hội đen đuổi giết, chấn động tâm lý cũng tới bệnh viện để được điều trị”, bác sĩ Hiếu cho biết.

Thanh Huyền

(còn nữa)