- "Tôi bước vào căn nhà nhỏ chị đang ở trên một con phố Sài Gòn. Phía trước tận dụng bán cà phê, nước uống và trái cây…Cuộc sống cuối đời của người phụ nữ đơn thân, ngoài 60 đượm một vẻ buồn lặng lẽ... ". Cuộc trò chuyện thân tình giữa nhà báo Duy Chiến và chị Ba Sương- người từng được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Gương mặt chị không còn vẻ rạng ngời, tự tin như thời còn làm Giám đốc nông trường Sông Hậu lừng lẫy. Chỉ còn ánh mắt tinh anh trên gương mặt đượm buồn. Tuy nhiên, thật bất ngờ, ở trong sâu thẳm của chị hãy còn khát vọng mạnh mẽ song hành cùng nỗi đau khôn nguôi…
- Chị Ba, chị đây sao?
- Ừ, chị đây. Ba Sương đây. Lâu quá chị em không gặp nhau. Em khỏe không?
- Tạm thôi chị ạ. Chị sinh sống thế nào? Căn nhà này của ai vậy chị?
Chị và đứa cháu ở chung, cùng mở quán nhỏ này bán cà phê, bán nước sống tạm qua ngày thôi. Căn nhà này của người em dâu cho chị tá túc…
Những ngày đầu ở nông trường Sông Hậu. |
- Chị có đủ sống không chị? Chị còn làm gì thêm không?
Biết sao là đủ, cố gắng gói ghém cho qua thôi. Chị có làm thêm chuối sấy bỏ mối nữa. Giờ chị đủ thứ bệnh trong người, mệt nhất là tiểu đường. Lương hưu không đủ sống lúc này.
Cũng may, các chú các anh quen biết hồi xưa biết chị bệnh tật, gởi thuốc cho uống nên cũng đỡ khổ. Em gặp chị giờ là chị khá lắm rồi đấy. Có lúc chị chỉ còn 38 kg, giờ lên lại gần 50 kg rồi!
- Giờ sống thế này cặm cụi làm từng chút một, lượm bạc cắc, lủi thủi một mình, chị có tiếc hồi vì không có chồng, không có con để tuổi già hiu quạnh như thế này không chị?
(Chị cười gượng). Cũng khó nói lắm em ạ. Hồi còn trẻ, học xong ba chị cũng chọn cho mấy mối, nhưng chị thấy toàn loại “rể đu đủ” không thôi nên không lấy…Chuyện tình cảm khó lắm em ạ.
- “Rể đu đủ” là sao hả chị?
Là chơi bời, ăn nhậu suốt. Làm thì không lo mà cứ lo ăn chơi…
- Nhưng chắc cũng tại chị kén quá nữa chứ, vì lúc ấy chị tốt nghiệp Đại học, là kỹ sư có “giá” cao và lại là con bác Năm Hoằng, người anh hùng nổi tiếng, giám đốc nông trường Sông Hậu, khác gì “lá ngọc cành vàng” …
Ôi ôi không phải đâu! Ba chị vốn là dân quân đội bước ra từ chiến tranh mà, nghiêm khắc, dạy con rèn dữ lắm.
Chị tốt nghiệp đại học, tính ở lại trường nhưng ba chị không cho, bắt về nông trường. Thời đó còn gian khổ vô cùng. Muỗi mòng đầy.
Chị cũng như bao công nhân nông trường, lặn lội tối ngày trên đồng ruộng, chân đóng phèn dày cộp, đội nắng đội mưa tối ngày… Bị vùi dập lắm. Các cô gái bây giờ mà gặp cảnh đó đảm bảo là bỏ chạy không dám quay lại đâu…
Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương một thời đang sống hết sức khó khăn. |
Nói cho ngay, cũng có mấy mối làm quen nhưng lúc ấy cũng qua tuổi 30 rồi. Chị phải từ chối, trả lời khéo: “Anh ơi, tôi đã già rồi, anh thừa sức lấy gái 18 mà…”!
- Kể lại chị nghe chuyện này, chị đừng giận nhé. Khoảng mười mấy năm về trước, em nghe có người mai mối cho chị và anh cán bộ khá to ở UBND tỉnh Cần Thơ mới bị góa vợ, nghe đâu chị có vẻ chịu lắm, có mua tặng cho anh ấy chiếc cà vạt rất đẹp mà?
Cà vạt thì chị mua bên Singapore nhiều lắm, về tặng cho nhiều anh và bạn bè nữa chứ có phải chỉ riêng anh ấy đâu…!
- Em nghe một chị kể lại, lúc đưa cà vạt cho anh ấy, mắt chị long lanh cảm động, hồi hộp, tay chị run run; rồi chị bị “phát hiện” có lúc rất “tương tư”, đứng thẫn thờ bên cửa sổ, mắt nhìn xa xăm dòng sông Hậu nước lững lờ trôi, chị ấy “giải mã” cho em biết, đó là tín hiệu “đã yêu rồi” của phụ nữ….
(Cười to). Có đâu mà, nếu yêu thì chị đã khác rồi chứ đâu độc thân tới giờ này hả?
Ba chị lúc còn sống cũng có mai mối cho chị một người, thời gian kéo dài lắm nhưng không thành. Đó là chuyện ít ai biết lắm.
Còn chuyện em hỏi không có đâu, người ta đùa cho vui thôi đấy. Nhiều người còn “sáng tác” thêm nhiều chuyện lâm ly lắm nữa kìa, nhưng sự thật là thế nào chị không kể đâu. Đó là bí mật của chị mà!
Chị nói thật, 28 năm làm ở nông trường, từ phó giám đốc phụ trách kinh doanh cho đến khi ba chị (bác Năm Hoằng) mất, chị lên làm giám đốc, công việc bù đầu bù óc, xoay chị như chong chóng, bao nỗi lo toan, căng thẳng, đến nỗi không biết phấn son trang điểm như bao phụ nữ khác, đầu óc đâu mà nghĩ tới chuyện yêu nữa!
Hầu như có bao giờ nghĩ gì cho mình đâu. Đi công tác liên miên, ngủ trên xe nhiều hơn ngủ trên giường. Ở nông trường, chị ngủ trên ghế xếp.
28 năm ở đấy, chị đón 28 cái tết là trực cơ quan cho mọi người về với gia đình sum họp. Mình một mình thì sao cũng được. Thấy anh chị em cán bộ công nhân nông trường vui, hạnh phúc là mình cũng vui rồi em ạ…
- Tuổi thanh xuân của chị qua đi như thế nào vậy ư?
Trước ngày giải phóng, chị sống ở Bạc Liêu. Năm 1965, 16 tuổi, chị được giải nhất cuộc thi nữ công gia chánh, sau đó chị đi học cao đẳng, học xong đi dạy học.
Sau ngày giải phóng, chị theo ba về Cần Thơ, thi vào trường Đại học ở đây, học khóa đầu tiên. Năm 1981, tốt nghiệp xong về công tác ở nông trường Sông Hậu, làm phòng kỹ thuật.
Năm 1985, có suất đi học quản lý kinh tế ở Liên Xô mà bị khuyết do đồng chí cán bộ ấy…xin học đợt sau, chị được “trám vào”, qua Matxcova học một năm. Trở về tiếp tục công tác ở Sông Hậu, lên phó giám đốc, rồi giám đốc…Vậy đó!
- Gắn bó với nông trường Sông Hậu gần cả cuộc đời đi làm, có kỷ niệm gì không thể nào quên không chị?
Nhiều, nhiều lắm em ạ. Nhớ những ngày đầu về nông trường, có mấy chục người, đủ thứ khó khăn thiếu thốn, vất vả.
Vậy mà rất thương nhau, đoàn kết với nhau. Ai cũng một lòng một dạ, không toan tính gì. Chị thương ba chị lắm, ngày đêm chân đất lội khắp nông trường, cùng mọi người xốc tới cùng làm.
Ba chị là tấm gương cho chị và mọi người noi theo, một lòng một dạ, sống chết với nông trường. Cái tên Nông trường Sông Hậu là niềm tự hào chung.
Thành quả của nông trường Sông Hậu là những ngày tháng quên mình của ba chị, chị và nhiều cán bộ, công nhân nông trường em ạ….
Duy Chiến
(Còn nữa)