- Trung tá Đinh Văn Hòa, Đội phó Đội quản lý xe (Phòng CSGT TP. Hà Nội) cho biết: Thời gian gần đây dù số lượng người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ không nhiều, song người dân đến hỏi về thủ tục giấy tờ cũng đã tăng hơn.
>> Phạt xe không chính chủ: Ngồi trên trời làm chính sách
>> Tranh luận quyết liệt chuyện xe chính chủ
>> Thời sự trong ngày: Phạt xe không chính chủ
Thờ ơ với việc sang tên đổi chủ
Ghi nhận của PV tại các phòng đăng ký xe, có rất ít người dân đi làm thủ tục sang tên chuyển chủ trong những ngày qua.
Tại phòng đăng ký phương tiện (rộng hơn 40m2), Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, suốt cả buổi sáng 14/11 chỉ có hơn chục người ngồi chờ đến lượt làm thủ tục đăng ký ô tô.
Trong số đó có anh Nguyễn Huy Hiệp (Thanh Xuân- Hà Nội), đến hỏi thủ tục sang tên đổi chủ cho chiếc xe ô tô Matiz vừa mới mua lại của người họ hàng.
Có rất ít người dân đến phòng đăng ký xe Hà Nội để làm thủ tục sang tên chuyển chủ. |
“Do xe mua của anh em họ, có giấy tờ mua bán hợp lệ với lại sợ thủ tục chuyển chủ rườm ra nên nửa năm nay tôi cứ để vậy đi”, anh Hiệp nói.
Kể từ khi biết có quy định tăng nặng mức phạt, anh Hiệp thấy rằng, việc sang tên chuyển chủ là việc làm cần thiết nên quyết định đi làm thủ tục để trở thành người đứng tên chính chủ của chiếc xe Matiz.
Anh Hiệp cho hay, việc sang tên đổi chủ trong cùng tỉnh thành chẳng có gì rườm rà, phức tạp. Sau khi làm các thủ tục xong, anh được phòng đăng ký xe thông báo 3 ngày sau đến lấy biển số xe mới.
Cũng theo một số người dân đến sang tên đổi chủ phương tiện ô tô tại Phòng đăng ký biển số xe, họ phải làm thủ tục ngay khi bán xe, để sau này tránh rắc rối phát sinh.
“Rõ ràng, mức phí 12% giá trị sử dụng hiện tại với ô tô để sang tên chuyển chủ là rất cao. Nhưng nếu tiếc tiền, sau này vừa bị phạt, rồi chẳng may người mua xe vi phạm mình cũng phải chịu trách nhiệm lây. Do vậy khi bán xe là tôi phải làm thủ tục sang tên chuyển chủ ngay”, một người đi làm thủ tục cho biết.
Trong khi đó, các chủ xe máy cũng khá thờ ơ đi làm thủ tục.
Trung tá Nguyễn Ninh, cán bộ thuộc cơ sở đăng ký xe quận Đống Đa cho biết, hiện trung bình mỗi ngày cơ sở này đăng ký mới từ 60 – 70 xe máy. So với thời điểm trước khi Nghị định 71 chưa có hiệu lực thì lượng đăng ký xe mới cũng không có biến động.
“Kể từ khi Nghị định 71 có hiệu lực, cơ sở đăng ký xe của quận chưa sang tên, di chuyển được phương tiện nào”, Trung tá Ninh nói.
Linh động
Trung tá Đinh Văn Hòa, Đội phó Đội quản lý xe (Phòng CSGT TP. Hà Nội) cho biết: Thời gian gần đây dù số lượng người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ không nhiều, song người dân đến hỏi về thủ tục giấy tờ cũng đã tăng hơn.
Điều này cho thấy người dân đã bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề xe chính chủ.
Trung tá Hòa nhấn mạnh: Thông tư 36 của Bộ Công an và Nghị định 71 của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng và cụ thể về thời gian sang tên đổi chủ, cũng như quy định mức phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, dựa trên trên tinh thần Nghị quyết mới (dù quy định cũ), cần phải khuyến khích người dân sớm làm thủ tục sang tên đổi chủ.
Lực lượng công an cũng phải xác minh qua rất nhiều khâu rồi mới ra quyết định xử phạt chính thức. |
“Chúng tôi luôn nhắc anh em tạo mọi điều kiện cho người dân đến làm thủ tục một cách nhanh gọn và thuận lợi nhất”, Trung tá Hòa khẳng định.
Ngoài ra, Trung tá Hòa cũng cho rằng, cần phải linh động trong việc giải quyết, như có những trường hợp mới quá 1,2 ngày so với quy định, nếu chủ xe chưa biết thì cũng chỉ bị nhắc nhở sớm hoàn thành thủ tục để sang tên, chứ không phải áp mức phạt ngay.
Còn những trường hợp để chậm tới 1 năm, thậm chí vài năm sau khi mua bán mới đi sang tên đổi chủ, thì bắt buộc phải xử phạt theo đúng quy định.
Và để xử phạt một trường hợp chậm, lực lượng công an cũng phải xác minh qua rất nhiều khâu rồi mới ra quyết định xử phạt chính thức.
“Phải nói rằng, những trường hợp bị xử phạt gần đây người dân đa phần đều biết lỗi và hiểu rõ về nghị định mới, nên rất hợp tác với cơ quan chức năng”, ông Hòa nói.
Gia Văn