- Hơn một tháng trước khi nghị định thu phí sử dụng đường bộ dự kiến có hiệu lực, hàng loạt Hiệp hội vận tải các tỉnh thành đã bày tỏ ý kiến không đồng tình.
 
Dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện của Bộ tài chính (Dự kiến thu từ ngày 01/01/2013) đã gặp nhiều phản ứng của các Hiệp hội vận tải sau khi Chính phủ cho lùi thời hạn áp dụng việc thu phí bảo trì đường bộ trong thời hạn 06 tháng.
 
Kiến nghị thu qua xăng dầu
 
Ngày 13/03/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/ĐN-CP về thu phí Qũy Bảo trì đường bộ có hiệu lực kể từ ngày 01/06/2012. Tuy nhiên, đến thời điểm áp dụng, Bộ Tài Chính vẫn chưa ban hành kịp văn bản hướng dẫn thi hành.
 
Mặt khác, Chính phủ đã quyết định cho lùi thời hạn áp dụng việc thu phí bảo trì đường bộ trong thời hạn 06 tháng để yêu cầu Bộ Tài Chính phải trình lại phương án thu phí sao cho hợp tình, hợp lý và khoa học. Hiện Bộ tài chính đã ban hành bản Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện”.

Các doanh nghiệp vận tải cho rằng thu phí đường bộ sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung bản dự thảo lần này không có nhiều thay đổi, chưa hợp tình, hợp lý và khoa học.
 
Các hiệp hội vận tải nhiều tỉnh, thành cho rằng, để đảm bảo sự công bằng trong việc thu phí sử dụng đường bộ, nhà nước cần chuyển sang phương thức thu qua xăng dầu.
 
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM phân tích: Theo quy định tại khoản 2, điều 2 của dự thảo thông tư, trường hợp xe ô tô bị hủy hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị giam giữ, bị tai nạn không sử dụng từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí tương ứng với khoảng thời gian không sử dụng.
 
“Như vậy, xe bị hủy hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị giam giữ, bị tai nạn dưới 30 ngày thì vẫn phải đóng phí hay sao? Theo tôi, nên quy định thời gian không nộp phí đối với các trường hợp này tính theo ngày xe không sử dụng đường bộ”, ông Dinh nói.
 
Quá nhiều loại phí
 
Ông Trần Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty vận tải Trung Việt, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phân tích: “Dù Bộ GTVT có nói, khi thu phí đường bộ sẽ bỏ các Trạm thu phí Nhà nước. Nhưng trên thực tế, trên các tuyến đường đa số là trạm thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT. Do đó, nếu triển khai thu phí đường bộ qua đầu phương tiện là không hợp lý và sẽ gây nên tình trạng phí chồng phí”.

Nếu thu phí đường bộ, hình ảnh này còn xuất hiện ?
Ông Trương Trí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho rằng: “Hiện nay, lĩnh vực vận tải đang chịu quá nhiều loại phí nên thu phí đường bộ sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải. Do vậy, để đảm bảo công bằng, về phương thức thu nên thu qua xăng dầu chứ không thu qua đầu phương tiện như dự thảo đưa ra”.
 
Đồng quan điểm này, ông Lương Hoàng Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM nhấn mạnh: “Việc đóng phí, thuế để phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng cần phải công khai, minh bạch, công bằng trong cách thu và phương thức thu”.
 
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam chi nhánh TPHCM nhấn mạnh: Vấn đề phí bảo trì đường bộ không chỉ ảnh hưởng đến DN vận tải mà ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, những ý kiến đóng góp của các đơn vị hiệp hội và DN vận tải tại hội nghị này, chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến để có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét điều chỉnh. Trước hết là kiến nghị lùi thời hạn thu phí cũng như xem xét phương thức thu qua xăng dầu.
 
Quốc Quang