- “Đa số các vụ TNGT nghiêm trọng ở Việt Nam là do chạy quá tốc độ, vượt xe nguy hiểm, đổi làn bừa bãi và lái xe bất cẩn qua giao lộ, vượt đèn đỏ. Công nghệ cưỡng chế vi phạm qua camera sẽ tác động bền vững hơn đối với hành vi lái xe”.
Bà Mavis Jonhnson Giám đốc Chiến dịch An toàn Đường bộ, thuộc ngân hàng thế giới khẳng định tại Hội nghị Quốc tế về an toàn giao thông tại Việt Nam vào chiều 23/11.
33 người chết/ ngày: Con số ám ảnh
Gần 600 nhà khoa học, trong đó có 100 người đến từ 15 quốc gia tham dự Hội nghị Quốc tế về ATGT tại Việt Nam 2012 đã hiến kế giúp Việt Nam giảm thiểu TNGT.
Theo bà Mavis Jonhnson, nên đặt các thiết bị cưỡng chế những hành vi vi phạm.
|
Hội nghị Quốc tế về an toàn giao thông tại Việt Nam đã hiến kế giúp giảm thiểu TNGT. |
Giáo sư Silianov (nguyên hiệu phó trường ĐH Giao thông Đường bộ Moscow) thì cho rằng, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng để còn số 33 người chết mỗi ngày không còn thống trị hàng năm.
Chuyên gia Truyền thông của Ngân hàng Thế giới Michel Ledru dẫn ra số liệu, những năm 1970, số lượng người thiệt mạng ở Mỹ là 60 nghìn người/năm; Anh, Đức 20 nghìn người/năm; Nhật Bản và Pháp cũng ở con số 16 nghìn người/năm. Đây là thời kỳ được xem là đen tối ở Châu Âu khi bóng mây TNGT bao phủ khắp nơi. Nhưng, gần như có điểm chung, đến năm 2010, những quốc gia nói trên đã giảm dưới 5 nghìn người/năm.
Từ những phân tích của các nhà khoa học có thể thấy, tình trạng TNGT hiện nay của Việt Nam giống nhiều nước châu Âu những năm 1970.
Ông Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Khám chữa bệnh, Bộ Y tế) lại quan tâm tới việc cấp cứu ban đầu các nạn nhân TNGT.
“Nhiều ca tử vong do không biết cấp cứu ban đầu, như trường hợp gãy xương đùi, không biết băng bó hoặc cố định khiến xương đâm vào các mạch máu gây chảy máu trong (mất máu, tử vong)”, ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, CSGT nên tham gia khoá huấn luyện sơ cứu để có kiến thức ban đầu; thành lập các trạm cấp cứu dọc đường quốc lộ...
Chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới Jonathon Passmore cũng cho biết, với thực trạng 90% tử vong do cấp cứu không kịp nên việc chăm sóc nạn nhân ngay tại hiện trường là biện pháp cần thực hiện. Nếu làm tốt việc này sẽ giảm 25% nguy cơ tử vong cho nạn nhân.
|
Chuyên gia Quốc tế chia sẻ bài học kinh nghiệm trên thế giới trong xây dựng hệ thống ứng phó sau TNGT. |
Theo giáo sư Hoàng Chương (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá Dân tộc VN): “Ở Việt Nam, tình trạng quá tải dẫn đến ùn tắc, hỗn độn về trật tự ATGT tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM có nguyên nhân trực tiếp từ văn hóa quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị.
Sự thiển cận, thực dụng, cũ kỹ trong tư duy cũng như thiếu khoa học dự báo của các nhà quy hoạch đô thị đã làm cho các thành phố này phát triển mất cân đối, lệch lạc, méo mó, bế tắc nghiêm trọng về hạ tầng công cộng, hệ thống giao thông".
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban ATGT quốc gia Đinh La Thăng khẳng định, công tác đảm bảo trật tự ATGT đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nhà nước và toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia.
Từ kết quả Hội nghị, ông Đinh La Thăng cho biết: Ngay trong năm 2013, Uỷ ban ATGT quốc gia sẽ triển khai tham mưu cho Chính phủ tập trung chỉ đạo các vấn đề cụ thể.
Trong đó, tăng cường chất lượng thẩm định ATGT, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho công tác thẩm định ATGT. Chủ trì phối hợp với các bộ ngành triển khai văn hoá giao thông như là một giải pháp then chốt nhằm đẩy lùi TNGT một cách bền vững và giảm ùn tắc giao thông...
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, sẽ triển khai đề án nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp GPLX, xây dựng chương trình kiểm soát lái xe sau đào tạo, nâng cao kỹ năng và giáo dục đạo đức người lái xe; tăng cường công tác đăng kiểm phương tiện.
Ngoài ra, sẽ đào tạo nhân lực và đầu tư trang thiết bị y tế cho công tác sơ cấp cứu và điều trị nạn nhân TNGT. Tiếp tục huấn luyện lực lượng CSGT, thanh tra giao thông về các kỹ năng sơ cấp cứu người bị TNGT.
Vũ Điệp