- Ông Đặng Thanh Long, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tỉnh này đã đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình thủy điện Đăk Mek 3.
>> Cố tình ém thông tin vụ xe ben húc sập thủy điện?
>> Cận cảnh đập thủy điện bị xe ben húc sập
>> Sập thủy điện gây chết người: Làm sai thiết kế?
Sáng ngày 29/11, UBND tỉnh Kon Tum đã tổ chức họp báo công bố nhận định ban đầu về nguyên nhân vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 thuộc địa phận xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do Sở Công Thương Kon Tum chủ trì kiểm tra vào ngày 27/11, thủy điện Đăk Mek 3 thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ với cấp thiết kế công trình cấp III, có công suất 7,5 MW. Công trình do Công ty Cổ phần Hồng Phát Đăk Mek làm chủ đầu tư.
Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra sự cố vỡ đập và có kết luận về chất lượng công trình |
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra nhận định ban đầu về sự cố vỡ gần như hoàn toàn bờ tường thượng lưu đập thủy điện, làm chết một người là do chủ đầu tư đã thực hiện thi công công trình sai so với hồ sơ thiết kế cơ sở.
Cụ thể, ông Bùi Văn Cư, Phó Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho biết: “Đơn vị tư vấn đã đề xuất thân đập phải được đổ bê tông đá hộc bơm vữa mác 150. Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra, thân đập chỉ có toàn là đất, cát…”.
Chính vì việc thi công sai với thiết kế cơ sở, nên khi xe tải chở đá vào trong thân đập đã gây nên lực đẩy về phía bờ tường thượng lưu và hạ lưu, khiến tường bê tông cốt thép phía thượng lưu đổ sập 109m.
Cũng theo ông Cư, chủ đầu tư còn sai phạm trong việc không báo cáo sự cố vỡ đập trong vòng 24 giờ theo quy định.
Bên cạnh đó, theo thiết kế, tổng chiều dài thân đập thủy điện này là 165m, nhưng chủ đầu tư lại báo cáo là 80m.
Thận đập chỉ toàn là đất, cát..
Còn theo ông Đặng Thanh Long, Chánh văn phòng UBND tỉnh Kon Tum: Để giải quyết
vụ việc này, trước mắt, UBND tỉnh đã đình chỉ toàn bộ việc thi công công trình
thủy điện Đăk Mek 3.
Yêu cầu chủ đầu tư báo cáo ngay sự cố xảy ra cho Bộ Xây dựng, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng. Chủ đầu tư phải nộp toàn bộ hồ sơ công trình, hồ sơ chất lượng công trình cho Sở Xây dựng trước ngày 01/12.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư phải có phương án, kế hoạch thực hiện khắc phục hậu quả sự cố, trước hết phải đảm bảo khai thông dòng chảy cho sông Đăk Mek.
Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum có trách nhiệm chọn đơn vị tư vấn xây dựng có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân sự cố vỡ đập.
Tại cuộc họp báo, chủ đầu tư mặc dù đã được mời nhưng không đến tham dự. Đại diện UBND huyện Đăk Glei cũng không được mời tham dự?
Trả lời báo chí về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với UBND huyện Đăk Glei, ông Đặng Thanh Long cho biết: “Tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, dù không phải là cơ quan quản lý trực tiếp thủy điện, nhưng khi có sự cố xảy ra, phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan chức năng. UBND huyện Đăk Glei cho rằng đến ngày 26/11 mới nhận được thông tin sự cố vỡ đập thủy điện, chúng tôi sẽ điều tra làm rõ, nếu có sai phạm thì cũng sẽ bị xử lý”.
Tiến Thành