Mỗi ngày, có hơn 4.500 người bệnh trên cả nước đang chờ máu tại các bệnh viện, với họ hi vọng sống duy nhất phụ thuộc vào những đơn vị máu được hiến tặng từ người hiến máu tình nguyện. Hiện nay, tình trạng báo động là trong kho máu dự trữ tại các bệnh viện thiếu trầm trọng nhóm máu O - nhóm máu phổ thông, không đủ để phục vụ công tác điều trị bệnh

Máu là nhựa sống


Đối với những người bệnh đang ngày đêm khắc khoải chờ đợi những đơn vị máu quý giá để duy trì cuộc sống thì với họ mỗi đơn vị máu được hiến tặng là một món quà vô cùng quý giá, nhưng bên cạnh đó một bộ phận xã hội vẫn đứng ngoài những nỗi đau. Họ chưa ý thức được sự quan trọng và tính cấp thiết của việc hiến máu nhân đạo.

Ông Nguyễn Văn Hùng (70 tuổi. bệnh nhân bệnh máu hiểm nghèo) sống với căn bệnh ung thư máu hơn một năm nay cho biết: “Nhờ những người chẳng quen biết mà tôi mới duy trì được cuộc sống đến ngày hôm nay. Tôi cứ nghĩ rằng, nhóm máu O là nhóm máu phổ biến, vào viện sẽ dễ dàng được truyền máu, vậy mà không ngờ mình nhóm máu O vào viện trong thời điểm này lại không ngờ thiếu máu trầm trọng như vậy”.

Có lần thiếu máu, ông phải nằm viện truyền máu đến 7 - 8 ngày mới đủ, những lúc như thế vừa cảm thấy sốt ruột lại thương người nhà chăm sóc vất vả. Mỗi ngày nằm viện chi phí càng đội cao, cái khó lại chồng chéo lên nhau. Ông ngẫm lại, sống hơn nửa thế kỉ nhưng đến bây giờ khi ngã bệnh mới biết hơn 70 năm qua đã sống thờ ơ với xã hội. Ông nói như thể tiếc nuối điều gì đó.

Hơn một năm ở viện, ông Hùng từng chứng kiến có nhiều bệnh nhân phải xếp hàng chờ máu hay có những người vì không có máu để truyền mà vĩnh viễn rời xa gia đình. Bản thân tiếp nhận một số lượng đơn vị máu không nhỏ, ông mong muốn trên thế giới này có nhiều nhà khoa học tài giỏi để sang tạo ra chiếc máy có thể sản xuất máu.

{keywords}
Bệnh nhân điều trị tại Viện Huyết học truyền máu TƯ


Mỗi người một hoàn cảnh, gặp cậu sinh viên Bùi Lê Việt (20 tuổi) trong những ngày : “Thi xong đại học cũng là lúc em biết mình mắc căn bệnh quái ác - ung thư máu”. Mọi thứ xung quanh cuộc sống của Việt dừng lại, không có cảm giác vui mừng khi thi đậu đại học mà chỉ còn nỗi lo lắng bệnh tật đang ngày đêm thường trực.

Nhận hơn 100 đơn vị máu từ những người xa lạ, trải qua nhiều lần xạ trị và truyền tiểu cầu, cuộc sống của Việt gắn liền với bệnh viện và máu.

“Em truyền máu có khi nhiều hơn cả ăn cơm”, Việt chia sẻ. Mang trong mình nhóm máu A, qua tìm hiểu cũng biết được 21% dân số chiếm nhóm máu này, có những khoảng thời gian Việt nằm viện 2, 3 ngày mới được truyền một đơn vị máu hay tiểu cầu nhưng cũng thấy mình may mắn vì ngoài mình ra còn quá nhiều người cần đến máu mà máu lại không sản xuất được.

Ở cái tuổi đáng nhẽ được hồn nhiên vui đùa như bao bạn bè khác thì em Lê Minh Hoàng (3 tuổi) lại phải trải qua chuỗi ngày gắn liền với bệnh viện, với những dãy hành lang dài lặng lẽ tiếng bước chân đi về, với góc nhỏ nơi phòng bệnh mệt nhoài nằm chờ máu. Nơi ấy hiếm khi được thấy bóng trẻ nhỏ chạy nô đùa, là nơi mỗi sáng các em tự động xếp hàng cho các bác sĩ lấy máu xét nghiệm.

Cuộc sống gắn liền với kim truyền, không còn sợ hãi với những mũi tiêm. Em làm sao biết được mình phải sống cả đời với căn bệnh Thalassamia không có cách chữa trị, chỉ duy trì sự sống nhờ những đơn vị máu từ người khác. Em không biết lo âu đang hằn sâu trên nét mặt cha mẹ, em đâu biết nỗi xót xa khi nhìn con ngày càng yếu đi mà không có máu để truyền. Đôi tay nhỏ bé đầy vết kim truyền vẫn ngày ngày miệt mài chiến đấu với bệnh tật và vẽ những ước mơ là cô bác sĩ, là chú công an. Em không đáng bị như thế.

Từ khi 4 tháng tuổi, một tháng một lần em lại lên viện để truyền máu, nơi này trở lên thân thuộc như ngôi nhà thứ hai. Nhưng liệu ước mơ giản dị của em bé 4 tuổi được làm chú công an có được thực hiện khi hàng ngày em vẫn phải chờ đợi những đơn vị máu.

Thắp hi vọng từ những người hiến máu tình nguyện

Thiếu máu là bài toán muôn thủa không có lời giải không chỉ của ngành y tế mà còn của cộng đồng. Cứ vào thời điểm này trong năm, lượng dự trữ nhóm máu O và A luôn có sự chênh lệch lớn với các nhóm máu còn lại, dẫn đến tình trạng hàng trăm ngàn người bệnh phải xếp hàng chờ máu hoặc chỉ được truyền một lượng nhỏ đủ để duy trì sự sống. Điều này dấy lên sự cấp thiết của việc bổ sung nguồn máu nhóm O và A tại các bệnh viện trên cả nước.

Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là nơi mỗi ngày phải cung cấp gần 1000 đơn vị máu cho khoảng 122 bệnh viện lân cận, phục vụ công tác cứu chữa và điều trị. Số lượng bệnh nhân ngày càng tăng thêm trong khi đó nguồn máu dự trữ cho bệnh nhân cấp cứu, những người bị bệnh về máu phải truyền máu thì quá bấp bênh. Tổng số máu thu gom được từ các nguồn hiến máu tình nguyện, người bán máu chuyên nghiệp… chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu cần máu điều trị.

Như vậy, còn đến 60% người bệnh có nhu cầu về máu mà chưa được đáp ứng, kéo theo đó là chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, thậm chí nguy cơ xấu nhất là tử vong có thể xảy ra. Có sự mất cân bằng giữa các nhóm máu khi nhóm máu B và AB có nhiều thì lại ít bệnh nhân, hơn nửa số người dân có nhóm máu O, A thì lượng máu O, A cần cho điều trị lại luôn ở trong tình trạng thiếu hụt.

Ths. Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Tuy nhiên, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hiện nay, tình trạng chênh lệch nhóm máu A và nhóm O đã gần hết, chỉ còn đủ phục vụ trong một, hai ngày tới. Đây là tình trạng đáng báo động của Viện khi không đủ máu phục vụ cho công tác điều trị”.

Ths. Dương còn cho biết, “Hiện nay, lượng máu Viện đang có là trên 6.000 đơn vị, tuy nhiên tỷ lệ giữa các nhóm có sự chênh lệch rất lớn. Theo đúng nhu cầu, thì lượng máu nhóm O cần đảm bảo tối thiểu 50% trong tổng lượng máu dự trữ, hiện nay lượng máu O chỉ chiếm 34%; lượng máu A cần có khoảng 25% nguồn dự chữ, nhưng hiện cũng chỉ còn ở mức 8,5%. Tình hình này thực sự báo động trong công tác cung cấp máu điều trị cho người bệnh”.

Mỗi người mỗi số phận, ông Hùng, cậu sinh viên Bùi Việt hay Hoàng chỉ là một trong hàng ngàn những bệnh nhân đang ngày đêm chờ máu để duy trì cuộc sống. Vẫn biết còn khó khăn, thiếu thốn nhưng những điều đó không làm giảm đi hi vọng sống từng ngày của họ.

Với họ, món quà ý nghĩa nhất cuộc đời là những đơn vị máu hiến tặng từ người hiến máu tình nguyện để họ biết rằng không chỉ mình họ đang chiến đấu với căn bệnh quái ác này, mà hơn hết còn nhiều trái tim nhân ái luôn đồng hành và sẻ chia cuộc sống với người bệnh.

Khắc phục tình trạng này, Viện kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia hiến máu, đặc biệt là những người có nhóm máu A, O. Các ngày hiến máu được cập nhật tại mục “Các điểm hiến máu trong ngày” tại website: www.nihbt.org.vn. Cùng đó, vào các ngày chủ nhật hàng tuần, ngày hội hiến “Chung dòng máu Việt” được tổ chức dành cho người có nhóm máu A hoặc nhóm máu O. Mỗi ngày cần thu được ít nhất 200 đơn vị máu nhóm O và 100 đơn vị máu nhóm A.

Yến Nhi