Vòng đời xe dựa trên tuổi thọ động cơ
Theo các nhà sản xuất, chuyên gia, các động cơ ô tô hiện đại ngày nay có tuổi thọ trung bình khoảng khoảng 200.000 - 300.000 km. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào từng loại xe, thương hiệu, đặc biệt là thói quen sử dụng và thay dầu có đúng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay không.
Với những chiếc xe được bảo dưỡng định kỳ, thay nhớt đúng chuẩn thì động cơ hoạt động bền bỉ có thể lên đến trên 1 triệu km. Nhưng với xe thiếu sự quan tâm của chủ, sẽ phải tiến hành đại tu và khi đó, tuổi thọ trung bình của động cơ sẽ không còn được như ban đầu.
Tuổi thọ của các bộ phận trên ô tô
Ngoài động cơ là bộ phận quan trọng nhất quyết định đến vòng đời của một chiếc ô tô thì những chi tiết khác cũng góp phần tạo nên "sức khỏe" của xe. Theo các chuyên gia, sau khoảng 3 năm sử dụng thì ô tô sẽ bắt đầu vào giai đoạn có thể thay thế lần lượt các phụ tùng.
Bộ phận quan trọng thứ 2 trên ô tô chính là hộp số, trong đó với xe dùng hộp số sàn sẽ có tuổi thọ trung bình cao hơn gấp đôi so với số tự động. Hộp số tự động thông thường có tuổi thọ trung bình cao nhất tầm 300.000 km hoặc khoảng 7 năm. Tuy nhiên, nếu sử dụng đúng cách, bảo dưỡng thường xuyên thì tuổi thọ có thể cao hơn nhiều lần mức trung bình.
Những bộ phận sẽ bị hỏng theo thời gian, phần lớn liên quan đến khung gầm và hệ thống treo, bao gồm: giảm xóc, thước lái, cao su chân máy, càng chữ A, kẹp phanh...
Với xe trên 10 năm tuổi thì thường sẽ hoặc sắp phải thay thế gần hết các bộ phận này, cùng với nhiều bộ phận liên quan đến động cơ như bơm nước, bơm xăng/dầu, két làm mát, cảm biến...
Nhiều người dùng dòng xe sang thường sẽ không chạy xe quá 10 năm tuổi do lúc này chi phí sửa chữa, thay thế phụ tùng sẽ tốn kém hơn so với việc mua xe mới.
Ở Việt Nam, vòng đời của một chiếc xe được quy định bởi niên hạn sử dụng xe.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 95/2009/NĐ-CP, niên hạn sử dụng của xe ô tô được giải thích là thời gian cho phép sử dụng của xe ô tô.
Cùng với đó, Nghị định này cũng quy định rõ niên hạn sử dụng của xe ô tô như sau:
Điều 4. Quy định về niên hạn sử dụng
1. Không quá 25 năm đối với xe ô tô chở hàng.
2. Không quá 20 năm đối với xe ô tô chở người.
3. Không quá 17 năm đối với xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe ô tô chở người trước ngày 1/1/2002.
Theo quy định này và hướng dẫn tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư 21/2010/TT-BGTVT, niên hạn sử dụng của các loại xe ô tô được xác định như sau:
Loại phương tiện | Niên hạn sử dụng |
Ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái); ô tô chuyên dùng; rơ moóc, sơ mi rơ moóc | Không phải áp dụng niên hạn sử dụng |
Xe ô tô chở hàng (ô tô tải); ô tô chở hàng chuyên dùng (ô tô tải chuyên dùng) | Không quá 25 năm |
Xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên (tính cả người lái), ô tô chở người chuyên dùng | Không quá 20 năm |
Xe ô tô chuyển đổi công năng từ các loại xe khác thành xe chở người trước 01/01/2002 | Không quá 17 năm |
Ô tô chở người quá niên hạn sử dụng được chuyển đổi thành chở hàng | Không quá 25 năm |
Ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên (kể cả chỗ người lái), ô tô chở người chuyên dùng chuyển đổi thành ô tô chở người dưới 09 chỗ | Không quá 20 năm |
Ô tô chở hàng chuyển đổi thành ô tô chuyên dùng | Không quá 25 năm |
Ô tô chuyên dùng, ô tô chở người đến 09 chỗ ngồi (kể cả chỗ người lái) chuyển đổi thành chở hàng | Không quá 25 năm |
Ô tô chở hàng đã chuyển đổi thành ô tô chở người trước 01/01/2002 | Không quá 17 năm |
Cách xác định niên hạn sử dụng xe ô tô
Theo Điều 5 Nghị định 95/2009/NĐ-CP, niên hạn sử dụng xe ô tô được tính theo năm, bắt đầu từ năm xe ô tô được sản xuất. Riêng một số trường hợp đặc biệt khi được Thủ tướng cho phép thì tính niên hạn từ năm đăng ký xe ô tô lần đầu.
Căn cứ hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 21/2010/TT-BGTVT, niên hạn sử dụng của xe ô tô được xác định căn cứ theo thứ tự ưu tiên của các cơ sở sau:
Số nhận dạng của xe ô tô (số VIN).
Số khung của xe ô tô.
Các tài liệu kỹ thuật của xe ô tô: Catalog, sổ tay thông số kỹ thuật, phần mềm nhận dạng hoặc các thông tin khác của Nhà sản xuất.
Thông tin trên nhãn mác của Nhà sản xuất được gắn/đóng trên xe ô tô;
Hồ sơ lưu trữ của xe ô tô như: Giấy chứng nhận chất lượng; Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (ô tô sản xuất trong nước); Biên bản kiểm tra hoặc nghiệm thu, Giấy chứng nhận chất lượng phương tiện cơ giới đường bộ cải tạo (ô tô cải tạo); Hồ sơ gốc do cơ quan công an quản lý; Chứng từ nhập khẩu.
Xe ô tô hết niên hạn bị xử lý thế nào?
Theo khoản 3 Điều 8 Thông tư 21/2010/TT-BGTVT, định kỳ hằng năm, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tập hợp danh sách ô tô đã và sắp hết hạn sử dụng theo lộ trình, thông báo cho Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt để phối hợp theo dõi, kiểm tra, quản lý.
Khoản 7 Điều 15 Thông tư 58/2020/TT-BCA đã nêu rõ trường hợp xe hết niên hạn sử dụng thuộc diện bị thu hồi giấy đăng ký xe và biển số xe.
Theo khoản 1 Điều 17 Thông tư 58, dựa trên danh sách ô tô hết niên hạn sử dụng trong thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan đăng ký xe sẽ thực hiện thông báo cho chủ xe về việc thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
Trong 30 ngày kể từ ngày được thông báo mà chủ xe không tự giác nộp lại đăng ký, biển số xe thì cơ quan đăng ký xe sẽ thu hồi đăng ký, biển số xe trên hệ thống và thông báo cho công an các đơn vị, địa phương để xử lý theo quy định.