Việt Nam là nước đưa Internet vào khá muộn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Internet đã đem lại cho Việt Nam kết quả lớn nhất là mặt bằng dân chủ lẫn kinh tế ngay từ những giai đoạn đầu tiên.
Nhớ lại thời điểm năm 1997, khi Internet chính thức vào Việt Nam, không thể không nhắc đến cuộc tranh luận nảy lửa giữa những lo ngại về an ninh quốc gia và lợi ích của xa lộ thông tin, quyền tiếp cận thông tin trên mạng Internet.
Cột mốc 23 năm có thể không phải là khoảng thời gian dài đối với sự phát triển của đất nước nhưng đối với một lĩnh vực có tốc độ phát triển thần kỳ như CNTT và Internet nói riêng, đó là khoảng thời gian đủ để diễn ra bao đổi thay khó tưởng tượng.
Ông Trần Bá Thái, nguyên Giám đốc NetNam - người được đánh giá có đóng góp ở vị trí thứ hai để đưa Internet vào Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đưa Internet vào khá muộn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Internet đã đem lại cho Việt Nam kết quả lớn nhất là mặt bằng dân chủ lẫn kinh tế ngay từ những giai đoạn đầu tiên".
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực cho rằng đằng sau việc cho mở Internet là cả một chặng đường dài ‘vật lộn’ về tư duy đổi mới. Thời kỳ đó, đất nước đang ở trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn phức tạp. Vì vậy, tư duy đổi mới được khởi động mạnh, các nhà lãnh đạo cũng quyết tâm đổi mới. Việc cho mở hay không mở Internet lúc bấy giờ là thử thách rất lớn trong quá trình đổi mới bởi đây là vấn đề rất nhạy cảm.
Năm 1991, ông Mai Liêm Trực đi họp và được tiếp xúc với Internet lần đầu tiên tại Washington DC, Mỹ. Sau đó, tại một số cuộc họp ở châu Á, nhiều nhà lãnh đạo các nước đã chào ông là "See you on Internet".
Khi chưa có Internet, lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu Tổng cục Bưu điện phát hành các báo của Việt Nam sang Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ để bạn bè hiểu Việt Nam hơn nhưng ngay cả phát hành sang bên kia rồi thì ai bán báo, đấy là chưa kể vận chuyển qua đường hàng không rất khó khăn và đắt đỏ. Nhưng với Internet, đó là chuyện đơn giản và không tốn kém nhiều. Lúc đó, các nhà chuyên môn, khoa học và cả giới truyền thông thì ủng hộ việc mở Internet. Còn các nhà lãnh đạo thấy Internet quá mới nên phải thận trọng và yêu cầu phải hạn chế được mặt trái của Internet.
“Vào những giờ chót thuyết phục cho mở Internet ở cấp cao nhất là Thường trực Bộ Chính trị, Thủ tướng Phan Văn Khải đặt câu hỏi: Nếu mở thì có chặn được hết những thông tin độc hại trên Internet hay không? Chúng tôi gồm tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, anh Khánh Toàn - Thứ trưởng Bộ Công an, anh Chu Hảo - Thứ trưởng Bộ KHCN đã báo cáo trong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị. Anh Khánh Toàn lúc đó có nói về văn bản rất chặt chẽ.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hỏi tiếp: Nhưng trên thực tế thì sao? Tôi đứng lên báo cáo đã có văn bản và thông tư liên tịch giữa Tổng cục Bưu điện, Bộ Công an và Bộ Văn hoá Thông tin rất chặt chẽ, nhưng trong triển khai do điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ không thể nào chặn được hết. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hạn chế được đến mức thấp nhất các thông tin độc hại của Internet.
Sau đó, Thường trực Bộ Chính trị đã đồng ý cho mở Internet và chúng tôi sang thuyết phục Chính phủ. Cả 4 anh em chúng tôi đến nhà riêng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng đã đồng ý cho mở Internet. Tuy nhiên, khi chúng tôi ra về, Thủ tướng vỗ vai tôi nói: “Các cậu làm thế nào thì làm nhưng đừng để đến khi phải đóng lại thì không biết phải nói ra sao với thế giới”, ông Mai Liêm Trực kể lại.
Nhớ lại những ngày đầu thuyết phục cho mở Internet, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh - một trong 10 người được giới truyền thông đánh giá có công lớn nhất để đưa Internet vào Việt Nam - chia sẻ, chuyện thuyết phục trong nội bộ trước khi quyết định mở Internet cũng đầy khó khăn bởi có nhiều luồng thông tin khác nhau. Thời đó, mở Internet ở nước ta có khó khăn về trình độ công nghệ, nhưng điều khó nhất là làm sao giải trình rõ và thuyết phục được các cơ quan có trách nhiệm về những lợi ích to lớn của Internet cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và khả năng quản lý được hoạt động của Internet.
Ngay cả khi Chính phủ đã quyết định cho mở Internet rồi thì việc mở cũng rất thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thậm chí Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam kèm theo Nghị định ban hành ngày 21/3/1997 còn quy định “Các mạng thông tin máy tính và các cơ sở dữ liệu của các cơ quan Đảng, Chính phủ, An ninh Quốc phòng không được đấu nối với mạng Internet”.
Rất mừng, các nhà khoa học của Việt Nam, nhiều cơ quan thông tin đại chúng đã nhận thấy sức mạnh của Internet nên tích cực ủng hộ và thúc đẩy để mở Internet. “Tôi đánh giá việc Nhà nước ta cho mở Internet lúc đó là thể hiện tư duy đổi mới của lãnh đạo Đảng, Chính phủ lúc bấy giờ và cũng là kết quả rõ rệt của công cuộc đổi mới”, ông Nguyễn Khánh nói.
“Tôi không bao giờ quên hôm đó là ngày 19/11/1997, Internet chính thức được mở tại Việt Nam, tâm trạng tôi lúc đó rất mừng vì cả một thời cơ lớn đã không bị mất đi và đất nước từ nay đã có phương tiện để thay đổi. Khi tổ chức họp báo với các hãng thông tấn nước ngoài, tôi hứng khởi nói bằng tiếng Anh để khi các hãng này phát ra trên thế giới không bị “tam sao thất bản” do phải dịch từ tiếng Việt”, ông Mai Liêm Trực kể.
Thế nhưng ngay khi chúng ta mở thì Nghị định 21 vẫn bó buộc Internet phát triển để rồi 3 năm sau đó chúng ta ra Nghị định 55 để "cởi trói" cho Internet. Khi mở Internet năm 1997, không chỉ có Nghị định 21 mà đã có văn bản của cấp cao chỉ đạo "quản đến đâu mở đến đấy".
Lúc đó chúng tôi biết rằng, Nghị định 21 có nhiều điểm không ổn để cho Internet phát triển. Ngay từ đầu, Tổng cục Bưu điện đã thấy rằng, cần phải thay đổi Nghị định này, bởi nếu giữ tư duy “quản” theo kịp với “mở" là phi biện chứng và hạn chế sự phát triển. Việc quản lý phải theo kịp với phát triển là đúng với các ngành chứ không riêng gì Internet. Thế nhưng, việc thuyết phục để chuyển sang tư duy “quản” phải theo kịp với “mở” rất khó khăn nên việc thuyết phục chuyển từ Nghị định 21 sang Nghị định 55 là chuyện không dễ dàng. Ngay cả khi chúng ta mở Internet rồi thì trong nhận thức vẫn còn quá nhiều lo ngại. Lúc đó vấn đề mở đại lý Internet cũng bị hạn chế. Ngay cả VNPT muốn mở đại lý Internet cũng không được”, ông Mai Liêm Trực nói.
Nguyên Tổng cục trưởng Mai Liêm Trực cho rằng, bài học đầu tiên là luôn đổi mới tư duy đối với các lĩnh vực, đặc biệt là Internet, bởi đây là lĩnh vực phát triển rất nhanh. Nếu chúng ta cứ hài lòng với sự thành công mà không đổi mới tư duy thì sẽ không phát triển được Internet. Xu hướng xã hội ngày càng dân chủ, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ hơn. Internet là sự gắn kết giữa công nghệ dịch vụ và nội dung nên không đổi mới tư duy sẽ không thúc đẩy Internet phát triển.
Nếu ai đã có cơ hội ra nước ngoài chắc chắn sẽ nhận ra rằng không phải ở đâu cũng có wifi miễn phí. Tại Việt Nam, các quán cà phê, thậm chí cả quán trà đá vỉa hè cũng có wifi miễn phí. Nếu cửa hàng nào đó không có wifi miễn phí thì gần như khách hàng sẽ không quay lại. Khi vào nhà hàng, quán cà phê…, câu đầu tiên khách hỏi không phải là menu mà thường là “Pass wifi ở đây là gì?”
Các điểm du lịch gần như đều có wifi miễn phí, thậm chí các điểm tập trung đông người ở Hà Nội, TP.HCM… cũng có các trạm wifi công cộng miễn phí. Chẳng hạn FreeWi-Fi – UBND TP Hà Nội lắp đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Để kết nối mạng, người dùng chỉ cần vào "FREEWi-Fi_UBNDHanoi", nhấn submit, sau khi giao diện chuyển sang trang chủ của Sở Du lịch thành phố Hà Nội là bạn đã kết nối thành công.
Câu chuyện wifi miễn phí không chỉ ở các điểm du lịch mà cả các nơi như bệnh viện, trường học cũng được các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel… triển khai.
Cô Kim Hye Ri, 25 tuổi, cựu sinh viên khoa Tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, từng có học kỳ trao đổi tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ câu chuyện Việt Nam là thiên đường của wifi miễn phí – đó là một trong 5 nét độc đáo của Việt Nam.
Với trọng tâm tăng cường quan hệ kinh tế, tháng 6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ. Ông có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống George Bush.
Trên kênh YouTube Cheri Hyeri, cô gái Hàn Quốc nói trước đây, cô cho rằng thiên đường Internet và wifi chính là Hàn Quốc nhưng cô phải thay đổi suy nghĩ khi tới Việt Nam. Từ trung tâm thương mại, nhà hàng, sân bay cho tới quán cà phê, thậm chí trên xe buýt giường nằm cũng lắp đặt wifi phục vụ khách với chất lượng cao. Kim Hye Ri cho biết, cô không cần mua SIM điện thoại nếu không có nhu cầu gọi điện thoại cho ai bởi cô thấy chỗ nào tại Việt Nam cũng có wifi miễn phí mà không cần mật khẩu.
Nhiều khách nước ngoài còn thấy rằng Việt Nam wifi miễn phí khắp nơi và quá dễ dàng, thậm chí không kiểm soát. Chẳng hạn tại nhiều sân bay trên thế giới, nếu muốn sử dụng wifi miễn phí bắt buộc phải khai báo thông tin hộ chiếu và khống chế truy cập theo giờ. Thế nhưng, tại các sân bay hay bến xe của Việt Nam thì người dùng vô tư vào mạng miễn phí và chả cần khai báo gì cả.
Không chỉ có wifi miễn phí, Việt Nam được khách du lịch đánh giá là những quốc gia có giá cước Internet di động rẻ nhất thế giới.
Mấy năm trước, phóng viên Juha Saarinen đã có bài viết trên tờ PC World New Zealand (pcworld.co.zn) về sự thuận tiện và giá rẻ khi du khách nước ngoài đến Việt Nam và sử dụng dịch vụ wifi, 3G. Juha Saarinen rất thán phục con đường phát triển, đi lên phía trước thông qua công nghệ của Việt Nam.“Tại Việt Nam, tôi có thể tìm thấy wifi ở khắp mọi nơi và thường là được dùng miễn phí. Ngoài ra, 3G ở đây cũng rất rẻ và chạy rất tốt. Du khách nước ngoài có thể dễ dàng sử dụng 3G bằng cách mua một thẻ SIM trả trước với giá 65.000 đồng, tương đương 4 đô la New Zealand".
Juha Saarinen kể rằng: "Khách hàng được dùng gói cước dữ liệu 3G mức giá rẻ, từ 1,5 đến 5GB dữ liệu với 120.000 đồng đến 150.000 đồng. Nếu cẩn trọng với việc dùng dữ liệu của mình, bạn có thể bỏ ra 10 đô la New Zealand (168.000 đồng) và dùng 3G tốc độ cao”. Phóng viên công nghệ của PC World cũng đã ao ước: “giá có một hãng viễn thông nào đó của Việt Nam đến New Zealand để kinh doanh, thay đổi các dịch vụ và giá cước tại thị trường New Zealand”.
Theo con số mới nhất mà Bộ TT&TT công bố, hiện Việt Nam có 126,95 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong đó, số thuê bao băng rộng di động (những người sử dụng dịch vụ 3G và 4G) là 65,33 triệu. Con số của Bộ TT&TT cho hay số thuê bao di động đang tăng rất nhanh. Hiện Việt Nam đang có 15,71 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định và con số này cũng đang tiếp tục tăng nhanh.
Trong khi Việt Nam là nước cho phép mở Internet chậm hơn so với thế giới, nhưng lại đang là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ nhất và đây được xem là động lực cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có những tổ chức lại đang bỏ qua những mặt tích cực đó để xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet.
Phản bác lại cáo buộc của tổ chức Freedom House cho rằng Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet hồi cuối năm ngoái, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng khẳng định, việc đảm bảo các quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật và được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy sự phát triển của Internet nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như đáp ứng nhu cầu về trao đổi thông tin, học tập và làm việc của người dân.
Thực tế cho thấy, Việt Nam hiện là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng Internet cao nhất trên thế giới. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt kinh tế và văn hóa xã hội ở Việt Nam.
Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là không cấm sự phát triển của mạng Internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội.
Theo báo cáo Vietnam Digital Advertising 2019 do Adsota phát hành, trong năm qua, trung bình hằng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút - tương đương ¼ ngày, để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút.
Tuy nhiên, Internet và mạng xã hội một mặt đem lại rất nhiều lợi ích cho người dùng nhưng cũng đem theo những mặt trái, trong đó có vấn đề về quyền con người. Những vấn đề này đòi hỏi phải có những khung pháp lý và chính sách quản lý để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt trái trên không gian mạng.
Trẻ em đang là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất trên môi trường mạng. Mới đây, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, bên cạnh những cơ hội, Internet, CNTT cũng đang đưa đến nhiều thách thức, mặt trái.
Các nền tảng mạng tạo ra cách mạng với cuộc sống của trẻ em, song đồng thời cũng mang lại những lạm dụng và khai thác trẻ em kinh khủng nhất.
Còn đại diện A05, Bộ Công an cho biết, số vụ việc phản ánh về tội phạm mà cơ quan này tiếp nhận hàng năm chỉ khoảng hơn 1.000 vụ, tuy nhiên trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn và xu hướng tội phạm cũng đang chuyển dần lên môi trường mạng.
Môi trường mạng xã hội giờ đây được cho là mảnh đất màu mỡ cho tin giả (fake news) phát triển. Mới đây, thông tin giả về vụ việc Trấn Thành bị tố "bay lắc" trên mạng xã hội lan truyền với tốc độ chóng mặt. Sau đó, Trấn Thành đã tìm ra người tung tin, trực tiếp gặp, nói chuyện và cuối cùng, quyết định khởi kiện việc này nhằm lấy lại danh dự cho mình. Trấn Thành cho biết, bản thân anh bị thiệt hại về tinh thần, một số hợp đồng quảng cáo bị mất... từ tin đồn thất thiệt này. Tất nhiên, Trấn Thành không phải trường hợp đầu tiên bị cư dân mạng "đặt điều" mà rất nhiều người nổi tiếng cũng đã từng hứng chịu nỗi khổ này từ mạng xã hội.
Có một ví dụ rất điển hình liên quan đến việc các tin tức giả tấn công người Việt trên mạng xã hội trở thành vấn nạn. Bộ Công an cho biết, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương. Nhiều đối tượng cũng đã tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động tạo ra rất nhiều group, diễn đàn và tạo ra nhiều thông tin giả, thông tin xấu độc nhằm tuyên truyền xuyên tạc, kích động, làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong dư luận, tạo sự bất ổn về an ninh trật tự để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Một số đối tượng lấy danh nghĩa “quyền tự do ngôn luận” để bày tỏ quan điểm cá nhân, nhưng nhằm mục đích tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nếu các trường hợp này bị xử lý, thì các thế lực thù địch lại dùng chiêu bài “Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm tự do Internet”...
Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các đối tượng lợi dụng Internet vi phạm quyền và lợi ích của nhà nước và công dân. Điều này không chỉ phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật các quốc gia khác quy định trên lĩnh vực này mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế số tại Việt Nam; bảo vệ các quyền của người dân và xã hội.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm 2019, đối với công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook, Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, tài khoản giả mạo. Bộ TT&TT cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook, Google tuân thủ nghiêm túc pháp luật Việt Nam.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện Facebook đã có sự quan tâm rất lớn đến fake news. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục làm việc với Facebook trong việc ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội này.
Bên cạnh đó, để xử lý vấn đề tin giả trên môi trường mạng, Bộ TT&TT đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp như chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong nước ngăn chặn các website không rõ nguồn gốc đưa tin giả mạo, xử lý nghiêm những đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo. Ngoài ra, Bộ chỉ đạo các cơ quan báo chí đấu tranh, phản bác các tin giả, thông tin xuyên tạc về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời cung cấp thông tin, định hướng các cơ quan báo chí thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan về các vấn đề “nóng” đang được lan truyền trên mạng để hạn chế tác động tiêu cực.
Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin tức thời, hiệu quả giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và cộng đồng trong việc điều phối, xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên mạng, vận hành hệ thống hỗ trợ người sử dụng truy cập Internet an toàn. Bên cạnh đó, Bộ hỗ trợ và phát triển cộng đồng, thiết lập cơ chế liên lạc đơn giản, thuận tiện, sẵn sàng để người sử dụng phản ánh về các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật, thông tin gây nguy hại đến cá nhân, tổ chức tới cơ quan chức năng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”, có hiệu lực thi thành từ ngày 15/4/2020. Đáng chú ý, Nghị định này tăng mức xử phạt đến 20 triệu đồng đối với các hành vi lợi dụng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ và tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Đặc biệt, luật An ninh mạng đang dần đi vào cuộc sống và góp phần đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng đã tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân... Mọi cá nhân vẫn được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu chấp hành các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, luật đã giúp tạo môi trường lành mạnh, an toàn. Việt Nam không cấm sự phát triển của mạng Internet, mà chỉ nghiêm cấm mặt trái do Internet gây ra, trái với bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Là thành viên tích cực tham gia vào quá trình thẩm tra luật An ninh mạng với lời khẳng định: “Đạo luật này tạo ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, của các DN trong và ngoài nước”. Vậy hơn 1 năm rưỡi luật có hiệu lực, ông đánh giá như thế nào về lời khẳng định của mình?
Sau 1 năm có hiệu lực, tôi thấy hiệu quả rõ rệt nhất của luật là tạo ra một cơ sở pháp lý tương đối toàn diện và đầy đủ để thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng.
Có thể nói cùng với luật An toàn thông tin mạng thì luật An ninh mạng cho chúng ta thêm một công cụ pháp lý tuy không phải là “thần dược” nhưng đây là một “liều thuốc” rất tốt để chữa một số loại bệnh.
Rõ nhất là trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, chúng ta có một quy định pháp lý xử lý ngay được các hành vi liên quan đến việc lợi dụng dịch đưa những thông tin không chính xác, thất thiệt, thậm chí xuyên tạc nhằm chống lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
Một số đối tượng lợi dụng tình hình dịch để có các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tội phạm liên quan đến bí mật của DN, của cá nhân đều bị xử lý.
Tức là theo ông, từ khi luật An ninh mạng ra đời, môi trường trên không gian mạng đã trong sạch hơn trước đây?
Tôi nghĩ là như thế. Bởi qua số liệu tôi nắm được, rõ ràng các cuộc tấn công có chủ đích vào không gian mạng Việt Nam phải nói là giảm nhiều so với thời điểm trước khi có luật.
Hiện nay, chúng ta đã chủ động đảm bảo an ninh mạng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ví dụ trong thời gian dịch Covid-19, chúng ta chuyển từ hoạt động trực tiếp sang trực tuyến các hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội...
Những điều ấy nếu không làm tốt công tác bảo đảm an ninh mạng thì chúng ta không thể có môi trường an ninh, an toàn trong thời điểm rất đặc biệt khi có dịch này.
Đặt vấn đề ngược lại, nếu không có luật An ninh mạng, không xử phạt những hành vi vi phạm trên môi trường mạng thì ông hình dung đời sống xã hội sẽ như thế nào?
Nếu không có hành lang pháp lý, không đưa ra các quy định về hành vi nghiêm cấm, không xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì không gian mạng của chúng ta sẽ diễn biến hết sức phức tạp và khó lường.
Nhiều người cứ nói không gian mạng là không gian ảo nhưng thực ra nó không ảo. Đây là một môi trường mới trong một trạng thái xã hội thực hiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.
Nếu chúng ta không quy định về pháp lý, không có luật An ninh mạng thì về mặt chính trị, về mặt quốc phòng, an ninh chắc chắn chúng ta sẽ rất bị động, lúng túng.
Hay như vấn đề chủ quyền trên không gian mạng, luật An ninh mạng xác định được chủ quyền trên không gian mạng và đặt ra các quy định pháp lý phù hợp để xử lý thì mới đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.
Thời gian qua, việc xử phạt những hành vi vi phạm trên không gian mạng tương đối nhiều. Việc này một mặt như ông nói là “liều thuốc chữa một số bệnh” nhưng mặt khác cũng tạo cảm giác người dùng mạng xã hội bị siết chặt hơn, thậm chí một số luận điệu cho rằng như vậy là “hạn chế quyền tự do ngôn luận”, là “vi phạm nhân quyền”?
Theo tôi, việc xử phạt, chế tài các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng là hết sức cần thiết, phù hợp và có tác dụng rất tích cực nhằm răn đe, phòng ngừa các hành vi xâm phạm, vi phạm.
Các quốc gia khác cũng áp dụng các chế tài, thậm chí xử phạt rất nặng và hạn chế phạm vi hoạt động một số hãng công nghệ như Facebook, Google nếu vi phạm.
Bây giờ trên không gian mạng, ngoài mặt tích cực còn tồn tại nhiều mặt trái. Một số đối tượng thế lực thù địch, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng vấn đề “nhân quyền” cho rằng chúng ta xử lý vi phạm một số hành vi cấm được quy định trong luật là những việc không được làm.
Một số đối tượng bên ngoài Việt Nam cho rằng luật An ninh mạng đã hạn chế quyền tự do ngôn luận, quyền công dân, vi phạm nhân quyền nhưng tôi nghĩ không phải thế.
Có nghĩa là việc này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đa số người sử dụng mạng xã hội và cũng chính là bảo vệ nhân quyền, thưa ông?
Phải khẳng định, luật An ninh mạng ra đời là để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo giá trị phổ quát chung và căn cứ vào đặc thù, đặc điểm của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, số đông người dùng đánh giá rất cao những quy định của luật đà tạo ra một môi trường lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.
Vừa rồi, một số người nổi tiếng, văn nghệ sĩ gặp phải sự cố như bị mạo danh hoặc bị tung những hình ảnh, clip riêng tư ảnh hưởng đến danh tiếng của họ và họ phải nhờ đến cơ quan có trách nhiệm áp dụng các quy định của pháp luật để xử lý.
Trong quá trình xây dựng luật An ninh mạng, nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn công nghệ ban đầu cũng có phản ứng về một số quy định của Việt Nam. Nhưng dần dần, các tổ chức này tích cực hợp tác với chúng ta. Bởi vì chính các quy định trong luật của chúng ta bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
Vừa rồi cơ quan an ninh điều tra khởi tố và bắt một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống phá nhà nước, một số thế lực bên ngoài cho rằng như vậy là vi phạm nhân quyền?
Như tôi đã nói, ngoài giá trị phổ quát chung, mỗi quốc gia có chế độ chính trị khác nhau; điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau; văn hóa thuần phong mỹ tục khác nhau sẽ có những cách đặt vấn đề về nhân quyền khác nhau.
Chính vì thế mới có các tổ chức quốc tế để đặt ra các chuẩn mực chung. Trên nguyên tắc đó, từng quốc gia cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình chứ không thể nói một quốc gia nào đấy, dù là nước lớn áp đặt vấn đề nhân quyền cho một quốc gia khác được. Đó là nguyên tắc.
Đối với một số quốc gia, có những lĩnh vực Việt Nam cấm thì họ cho rằng đấy là quyền con người. Nhưng nếu áp đặt chuẩn mực của quốc gia này cho một quốc gia khác là hoàn toàn không hợp lý. Một quốc gia có chủ quyền thì rõ ràng là không thể lấy tiêu chí của nước này áp đặt cho nước kia.
Vừa qua, cả thế giới công nhận thành quả trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam. Chúng ta hy sinh phát triển kinh tế để đảm bảo sức khỏe cho con người. Đó chính là bảo vệ các quyền của con người, là nhân quyền quốc gia được đông đảo người dân trong và ngoài nước công nhận.
Nhưng vấn đề là làm sao để phân định giữa “nhân quyền”, “quyền tự do ngôn luận" với việc lợi dụng lấy mác "nhân quyền" hay quyền tự do ngôn luận để câu like, câu view, để trục lợi, thậm chí là chống phá nhà nước?
Tôi nghĩ là phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ hai là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó phải có các giải pháp phòng ngừa, chủ động xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước một mặt đảm bảo các quyền công dân trong tham gia vào không gian mạng, một mặt phải có quy hoạch lại mạng lưới thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, có cách quy định quản lý để đảm bảo phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng lợi dụng.
Hiện trong thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng, trên không gian mạng xuất hiện khá nhiều thông tin thất thiệt, mạo danh; tố cáo người này người kia; tình trạng bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo… Theo ông, việc này có được xem là quyền tự do ngôn luận, là nhân quyền như một số người vẫn nói?
Tôi nghĩ đấy là cách nói bao biện. Vấn đề an ninh mạng không phải của Việt Nam mà của các quốc gia trên thế giới. Ngay cả chuyện bầu bán ở một số nước cũng có can thiệp thông qua các tác động trên không gian mạng.
Rõ ràng những hành vi này được thực hiện một cách có chủ đích của các thế lực nhằm gây mất đoàn kết, tạo sự hoài nghi trong xã hội hòng chống đối, phá hoại chúng ta.
Hiện chúng ta đã có các quy định để xử lý, các cơ quan chức năng cần chủ động phát hiện, xử lý thật nghiêm.
Bên cạnh đó, theo tôi phải đầu tư thỏa đáng trong lĩnh vực này để đảm bảo làm sao có đủ sức lực quán xuyến không gian mạng và xử lý được các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông, cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác và đảm bảo tính công khai, minh bạch thì chắc chắn các đối tượng tung tin thất thiệt cũng không có tác động.