Đêm 7/5 lên đường sang Triều Tiên cho các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo không biết trước mình sắp đạt được một chiến tích ngoại giao ngoạn mục cho chính phủ Trump. Đó chính là tuyên bố của đại diện chính phủ Triều Tiên với Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: “Chúng tôi sẽ ân xá cho cả 3 công dân Mỹ đang bị giam giữ. Lệnh ân xá lập tức được thực thi”.
“Điều quan trọng” đó chính là một yếu tố đưa đến việc đầu tháng 6/2018, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào ngày 12/6 tại Singapore.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 4 giờ, hình ảnh hai nguyên thủ tham gia vào các hoạt động chụp ảnh chung, đi dạo vào giờ ăn trưa trong khuôn viên khách sạn cho thấy một tương lai hợp tác đầy triển vọng.
Sau cuộc hội đàm lịch sử tại Singapore vào ngày 12/6/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un đã ký Tuyên bố chung cùng với hứa hẹn về một tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ "sớm được khởi động".
Vào tháng 12/2018, Tổng thống Donald Trump xác nhận sẽ có hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Triều Tiên kéo theo nhiều đồn đoán của báo giới về nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2.
Trong lúc người dân Việt Nam đang hồ hởi đón Tết nguyên đán thì trong thông điệp Liên bang ngày 5/2/2019, Tổng thống Trump đã thông báo hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên, xác nhận địa điểm gặp tại Việt Nam. Cụ thể hơn trên Twitter sau đó, ông cho biết ngày gặp gỡ là vào 27-28/2 tại Hà Nội. Như vậy, những khát vọng và nỗ lực hòa bình sẽ được thể hiện ở Hà Nội, thành phố vì hòa bình.
“Tôi vừa đi qua cầu Rồng, nơi này đã đón rất nhiều bạn bè quốc tế. Đầu những năm 1990, nửa dân số Việt Nam chỉ sống với mức vài USD một ngày. Ngày hôm nay, với một nền kinh tế cởi mở, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới...”, chưa đầy 1 tiếng sau khi hạ cánh xuống Đà Nẵng tham dự hội nghị Cấp cao APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước hàng ngàn doanh nhân và giới báo chí tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit).
"Tôi rất vui được chứng kiến những thành tựu mà các bạn đã đạt được trong thập kỷ vừa qua. Việc các bạn ở đây, cùng chung tay xây dựng khu vực này là điều không thể tuyệt vời hơn... Chúng ta ở Đà Nẵng để làm sâu sắc quan hệ, chia sẻ và vinh danh những thành tựu của chúng ta. Đà Nẵng trước đây từng là căn cứ quân sự của Mỹ, nơi chứng kiến nhiều người cả hai bên hy sinh trong chiến tranh. Ngày hôm nay chúng ta không còn là kẻ thù nữa, TP này đã đạt rất nhiều thành tựu”, ông Trump nhấn mạnh.
Với Mỹ, Việt Nam có quan hệ Đối tác toàn diện. Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây. Năm 2018, Mỹ xếp thứ 11/128 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với tổng số 900 dự án và tổng vốn đăng ký 9,4 tỷ USD. Quan hệ hai nước cũng phát triển mạnh trên các lĩnh vực an ninh quốc phòng, giáo dục...
Cây thị hàng trăm năm tuổi xum xuê trong làng Quán La, Xuân La, Hà Nội là một minh chứng cho tình hữu nghị lâu bền Việt-Triều. Trong lần thăm Việt Nam năm 1964, Thủ tướng Kim Nhật Thành và Bác Hồ đã dừng chân ở đây, trò chuyện với dân làng
Ông Nguyễn Văn Ngư (77 tuổi), người dân làng Quán La nhớ mãi ngày hôm đó: “Trước cây đa, cây thị sân đình, 2 Bác đều rất thích, vì trong chiến tranh mà làng vẫn giữ được phong cảnh, nét quê, và căn dặn quanh làng có nhiều cây cổ thụ to, bóng mát rất đẹp, dân làng phải cố giữ được những cây này”. Cây thị nay đã được công nhận là di sản và bà con trong làng tự bỏ tiền ra xây dựng khu tưởng niệm tại nơi Bác Hồ và ông Kim Nhật Thành trò chuyện. Tình hữu nghị đó đang được các thế hệ vun đắp cho đến ngày hôm nay.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam diễn ra ác liệt, CHDCND Triều Tiên đã có các hỗ trợ quân sự và cử các phi công tới Việt Nam học tập và chiến đấu. Trong những năm 1960, đầu 1970, CHDCND Triều Tiên đã giúp đào tạo nhiều sinh viên, cán bộ của Việt Nam.
Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong-gil trong một sự kiện năm 2018 tại Việt Nam đã nhấn mạnh: "Triều Tiên luôn coi trọng và làm hết sức mình để củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Triều Tiên và Việt Nam do Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp. Đó là lập trường trước sau như một của chúng tôi"
Trong hai ngày dự hội nghị Thượng đỉnh, thông điệp mà người đứng đầu Nhà Trắng truyền đi luôn chất chứa một sự yêu mến dành cho Hà Nội – Việt Nam. Vừa đặt chân đến Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Đám đông thật hoành tráng, và thật nhiều yêu thương", ông Trump viết trên tài khoản Twitter của cá nhân mình khi từ sân bay Nội Bài về khách sạn.
Khi đặt chân đến ga Đồng Đăng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cho biết ông cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo của Việt Nam sau một hành trình dài hàng ngàn cây số mà ông vừa vượt qua. Ông rất vui khi đến thăm đất nước Việt Nam
Ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo Mỹ-Triều có cuộc thảo luận riêng trong khoảng 20 phút, trước khi dùng bữa tối tại khách sạn Metropole.
Tổng thống Mỹ cho biết, ông mong chờ một hội nghị thượng đỉnh “rất thành công”. Ông nhấn mạnh: "Thật vinh dự khi có mặt ở đây với Chủ tịch Kim Jong-un, vinh dự khi chúng ta gặp nhau tại Việt Nam”.
Đáp lời ông chủ Nhà Trắng, Chủ tịch Kim Jong-Un nói: “Chúng ta đã có thể vượt qua mọi trở ngại và hôm nay chúng ta có mặt tại đây. 261 ngày qua đòi hỏi rất nhiều nhẫn nại và kiên trì. Ngày hôm nay tôi đã gặp lại ông. Điều này cho chúng ta thêm hy vọng rằng lần gặp này sẽ thành công".
Bước sang ngày làm việc thứ hai, hai nhà lãnh đạo đã có các cuộc họp kín, họp mở rộng, vài phút tản bộ cùng nhau. Kế hoạch ăn trưa kết hợp làm việc bị hủy vào phút chót.
Nhà Trắng phát thông báo không thỏa thuận nào đạt được giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, các cuộc gặp tiếp theo sẽ được tiến hành trong tương lai. Tại khách sạn Marriott, Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức họp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, sớm hơn 2 giờ so với lịch trình trước đó.
Tại buổi họp báo, Tổng thống Trump nhấn mạnh, ông có cuộc hội đàm với Chủ tịch Kim Jong-un rất hiệu quả và có thể sớm gặp lại lãnh đạo Triều Tiên. “Có thể sẽ không phải một khoảng thời gian dài. Tôi hy vọng sẽ sớm gặp“, ông Trump nói.
Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước.
Với Việt Nam, những nỗ lực đóng góp của nước chủ nhà cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều không chỉ mang ý nghĩa về đối ngoại chính trị đơn thuần, mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người và niềm năng của Việt Nam.
Là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh lần này, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho hội nghị, thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trung tâm báo chí quốc tế (IMC) được dựng lên chỉ trong 10 ngày với những thiết bị hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tác nghiệp của phóng viên trong và ngoài nước. Bộ TT&TT cũng chuẩn bị một số món quà thông tin giới thiệu đất nước, con người VN, có tem bưu chính được thiết kế rất VN để tặng các phóng viên.
“Bộ TT&TT là người nhà của các bạn phóng viên đến tác nghiệp trong sự kiện này. Mong các bạn cảm nhận được tình cảm nồng ấm của VN gửi đến các bạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Rất nhiều phóng viên quốc tế lần đầu đặt chân tới Hà Nội và điều đầu tiên họ ghi nhận là ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam, ghi nhận nỗ lực chuẩn bị gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.
Nobuyuki Tanaka, phóng viên của NishiNippon Shimbun (Nhật Bản) cho biết, không giống như Singapore có 2,3 tháng để chuẩn bị cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên, Việt Nam chỉ có khoảng 10 ngày kể từ khi có thông báo chính thức. “Tôi đã nghĩ chỉ từng đó thời gian, các bạn sẽ làm thế nào để chuẩn bị kịp cho sự kiện này. Và tôi hoàn toàn bất ngờ”.
Valentina Shvartsman, phóng viên tờ Sputnik của Nga rất ấn tượngvới công tác chuẩn bị của Việt Nam, nhất là trung tâm báo chí quốc tế phục vụ phóng viên tác nghiệp hội nghị thượng đỉnh với đồ ăn miễn phí và ngon tới mức “gây nghiện” (như phở, bún chả, bún thang), cơ sở hạ tầng phục vụ tác nghiệp rất hoàn hảo.
Cary Huang, cây bút kỳ cựu của tờ Bưu điện hoa nam buổi sáng bình luận, tầm quan trọng về mặt ngoại giao của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đã đặt nước chủ nhà Việt Nam vào "tâm điểm chú ý" toàn cầu và đưa Việt Nam vào trung tâm của vũ đài chính trị.
Sau khi kết thúc chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, Chủ tịch Triều Tiên đã bày tỏ sự hài lòng về kết quả của chuyến thăm, đồng thời cảm ơn Đảng, Chính phủ cũng như nhân dân Việt Nam vì sự tiếp đón ân cần, chu đáo, thịnh tình trong thời gian ở thăm.
Tại cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Mỹ gửi lời cảm ơn Việt Nam, cảm thấy ấn tượng với sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. "Chúng tôi (Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên) đều cảm thấy rất tốt khi hội nghị thượng đỉnh quan trọng này diễn ra tại Hà Nội”, ông Trump nói.
Ngày 3/3, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định bản thân không coi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai là không thành công, dù hai bên không ký kết thỏa thuận hay ra tuyên bố chung. Ngược lại, vị cố vấn quốc gia nổi tiếng có quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên đánh giá sự kiện là thành công.
Về phía Triều Tiên, truyền thông nước này cũng "phá lệ" khi cập nhật thông tin rất nhanh về chi tiết về chuyến công du Việt Nam của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên, ông Kim và ông Trump đánh giá, cuộc gặp của họ tại Hà Nội đã mang tới "cơ hội quan trọng để tăng cường sự tôn trọng và tin tưởng giữa hai bên, cũng như đưa quan hệ song phương tiến lên một giai đoạn mới”.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần 2, ngay cả khi hai bên không đạt được thỏa thuận thì vẫn cho thấy khả năng có được những tiến triển trong tương lai.
Dù một thắng lợi mang tính đột phá là khó có thể đạt được chỉ trong một cuộc gặp, song chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo cùng có mặt tại Hà Nội và cùng nhau thảo luận về những vấn đề gây căng thẳng nhất, các bên dám đưa ra những hướng đi mới, những ý tưởng mới đã là một thành công.
Ví dụ như ý tưởng mở văn phòng liên lạc ngoại giao Mỹ - Triều. Hay đề cập triển vọng đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, đồng nghĩa với việc quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đã bắt đầu rục rịch.
Viết trên Twitter khi trở về Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, Tổng thống Mỹ cho biết: “Chúng ta đã có những đàm phán nhiều ý nghĩa với ông Kim Jong-un. Chúng ta biết họ muốn gì và họ biết chúng ta phải có những gì. Mối quan hệ rất tốt. Hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra", ông tiếp tục khẳng định hội nghị thượng đỉnh đã thu về những kết quả tích cực.
Còn theo kênh truyền hình Nhà nước Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ quyết định tiếp tục có các cuộc đối thoại tích cực để giải quyết vấn đề đã được thảo luận tại hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội, hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và đạt được những bước tiến lớn trong mối quan hệ Mỹ- Triều
Kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ và Triều Tiên có thể tổ chức thêm các cuộc gặp sau hội nghị. Ông nhấn mạnh về thiện chí giữa hai nhà lãnh đạo, do đó ông hy vọng các bên có thể sớm lên một kế hoạch cho các cuộc gặp tiếp theo và khẳng định có cơ sở để tin rằng Mỹ và Triều Tiên có thể tiến lên phía trước, mặc dù hai bên còn nhiều vấn đề phải giải quyết về đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội. Ông cho rằng “hành động ngoại giao dũng cảm” của hai bên đã tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình bền vững cũng như tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách toàn diện, đồng thời bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục diễn ra.