2020 đánh dấu 45 năm kết thúc chiến tranh, cũng là năm mà quan hệ Việt Nam - Mỹ bước sang tuổi 25. Cách đây tròn 25 năm, đêm 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sáng 12/7, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Tháng 8/1995, Mỹ và Việt Nam nâng cấp Phòng liên lạc được thiết lập vào tháng 1/1995 của hai nước thành Đại sứ quán. Cùng với sự phát triển của quan hệ ngoại giao, Mỹ mở Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM và Việt Nam mở Tổng lãnh sự quán tại San Francisco. Năm 2009, Mỹ được cấp phép mở Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng. Năm 2010, Việt Nam chính thức khai trương Tổng lãnh sự quán tại Houston.
25 năm không phải là quãng đường dài trong lịch sử quan hệ hai nước, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự ấn tượng. Từ cựu thù, hai nước trở thành Đối tác toàn diện từ năm 2013 với sự phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực hợp tác trọng tâm.
Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc, với các cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Các khuôn khổ đối thoại chính sách tiếp tục được mở rộng, góp phần xây lòng tin giữa hai quốc gia. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư có những bước phát triển vượt bậc, vừa là lĩnh vực trọng tâm, vừa là động lực phát triển quan hệ tổng thể.
Hợp tác quốc phòng - an ninh đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực chấp pháp trên biển; hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và các bang Mỹ cũng tăng nhanh. Ở bình diện đa phương, hai nước chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có các vấn đề Biển Đông, Mekong, Triều Tiên, hay phối hợp tại các diễn đàn ASEAN, APEC, Liên hợp quốc, WTO…
25 năm trôi qua, bỏ qua đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cùng tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí cả những vấn đề nhạy cảm, vốn luôn bị coi là rào cản trong quan hệ, cùng vì một lợi ích là phát triển.
Nhìn cả chiều dài quan hệ Việt - Mỹ sau khi bình thường hoá cách đây 25 năm, một trong những dấu ấn nổi bật nhất chính là các chuyến thăm cấp cao.
Trước hết phải kể đến chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ năm 2015. Sự hiện diện của Tổng bí thư tại Washington là một dấu mốc về sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau, gia tăng hiểu biết lẫn nhau. Quan hệ hai nước đánh dấu bước tiến rất dài, bước chuyển trong nhận thức, đánh giá vị thế thực sự Việt Nam trong quan hệ chiến lược của Mỹ ở khu vực.
Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh.
Tháng 6/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Mỹ - đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Nhà nước CHXHCN Việt Nam đến Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Việt Nam - Mỹ đã được bình thường hóa hoàn toàn và có những bước phát triển tích cực, đem lại nhiều kết quả thiết thực đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Với trọng tâm tăng cường quan hệ kinh tế, tháng 6/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ. Ông có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống George Bush.
Tháng 7/2013, tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Đêm 28/5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức nước Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao Việt Nam với Tổng thống Mỹ Donald Trump, kể từ khi cả hai nước có ban lãnh đạo mới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên tại Đông Nam Á thăm Mỹ sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống.
Về phía Mỹ, tháng 11/2000, Tổng thống thứ 42 là Bill Clinton cùng phu nhân và con gái thăm Việt Nam, sau 25 năm khi chiến tranh kết thúc. Chuyến thăm đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
6 năm sau chuyến công du của người tiền nhiệm Bill Clinton, ngày 17/11/2006, Tổng thống George W. Bush tới Hà Nội và tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương APEC lần thứ 14.
Ngày 22/5/2016, ông Obama đã trở thành Tổng thống Mỹ thứ ba thăm Việt Nam. Chuyến thăm đánh dấu mốc mới trong quan hệ song phương. Ba ngày trong chuyến công du Hà Nội và TP.HCM, ông Obama kịp làm nhiều việc để thuyết phục về cam kết thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, cũng như cảm nhận nhiều điều sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam…
Tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump sang thăm Việt Nam khi chưa hoàn thành năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Theo ông Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đây là "một thành công của ngoại giao Việt Nam. Điều này thể hiện sự quan tâm của Mỹ tới Việt Nam trong khu vực".
Cuối tháng 2/2019, lần thứ hai trong vòng hơn 1 năm, Tổng thống Trump trở lại Việt Nam để dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đặt chân tới Hà Nội, ông viết trên Twitter: “Vừa đến Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người vì sự chào đón tuyệt vời ở Hà Nội. Rất đông người, và rất nhiều yêu thương”...
Sự phong phú của các chuyến thăm cấp cao, tần suất, mật độ, tính nối tiếp nhịp nhàng của các chuyến thăm trao đổi là sự xác tín về độ tin cậy trong quan hệ chính trị giữa 2 nước.
Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ 25 năm qua. Năm 2000, hiệp định Thương mại song phương được ký kết, tạo đà cho các doanh nghiệp hai nước.
Kim ngạch thương mại tăng trưởng liên tục, từ 450 triệu USD năm 1994 lên 75 tỷ USD năm 2019. Năm 2019, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; một số mặt hàng chủ lực tăng cao như dệt may, giày dép, điện thoại và linh kiện, điện tử, máy tính… Theo Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Mỹ.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ đạt khoảng 12 tỷ USD trong năm 2019. Các doanh nghiệp Mỹ hiện nay quan tâm đến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, khí hóa lỏng… vào thị trường Việt Nam nhằm góp phần cân bằng thêm cán cân thương mại hai nước.
Đến nay, các công ty Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam trên 9,2 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với hơn 900 dự án. Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp Mỹ đang đàm phán để có thể đi tới quyết định đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Nguồn vốn đầu tư từ Mỹ tạo ra những việc làm chất lượng giúp năng lực sản xuất của Việt Nam trở nên hiệu quả hơn, an toàn hơn, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osious từng chia sẻ, tiềm năng giữa hai nước vẫn còn rất lớn: "Chúng tôi muốn trở thành nhà đầu tư, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Điều đó mới xứng đáng với tiềm năng của hai nước”.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink khẳng định, Mỹ sẽ có nhiều ưu tiên cho mối quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. “Tôi nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước là lĩnh vực phát triển rất mạnh mẽ và là một trụ cột chính trong quan hệ đối tác toàn diện. Nó được minh chứng bằng những số liệu về đầu tư, thương mại không ngừng tăng lên hàng năm”, ông nói.
Sau khi bình thường hóa quan hệ, hợp tác quốc phòng giữa hai bên chủ yếu liên quan đến vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng William S.Cohen thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai bên thảo luận về việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh và bàn về việc hợp tác quân sự giữa hai nước. Ông là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Ba năm sau, Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Lầu Năm Góc. Sau chiến tranh, đây là lần đầu tiên một bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ, đánh dấu quan hệ bình thường giữa hai quân đội, bắt đầu có giao lưu quân đội, các chuyến thăm hữu nghị của tàu quân sự.
Năm 2007 ghi nhận bước tiến quan trọng trong quan hệ quốc phòng song phương khi chính quyền của Tổng thống George W. Bush dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán các loại trang thiết bị quốc phòng phi sát thương và dịch vụ quốc phòng cho Việt Nam.
Tháng 12/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Việt Nam, thông báo Mỹ cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ cho Việt Nam, bắt đầu bằng việc huấn luyện nhân lực và cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc.
Tháng 10/2014, Mỹ thông báo dỡ bỏ cấm vận vũ khí một phần với Việt Nam. Tháng 5/2016, Tổng thống Obama thông báo chính thức gỡ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đến Việt Nam vào tháng 5/2015, phía Mỹ cam kết viện trợ 18 triệu USD giúp mua tàu tuần tra cho Cảnh sát biển.
Tháng 3/2018, lần đầu tiên, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ thăm Việt Nam. Giáo sư John Blaxland, Giám đốc Viện Đông Nam Á, Đại học Quốc gia Australia, đánh giá: "Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ thể hiện sự thay đổi trong hợp tác song phương, theo cách mà Mỹ và Việt Nam nhìn nhận nhau".
Tháng 11/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thăm Việt Nam. Ông khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam; nhấn mạnh Mỹ mong muốn một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tháng 3 năm nay, nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.
Hợp tác giáo dục được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam. Hai nước đều dành ưu tiên cao cho hợp tác giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và sau đại học.
Mỹ có các chương trình cấp học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Mỹ, các chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên, cũng như các mô hình liên kết đào tạo giữa các trường Đại học và Cao đẳng của hai nước. Việt Nam hiện là nước có số lượng du học sinh sang Mỹ cao nhất trong khối ASEAN. Tính đến tháng 3/2019, có hơn 30.900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ.
Trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, trên tinh thần nhân đạo và thiện chí, các đội hỗn hợp hai bên đã vượt qua mọi khó khăn, tích cực triển khai việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA). Cho đến nay, hài cốt của 727 người đã được tìm thấy và trao trả.
Từ năm 1989, Mỹ đã cung cấp 100 triệu USD để hỗ trợ cho người khuyết tật, giúp đỡ hàng triệu người Việt Nam khó khăn. Và từ năm 1993, Mỹ đóng góp hơn 120 triệu USD để giúp Việt Nam rà phá các vật liệu chưa nổ.
Tháng 11/2018, Mỹ và Việt Nam tuyên bố hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin trị giá 110 triệu USD tại sân bay Đà Nẵng.
Tháng 12/2019, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã tổ chức lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Đây là khu vực có mức độ ô nhiễm chất dioxin lớn nhất tại Việt Nam. Theo ước tính của USAID, chi phí dự kiến khoảng 390 triệu USD.
USAID cũng ký một thỏa thuận với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) về khoản tài trợ 65 triệu đô la nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh của Việt Nam trong 5 năm tới...
Trong lĩnh vực ngoại giao nhân dân, các chương trình trao đổi, hợp tác nhằm giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam; hiệu quả hoạt động của các tổ chức phi chính phủ Mỹ tại Việt Nam… cùng góp phần tăng cường mối quan hệ hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai nước trên mọi lĩnh vực. Nổi bật như Operation Smile – chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em kém may mắn sinh ra bị dị tật khe hở môi và hở hàm ếch. Từ năm 1989 đến nay, Operation Smile đã khám và điều trị cho hơn 60,000 bệnh nhân trên cả nước, không chỉ mang lại nụ cười cho các em và gia đình mà còn giúp ngoại giao hai nước ngày càng gần nhau hơn.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ có khoảng gần 2 triệu người, chiếm gần một nửa trong tổng số hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống, làm ăn, học tập tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều người gốc Việt đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong các tập đoàn kinh tế lớn, các trường đại học, các viện nghiên cứu uy tín của Mỹ. Đa số người Việt tại Mỹ có tình cảm hướng về quê hương nguồn cội, mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, ủng hộ việc phát triển quan hệ nhiều mặt Việt - Mỹ….
Khoảng 2 tuần trước khi bước sang năm 2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có những chia sẻ về 25 năm quan hệ Việt - Mỹ sau bình thường hóa. Ông cho biết: "Năm 2020 đánh dấu 1/4 thế kỷ kể từ khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Đó là một bước tiến mang tính lịch sử. Kể từ đó, chúng ta đã xây dựng tình hữu nghị dựa trên lợi ích chung, sự tôn trọng lẫn nhau, và quyết tâm táo bạo để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai".