Bình luận

“Em xác định rằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ có mất mát, cái đó khó mà tránh khỏi. Nhưng em đã sẵn sàng. Em sẽ là người cầm súng để bảo vệ đất nước khi cần thiết. Chúng ta tin tưởng chính nghĩa sẽ thắng”.

Liệt sĩ lê đình chinh

Đây là những lời sau cuối của liệt sĩ Lê Đình Chinh trong bức thư viết chỉ vài ngày trước đó. Anh đã nằm lại mãi mãi ở cái tuổi 18 – người chiến sĩ đầu tiên hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc trong vòng vây của lũ côn đồ lăm lăm mã tấu, dao quắm, gậy gộc, cùng sự tiếp sức của lính Trung Quốc mặc thường phục. Anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù ngày 25/8/1978…

Chưa đầy nửa năm sau, rạng sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trên lãnh thổ nước ta, sau đó huy động một lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công sang lãnh thổ Việt Nam, mở đầu một cuộc chiến 30 ngày và kéo dài 10 năm sau đó.

Vũ minh giang

mẹ liệt sỹ lê đình chinh

Như vậy, chỉ gần 4 năm sau chiến tranh chống Mỹ, dân tộc Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc trường kỳ kháng chiến, còn đầy rẫy khó khăn, lại phải đối diện cuộc chiến mới.

Cuộc chiến này diễn ra trong bối cảnh trái ngược: Tình trạng xấu đi trong quan hệ Trung – Xô, quan hệ Việt – Xô (1965 - 1975) tiến triển ngày càng mạnh mẽ tác động đến những tính toán chiến lược của Trung Quốc.

Sau chiến thắng đế quốc Mỹ (năm 1975) ở Campuchia, tập đoàn Pôn Pốt lên nắm quyền, lập ra nhà nước “Campuchia dân chủ” phản bội lại nhân dân Campuchia, phá hoại truyền thống đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia, thực hiện chính sách diệt chủng cực kỳ tàn bạo ở Campuchia và xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam.

Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn pốt đẩy sự căng thẳng trong quan hệ Việt – Trung lên đỉnh điểm.

Ngay từ những năm đầu Việt Nam thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai (từ 234 vụ năm 1975 lên tới 2.175 vụ năm 1978).

Từ tháng 5/1978, Trung Quốc vô cớ dựng lên “sự kiện nạn kiều” rồi lại trắng trợn vu cáo Việt Nam ngược đãi, khủng bố xua đuổi Hoa kiều, rút chuyên gia, khiến tình hình hết sức căng thẳng.

Từ cuối 1978, Trung Quốc tăng cường làm đường cơ động, xây dựng căn cứ, hệ thống kho trạm, vận chuyển tập kết vật chất… Đồng thời họ thực hiện các hoạt động nghi binh, đề ra kế hoạch “dạy cho Việt Nam một bài học” và chuẩn bị chiến tranh “trừng phạt Việt Nam”.

Từ tháng 8/1978, phía Trung Quốc điều động lực lượng từ phía sau biên giới tổng cộng 32 sư đoàn bộ binh, cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2.558 pháo…

Đứng trước tình hình đó, Việt Nam nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng biện pháp hòa bình, đồng thời chuyển lực lượng vũ trang sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngày 6/1/1979, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về việc tăng cường chiến đấu ở các tỉnh phía Bắc, nêu rõ: “Phải theo dõi nắm chắc tình hình địch, kịp thời phát hiện âm mưu và hành động tiến công phá hoại của chúng, quyết không để bị bất ngờ, không mắc mưu khiêu khích của chúng… Gấp rút đẩy mạnh công tác sẵn sáng chiến đấu ở các địa phương trên toàn biên giới, bảo đảm sẵn sáng đánh bại địch ngay từ đầu trong bất kỳ tình huống nào”.

Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố: Quân và dân Việt Nam không có cách nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”.

MẶT TRẬN LAI CHÂU

MẶT TRẬN LÀO CAI

MẶT TRẬN HÀ GIANG

MẶT TRẬN CAO BẰNG

MẶT TRẬN LẠNG SƠN

MẶT TRẬN
QUẢNG NINH

Trải qua hơn 10 ngày chiến đấu, ta đã bẻ gãy nhiều mũi tiến công, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu theo kế hoạch ban đầu, buộc Trung Quốc phải huy động lực lượng dự bị chiến lược vào hỗ trợ, cứu nguy cho lực lượng bị ta bao vây, cô lập ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai.

Tuy nhiên do ưu thế quân đông, nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật, Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa ta trên một số hướng như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai và lần lượt chiếm các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Cam Đường, Lạng Sơn, thị trấn Phong Thổ và một số địa bàn biên giới phía Bắc sau khi ta chủ động chuyển lực lượng về tuyến sau.

Diệt 12 nghìn tên địch

Ngày 4/3, Ban chấp hành Trung ương ra lời kêu gọi quân và dân cả nước, khẳng định quyết tâm “giữ vững biên cương của Tổ quốc”. Ngày 5/3, Chủ tịch nước công bố Lệnh tổng động viên trong cả nước “để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc”.

Về tình thế khi ấy, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nhìn nhận:

Trong kháng chiến chống Mỹ có những lúc chúng ta bị đẩy vào tình trạng vô cùng nguy khốn… Dù tình thế như vậy, nhưng quân giặc vẫn ở trên trời, chúng ta vẫn có lực lượng trên mặt đất, trên bầu trời, trong lòng dân. Khi vẫn còn dân, vẫn còn đất, còn trời, chúng ta vẫn có những điểm tựa hết sức căn bản để tổ chức cuộc chiến….

Còn cuộc chiến năm 1979, khi phía Trung Quốc thi hành chiến dịch biển người, tấn công chúng ta trên toàn tuyến biên giới, nếu chúng tiến sâu xuống nữa sẽ có điều kiện để thực hiện được mưu đồ như trước đây quân Minh đã từng làm “Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa sạch tanh nhơ/ Chặt hết trúc Nam Sơn không đủ ghi tội ác”. Tính chất của sự nguy cấp còn cao hơn rất nhiều so với những thời điểm ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ. Nên Đảng và Nhà nước đã phải ra lệnh tổng động viên.

Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng.

Từ ngày 6/3, phía Trung Quốc vừa rút quân vừa đánh phá, gây nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào ta ở một số vùng giáp biên giới. Đến ngày 18/3, về cơ bản Trung Quốc đã rút quân khỏi nước ta.

A. Sáng 17/2, hai sư đoàn thuộc Quân đoàn 11 của Trung Quốc cùng xe tăng, vũ khí hỗ trợ chia làm ba mũi tiến vào Lai Châu. Mục tiêu chính là thị trấn Phong Thổ.

Trên mặt trận Lai Châu, phí Trung Quốc sử dụng Sư đoàn bộ binh 31, Quân đoàn 11 và Sư đoàn bộ binh 33 địạ phương quân Vân Nam, tổ chức thành 2 mũi tiến công. Mũi chủ công đảm nhiệm tiến công Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm vào ngã ba Phong Thổ. Mũi thứ hai tiến công từ Huổi Luông, Pa Tần (Sìn Hồ). Ngoài ra địch còn sử dụng một lực lượng đánh chiếm khu vực bắc Dào San và Mù San (Phong Thổ).

Đương đầu với đạo quân xâm lược hùng hậu của Trung Quốc, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 điều động lực lượng của Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316) và Trung đoàn 46 (Sư đoàn 326) tăng cường cho khu vực phòng thủ Pa Tần. Tại đây chiến sự diễn ra ác liệt, hai bên giành giật từng điểm chốt như ở cao điểm 805, 551 hay 553 bắc Pa Tần. Sau nhiều đợt tiến công liên tục, ngày 3/3, quân Trung Quốc chiếm được Thị trấn Phong Thổ, Pa Tần và đến 5/3 chiếm được Dào San. Đến 18/3 trên mặt trận Lai Châu địch rút về bên kia biên giới.

B. Ông Nguyễn Văn Lộc, cựu chiến binh, từng chiến đấu mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979

Cuối năm 1978, tình hình biên giới có nhiều biến động. Bộ quốc phòng Việt Nam điều Sư đoàn 326 thuộc quân khu 3 lên Quân khu 2 sẵn sàng chiến đấu. Ông Lộc thuộc quân số của Trung đoàn 326.

“40 năm trôi qua nhưng ký ức về giây phút chứng kiến đồng đội ngã xuống dưới làn đạn pháo của địch ở sông Nậm Rốn vẫn ám ảnh tôi đến hôm nay”, ông Lộc nghẹn ngào.

Ông nhớ lại, trung đoàn 46 vừa đặt chân lên Lai Châu là bước vào trận chiến ngay, chưa đủ thời gian, nắm tình hình và trinh sát trận địa. “Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là thi thể chiến sĩ ta nằm ngổn ngang trong giao thông hào. Không khí tang thương bao trùm”, ông Lộc kể.

Ngày 19/2, Sư đoàn 326 lệnh cho Trung đoàn 46 gấp rút hành quân qua Ma Ly Pho, tiến sâu vào lòng địch, nhằm chiếm lĩnh lại các trận địa tại khu vực sát biên giới do địch đang chiếm đóng.

“Tiếng pháo như xé không trung, tôi gào đến khản giọng, kêu: “Tất cả nằm xuống, bám sát địa hình” nhưng không kịp.

Trận mưa pháo như trút, gần 300 người bị thương nặng và tử vong. Máu nhuộm đỏ một khúc sông Nậm Rốm.

Liệt sĩ lê đình chinh

Tôi cùng các chiến sĩ còn lại kiên quyết bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ phản công.

Ngớt trận pháo, một bệnh xá dã chiến thuộc Sư đoàn 326 được thành lập ngay ở đó. “Mùi lửa cháy khét lẹt. Thi thể nằm la liệt, cảnh tượng vô cùng bi thương. Có người không nhận ra hình hài, được chôn cất trong những ngôi mộ tập thể cùng đồng đội. Họ mãi mãi nằm xuống ở lứa tuổi 20…”, ông không khỏi xúc động, khi nhớ về sự tàn khốc của cuộc chiến Biên giới tháng Hai năm 1979.

Ông Lộc vẫn nhớ như in, đồng đội Nguyễn Xuân Trường quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đại đội trưởng đại đội 5, bộ binh, tiểu đoàn 2, trung đoàn 46, sư đoàn 326, Quân khu 2.

“Trận đánh ngày 20/2 và 21/2, đồng chí Trường giữ chốt ở điểm cao 551. Lúc này thời tiết khắc nghiệt, sương mù dày đặc. Một lực lượng lớn quân địch có pháo binh yểm trợ mở nhiều đợt tấn công giáp lá cà nhằm chiếm lại trận địa của quân ta.

Không nao núng trước sức ép của địch, đồng chí Trường chỉ huy lực lượng đánh địch từ nhiều phía, giành giật từng công sự, bẻ gãy 21 đợt tấn công của địch và giữ vững được trận địa”.


Tại trận đánh này, đồng chí Trường bị thương rất nặng ở cánh tay phải, máu túa ra xối xả. Anh xé cánh tay áo, dùng gạc trắng tự băng bó vết thương, tiếp tục chỉ huy đại đội chiến đấu, tiêu diệt được hơn 300 tên địch.

Cánh tay sau đó bị nhiễm trùng, suýt bị cắt bỏ, để lại nhiều di chứng nặng nề.

Hành động quả cảm của anh Trường đã cổ vũ cho tinh thần chiến đấu của toàn Sư đoàn 326.

Ngày 20/12 năm 1979, đồng chí Trường được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

TRẬN ĐÁNH KHỐC LIỆT NƠI ĐỊA ĐẦU TỔ QUỐC

Hoàng Liên Sơn là trọng điểm tiến công chính của quân Trung Quốc trên tuyến biên giới Tây Bắc.

Quân Trung Quốc tiến công quy mô lớn theo hai trục: từ Quang Kim (Bát Xát) đánh xuống Cam Đường, Bến Đền và từ Nà Lốc vào Bản Phiệt (Bảo Thắng) theo quốc lộ 70 đánh xuống Phong Hải, Phố Lu.

Đêm 16/2/1979, lợi dụng trời tối và sương mù, địch cho một lực lượng lớn vượt biên giới, ém sẵn ở các khu vực Na Lốc, Lều Nương (bắc Bản Phiệt), bản Vược Duyên Hải (bờ nam sông Hồng phía tây bắc thị xã Lào Cai), Mường Khương (Hoàng Liên Sơn).

5 giờ sáng ngày 17/2, từ bên Trung Quốc pháo nã dồn dập sang Việt Nam. Ngay sau đó, quân địch tay lăm lăm vũ khí, tràn vào nước ta.

Cựu binh Lương Văn Hợp quê gốc ở Hà Nội, nhập ngũ năm 1978. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được điều về tiểu đoàn 7, huyện đội Văn Bàn, tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ).

Cựu binh Lương Văn Hợp quê gốc ở Hà Nội, nhập ngũ năm 1978. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được điều về tiểu đoàn 7, huyện đội Văn Bàn, tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ).

Ông Hợp kể, thời điểm đó Trung đoàn bộ binh 192, 254 bộ đội Hoàng Liên Sơn, Trung đoàn 16 công an vũ trang, Đồn biên phòng Pha Long, Mường Khương, bộ đội địa phương… đánh trả quyết liệt trên tất cả các hướng.

Nhưng đến trưa 17/2 quân Trung Quốc với ưu thế về hỏa lực đã chiếm các điểm cao ở phía bắc ngã ba Bản Phiệt, toàn bộ cánh đồng Quang Kim… Đến 21/2 quân Trung Quốc kiểm soát được TX Lào Cai.

“Để bảo toàn lực lượng, chờ quân chi viện chúng tôi được lệnh rút vào tuyến phòng ngự”, ông Hợp vẫn ghi nhớ thời khắc lịch sử ấy.

“Vừa rút, vừa đánh, chúng tôi đến khu vực K3 Trại tù (gần thị trấn Phố Lu thì chạm trán quân Trung Quốc. 50 người, mỗi người chỉ có khẩu AK trong khi quân địch lên tới hàng nghìn người.

Hai bên giằng co, địch liên tiếp nã pháo, các loại vũ khí được chúng điên cuồng mang ra sử dụng.

Chúng tôi nhất quyết không buông súng”
. Sau 1 đêm ngoan cường chiến đấu, tiểu đoàn của ông Hợp đành rút lui trước hỏa lực và chiến thuật biển người của địch.

Nhiều đồng đội bị thương, có 1 người hi sinh.

“3 ngày sau, trận địa im ắng, chúng tôi quay lại dọn dẹp. Khuôn mặt anh ấy bị mảnh pháo cối găm, biến dạng. Nhờ chứng minh thư nhân dân mới xác định được danh tính.

Dẫu biết sự sống và cái chết trong thời chiến là ranh giới mong manh nhưng khi chứng kiến người anh em thân thiết hi sinh, tôi không khỏi xót xa. Lời hứa với mẹ của anh ấy, sẽ lấy vợ khi ra quân còn bỏ ngỏ ở tuổi 19…”
, ông nghẹn ngào.

Ngoài Phố Lu (Lào Cai), xã Pha Long (Mường Khương) cũng là địa điểm bị đạn pháo cày xới tan tành.

Xã Pha Long (Mường Khương, Lào Cai) đang độ vào xuân, núi rừng khoác lên mình một màu xanh ngắt. Cách đây 40 năm, mảnh đất này bị quân xâm lược san phẳng.

Bà Tòng Sỉu Dín nhớ lại: “Rạng sáng, gia đình tôi đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc bởi những tiếng nổ vang trời.

tổng chúp

Người dân la hét, bỏ chạy. Vợ chồng tôi vội đưa hai con chạy vào rừng, tìm hang đá ẩn nấp.

Dọc đường, gặp cháu bé 3 tuổi trúng pháo. Người mẹ gào khóc, ôm xác con trong khói lửa. Hàng loạt người dân vô tội lần lượt ngã xuống dưới làn đạn của địch”, bà xúc động kể lại.

“Năm đó tôi 15 tuổi. Mẹ chụp vội hai chiếc chăn dày lên đầu tôi chống đạn, cứ thế kéo đi. Quãng đường từ nhà đến nơi trú ẩn khoảng 10 km, bàn chân tôi tứa máu, nứt toác. Vào hang, mẹ đẩy tôi vào phía trong, ngồi ngoài che chắn.

Khi tạm yên, chúng tôi trở về nhà. Tôi cùng một vài thanh niên được huy động lấy vải dù và tre buộc lại thành võng, khiêng thi thể bộ đội ta hi sinh ra điểm mai táng”
, ông xúc động nói.

Nhắc lại cuộc chiến biên giới 1979, bà Sềnh Mây Dín xã Pha Long, Lào Cai) ngồi lặng đi. Năm đó bà đang mang bầu 7 tháng. Ngày đầu tiên đối phương nổ súng, vợ chồng bà theo đoàn người chạy lên núi.

“Hai vợ chồng tìm được cái hang nhưng vách đá dựng đứng. Tôi bụng to vượt mặt, liều leo lên trước, chồng theo sau yểm trợ. Phía xa, đạn bắn rát tai, đất đá tung tóe, bụi mù trời. Vài hôm sau, chồng đưa tôi về nhà. Trâu bò chết như ngả rạ ngoài nương rẫy, nhà cửa cháy trụi.

Đồn biên phòng trú ẩn tại căn nhà nhỏ của tôi. Ban ngày tôi quyết bám ruộng nương, cày cấy. Đêm các anh đi tuần tra, hễ có động là về báo mọi người sơ tán”
, bà Dín kể.

Trong số đó, có người lính biên phòng có tên Phạm Văn Chen (SN 1956 – quê Thanh Hóa). Ngày 20/2/1979, sau cuộc va chạm với địch, anh Chen bị thương nặng và bị địch mang đi. Hôm sau, địch đưa anh về Pha Long, vứt ở ven đường. Bà Dín, chạy ra đón anh về nhà.

“Cả ngày lẫn đêm, anh Chen đau đớn vì vết thương nhiễm trùng. Anh la hét gọi tên bố mẹ. Tôi và chồng ra nâng đầu anh dậy, tìm đủ mọi cách giúp anh dễ chịu hơn, bón cho anh từng thìa cháo loãng. 7 ngày sau, dân quân về đưa anh đi.

Từ đó, tôi bặt tin về anh. Tôi thường tự hỏi, không hiểu anh Chen thế nào? Nếu khỏe mạnh sao không quay lại đây?

Chiến sự kết thúc, tôi tham gia làm công tác ở địa phương. Khi vào thăm nghĩa trang liệt sĩ của xã, thấy tên anh trên bia mộ, tôi mới biết anh đã mất vào ngày 28/2/1979”
, bà Dín đưa tay quệt nước mắt.

Tháng 7/1979, bà Dín sinh con trai Lùng Phin Khuẩn. Năm nay, Khuẩn đã 40 tuổi, đã trở thành bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Mường Khương.

Năm 2018, anh được Bộ Y tế trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân”.

“Sinh ra trong thời chiến, dù còn nhỏ nhưng tôi luôn cảm nhận được nỗi đau, mất mát mà chiến tranh mang đến. Qua đó trân trọng và gìn giữ những gì đang có ở hiện tại”, anh Khuẩn nói.

tổng chúp

Ông Thào Seo Chanh, phó Bí thư Đảng ủy xã Pha Long (người con của mảnh đất vùng biên này) quả quyết: “40 năm trôi qua, ký ức chiến tranh chưa bao giờ khép lại nhưng thay vì buồn thương quá khứ, những người con của Pha Long đang ngày ngày góp sức mình, xây dựng mảnh đất quê hương. Chiến tranh đã lùi xa”.

MẶT TRẬN HOÀNG LIÊN SƠN - QUÂN KHU 2

(NAY LÀ LÀO CAI VÀ YÊN BÁI)

Trung Quốc huy động 2 quân đoàn, một sư đoàn, một số trung đoàn, 100 xe tăng, xe bọc thép và 450 khẩu pháo chia làm hai cánh. Một cánh đánh vào thị xã Lào Cai và Cam Đường, một đánh vào Mường Khương, Bản Phiệt, Phố Lu.

Do bị quân và dân địa phương kiên quyết chặn đánh, ngày 19/2, quân Trung Quốc mới vào được thị xã Lào Cai, ngày 25/2 chiếm được thị xã Cam Đường. Ngày 5/3, đối phương chiếm mục tiêu Cốc San, Phố Lu và Sa Pa.

Như vậy sau 17 ngày tấn công, đối phương tiến sâu được 40 km nhưng cũng không còn khả năng để tiếp tục tiến công do quân và dân ta chặn đánh.

vị xuyên

A. Hà Giang, nơi rất nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, đặc biệt khi tái chiếm đỉnh cao 1509

Trong nghĩa trang Vị Xuyên có 1600 liệt sỹ, họ chủ yếu hy sinh trong giai đoạn 1984, 1985. Tại mặt trận này, tiếng súng chỉ thật sự yên vào đầu những năm 1990.

Trong cuộc xâm lược hồi 1979, Trung Quốc đã huy động 2 sư đoàn và một số trung đoàn chia làm 3 mũi tiến công vào các khu vực Thanh Thủy, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Kiên quyết đánh trả các đợt tiến công của quân Trung Quốc, sau hơn chục ngày chiến đấu, quân và dân Hà Tuyên đã bẻ gãy các mũi tiến công của đối phương.

vị xuyên

B. Chiến tranh biên giới bắt đầu với tôi kể từ câu nói rất vội của bố với mẹ: “Anh phải lên cơ quan!”

Bố đi, nhoáng cái về. Thay cho cờ – lê, tuốc – nơ – vít của một kĩ sư cơ khí hàng ngày, sau lưng là khẩu súng đầy ự đạn.

Bố bảo mẹ: “Em sửa soạn đưa các con vào núi tránh pháo. Anh phải đi đây”. Chúng tôi chạy thục mạng, nhằm khu núi đá bên Đội 4, chỗ định cư của tướng lĩnh và hậu duệ Vương Chí Sình.

Pháo Trung Quốc nã sang Việt Nam như vãi đạn.

Nhà tôi ở một thung lũng gần Tiểu đoàn 2 của Sư 314. Những chiếc xe quân sự bịt kín hối hả đến, đổ quân xuống. Toàn bộ đội trẻ măng. Doanh trại làm không kịp, bộ đội vào nhà dân ở. Ngôi nhà gỗ 5 gian của gia đình tôi chật kín.

vị xuyên

Bộ đội mắc võng ngủ từ trong nhà, ngoài hiên, thậm chí cả gốc cam. Chẳng có cảm giác chật chội, quân dân như một. Các chú bộ đội trẻ măng vừa đến lại vội vã lên xe…

Vài ngày sau, những chỉ huy đưa quân đi trở về. Chúng tôi hỏi thăm những chú bộ đội mới làm quen, chỉ nghe thấy những câu nói, rất nhỏ: “Chú ấy mất rồi!”...

Lời kể của nhà báo Nguyễn Đức Tuyền

Anh hùng lực lượng vũ trang Lý Trung Phẩm: 4 giờ sáng ngày 18/2/1979, từ hướng Bắc Xa, lực lượng dân binh Trung Quốc đã lấn chiếm điểm cao 889.

Hướng bản Chắt, đối phương dùng pháo cối nã từ bên kia biên giới vào khu vực mốc 54, đồn tiền tiêu của Việt Nam.

Hướng Nà Căng, bản Thín đối phương tiến công đánh chiếm các điểm cao 467, 549 và Nà Khan, Khải Lài (vị trí phòng ngự của Tiểu đoàn 9 Lộc Bình).

Hướng Chi Ma, lực lượng đi đầu đối phương đánh chiếm điểm cao 424, Nà Phát và cho pháo binh bắn chuẩn bị vào khu vực Long Đầu, điểm cao 427…

Trước tình hình đó, Sư đoàn 338 đã lệnh cho Trung đoàn 460 tại hướng bản Chắt nâng lên mức báo động cấp 1, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

Hướng Nà Căng, bản Thín do Trung đoàn 461 chiến đấu bảo vệ điểm cao 476; hướng Chi Ma - Lộc Bình, Tiểu đoàn 9 sau một ngày chiến đấu đã tập kết về bản Chu; hướng Chi Ma, Trung đoàn 123 đang tác chiến.

Các lực lượng khác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn nhanh chóng được triển khai để chỉ huy mặt trận.

Sau 24 ngày chiến đấu kiên cường, Sư đoàn 338 đã chỉ huy các đơn vị tổ chức đánh địch 21 trận liên tục, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá hủy vũ khí, phương tiện, hỏa lực của đối phương, giữ vững mặt trận Đình Lập và một phần huyện Lộc Bình.

Mờ sáng 17/2/1979

Trung Quốc huy động gần 3 quân đoàn, 6 trung đoàn, 225 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 pháo cơ giới… chia làm hai cánh, một tiến công vào Thông Nông, Hà Quảng và một tiến công vào Phục Hòa, Đông Khê. Mục tiêu chủ yếu là đánh vào thị xã Cao Bằng, tiêu diệt Sư đoàn 346 của ta.

Dựa vào thế quân đông, ngày 24/2, quân Trung Quốc chiếm thị xã Cao Bằng và mở rộng đánh chiếm một số vùng xung quanh. Tuy nhiên không thực hiện được ý định bao vây tiêu diệt Sư đoàn 346.

tổng chúp

Cũng trong sáng 17/2/1979, các công nhân trại lợn Đức Chính (xã Hưng Đạo, Cao Bằng) được lệnh di tản.

“Tại Tổng Chúp có khoảng 10 căn hầm, mỗi hầm cách nhau khoảng 20m. Khi ấy nhóm hơn 40 người muốn ở cạnh nhau nên chọn các căn hầm nằm sát nhau để sinh hoạt. Vì hầm quá chật, không đủ sức chứa, tôi cùng một số người khác đành sang các hầm còn lại để ẩn nấp và theo dõi tình hình tiến quân của quân địch”, bà Đỗ Thị Hà (66 tuổi), công nhân ở trại chăn nuôi lợn Đức Chính (xã Hưng Đạo) nhớ lại.

tổng chúp

tổng chúp

Bà Hà kể, “Khi ấy khoảng 6g chiều, trời nhá nhem, tôi ở trong hầm bên này nghe thấy tiếng quân Trung Quốc hét lớn, chửi bới vọng lên từ các căn hầm có đông người đang ẩn nấp. Sau đó, tiếng trẻ em khóc thét, tiếng van xin thảm thiết. Tôi chạy lên khỏi hầm thì thấy nhóm hơn 40 người bị giải đi”.

Trúng lựu đạn, bà Hà bị thương ở mặt và bụng và được buộc vào tấm ván rồi cáng lên khỏi hầm. Không ai nghĩ là người phụ nữ tuổi 25 sẽ sống sót sau loạt lựu đạn ấy.

“Mất quá nhiều máu, mê man nên khi bị tra hỏi, tôi không thể nói được gì và bị chúng bỏ lại ở bãi đất trống. Sau này, tôi mới biết rằng, buổi tối định mệnh ấy đã cướp đi sinh mạng của 43 người, trong đó có những đứa trẻ miệng vương hơi sữa còn nằm trên tay mẹ…”, bà nói. Mỗi khi nhìn thấy những bạn trẻ tuổi mười chín đôi mươi, tủi thân, bà lại ngồi khóc.

tổng chúp

Lạng Sơn, mùa hoa đào, tháng 2/1979. 4 giờ sáng cả bản Chắt bị dựng dậy bởi loạt đạn pháo bắn xối xả từ phía bản Tát bên kia biên giới.

Mục tiêu bị cày phá đầu tiên là khu Đồi 54 (xã Bính Xá, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn), nơi có cột mốc phân chia biên giới Việt-Trung.

Cậu bé hơn một tuổi Nông Văn Sả đang ngon giấc trong vòng tay cha mẹ giật, khóc xé màn đêm. "Hoảng loạn. Vợ chồng tôi buộc vội con lên lưng. Chỉ kịp giắt theo chiếc nồi nhỏ. Nghe tiếng đạn bắn ngay sau lưng tôi hoảng lắm.”, người phụ nữ dân tộc Tày Hoàng Thị Cung vẫn nhớ như in về ngày 17/2/1979.

tổng chúp

Ở Lạng Sơn, phía Trung Quốc đã huy động Quân đoàn 43, 55, được sự yểm trợ của 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới. Họ chia làm nhiều mũi tấn công bất ngờ vào Bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và thị trấn Đồng Đăng.

Sau 10 ngày, không đạt mục tiêu như đề ra, phía Trung Quốc huy động thêm quân đoàn dự bị 54, ngày 4/3, quân xâm lược sử dụng bộ binh có xe tăng hỗ trợ tràn vào Lạng Sơn.

Các đơn vị chủ lực Quân khu 1 và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam tại mặt trận này đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, giữ vững địa bàn.

tổng chúp

ĐẠI TÁ TRIỆU QUANG ĐIỆN

Trưởng phòng truy nã tội phạm, công an tỉnh Lạng Sơn, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân nhớ lại, “không bắn giỏi vẫn trúng lính Trung Quốc” để mô tả chiến dịch "biển người" của quân xâm lược.

Ông Điện kể, trong vòng một tiếng đầu, tiểu đội của ông đã hy sinh gần hết. Hai người cùng tổ là Vi Văn Cao và Trần Văn Thái bị trúng pháo hy sinh ngay trước mắt ông. Biển người và xe tăng, đạn pháo của Trung Quốc đã vùi dập Đồng Đăng và sau đó tràn vào thành phố Lạng Sơn.

Trong trận chiến Đồng Đăng, ông đã cùng đồng đội chống trả quyết liệt. Sau đó lùi dần về hang Đền Mẫu (cách pháo đài Đồng Đăng chừng 500m) để bảo vệ mấy trăm người dân đang trú ẩn…

tổng chúp

NHÂN CHỨNG VÀ NẤM MỒ 400 NGƯỜI

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Hoàng Văn Liên là một trong hai người sống sót tại pháo đài Đồng Đăng, chứng tích về sự dã man của quân xâm lược. Pháo đài Đồng Đăng là nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường và bộ đội Việt Nam.

Sáng sớm 17/2/1979, sau phiên tuần như thường lệ, ông thấy pháo từ phía Trung Quốc bắn sáng rực bầu trời, người dân cuống quýt tìm nơi trú ẩn. Ông cùng đồng đội chống trả và bảo vệ người dân, nhưng sau đó đơn vị của ông hy sinh gần hết, ông cùng 3 người nữa rút lên pháo đài Đồng Đăng, nơi có một đại đội biên phòng Việt Nam đang chiến đấu, và gần 300 người dân đang trú ẩn.

Nhóm của ông cùng lực lượng biên phòng chiến đấu quyết liệt. Sau ba ngày, bộ đội tại các lực lượng đã hy sinh gần hết. Những người còn lại rút vào cố thủ trong pháo đài và bắn qua lỗ châu mai. Pháo đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc chiếm giữ.

Đến ngày thứ 4, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Ông và một đồng đội khác lợi dụng đêm tối đã lên khỏi hang rút đi, trở thành 2 nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng.

A. Trung Quốc huy động 2 sư đoàn bộ binh, chia làm hai mũi, một tiến công Thán Phán (huyện Móng Cái), một vào Cao Ba Lanh (huyện Bình Liêu); đồng thời dùng pháo bắn dẽ dội vào thị xã Móng Cái và một số khu vực.

tổng chúp

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/1979 Trung Quốc có nhiều đợt tiến công vào các địa bàn, điểm cao giáp biên giới. Quân dân Quảng Ninh ngoan cường đáp trả.

tổng chúp

B. Bức ảnh tập thể cán bộ chiến sĩ đồn chụp vào tháng 12/1978, hơn một tháng trước ngày nổ ra cuộc chiến tranh Biên giới. Với nhiều người, đây là bức ảnh cuối cùng.

Họ đã không thể trở về, trên tấm bia tại nghĩa trang Pò Hèn ghi tên 86 liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ, công nhân nông trường thì có 45 dòng tên cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng hy sinh ngày đầu tiên diễn ra chiến tranh biên giới.

Hôm đó, Trung Quốc đã dùng hỏa lực mạnh, lực lượng đông tấn công đồn, cướp đi cuộc sống, tuổi thanh xuân của gần hết quân số đồn biên phòng Pò Hèn.

Ngay những ngày đầu tràn sang, quân Trung Quốc đã cướp đi tuổi thanh xuân, tình yêu đẹp của chiến sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm (sinh năm 1954, quê Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh), cùng người yêu là chiến sĩ Bùi Văn Lượng (sinh năm 1953, quê quán Yên Hưng, Quảng Ninh)

Chị Hồng Chiêm đã tình nguyện ở lại Đồn Pò Hèn sát cánh cùng người yêu cản mũi tấn công của quân xâm lược.

Bên đài tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn, Thượng tá Bùi Văn Điểm, Chỉ huy Đồn Biên phòng nhắc nhở: “Nơi đây, đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Nghĩa trang liệt sĩ sẽ là điểm giáo dục lịch sử, truyền thống cho nhiều thế hệ”.

Mặc dù tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế, từ sau ngày 18/3, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số cao điểm thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu từ 200 – 500 mét, thường xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình luôn căng thẳng, kéo dài đến năm 1989.

Trung Quốc đã duy trì nhiều đơn vị quân đội, gây xung đột, lấn chiếm biên giới. Từ tháng 4/1984 – 5/1989, Trung Quốc đưa hơn 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Mặt trận Vị Xuyên – Hà Tuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới.

Đến giữa 1984, quân Trung Quốc lần lượt chiếm đóng trái phép nhiều cao điểm của Việt Nam thuộc tỉnh Hà Giang. Ngày 12/7/1984, trận mở màn chiến dịch giành lại cao điểm 772 diễn ra ác liệt. Quân Trung Quốc được hỏa lực mạnh yểm trợ, lại chiếm được các điểm cao có lợi đã gây ra cho ta nhiều thiệt hại, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ hi sinh.

Từ tháng 7/1984 về sau, Vị Xuyên tiếp tục là mặt trận ác liệt, hai bên giành giật nhau từng vị trí trên các điểm cao. Đỉnh điểm diễn ra vào đầu năm 1985, có ngày quân Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng chiều rộng 5 km, chiều sâu 3 km.

Thương vong của hai phía trong các cuộc xung đột kéo dài 10 năm ở mặt trận Vị Xuyên rất lớn. Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 – 1989, hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt.

Thế trận tại mặt trận Vị Xuyên luôn ở thế giằng co, đan xen cài răng lược giữa ta và địch.

Anh Tạ Quang Vinh, cựu binh tiểu đoàn 10, trung đoàn 150, cùng đơn vị mình đã có mặt ở Hà Giang trong quãng thời gian xung đột cao điểm. Anh kể lại, sư đoàn 356 được điều động đến Vị Xuyên vào ngày 9/7/1984. Ba ngày sau, đêm 12/7/1984, Bộ tư lệnh Quân khu 2 mở chiến dịch tấn công chiếm lại các điểm cao 685, 1509, 772, 1030 đã bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Để giành lại từng tấc đất quê hương, Quân đội Việt Nam đã anh dũng chiến đấu. Sau này, điểm cao 685 được gọi là “lò vôi thế kỷ” hay “đồi thịt băm” nơi đã ghi lại hình ảnh bi hùng của hơn 600 chiến sĩ anh dũng hy sinh rạng sáng ngày 12/7

Sau khi sư đoàn 356 giải thể, hàng năm, vào ngày này những đoàn xe từ nam ra bắc, từ Hà Nội vẫn đều đặn chở những người cựu chiến binh, những nhân chứng sống của lịch sử về thăm lại chiến trường Vị Xuyên, thắp hương cho các đồng đội đã nằm lại chiến trường này.

Là người đã trực tiếp chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên, tướng Lê Mã Lương day dứt:

Hàng ngày, pháo binh Trung Quốc dội đạn xối xả về phía ta. Tôi đã có mặt tại nhiều cuộc chiến và cũng đã tìm đọc rất nhiều thông tin về lịch sử chiến tranh vậy mà tôi chưa từng tìm thấy thông tin nào về những trận pháo giật cả ngày ròng rã, dã man như vậy…

Tôi không bao giờ có thể quên những trận đánh ác liệt, bộ đội chúng ta chốt trong các hang đá. Những trận pháo kích dã man từ phía Bắc đã kéo sập hang vùi lấp nhiều đồng đội của tôi trong đó. Đến giờ các đồng chí ấy vẫn còn nằm đâu đó ở trên các sườn núi cao, vách đá tai mèo…

Tại nghĩa trang Vị Xuyên vẫn còn đến 2/3 liệt sĩ vô danh. Điều đó khiến tôi ngậm ngùi day dứt với đồng đội tôi, những người đã anh dũng chiến đấu chống quân bành trướng Trung Quốc.

Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử.

Nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình

Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ. Sẽ không thể không nhắc đến ngày 17.2.1979, ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra, ngày mà hàng ngàn con em chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nhắc để dân ta nhớ, biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh để bảo vệ biên cương tổ quốc, như chúng ta đã và sẽ vẫn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không những dân ta cần hiểu, mà nhân dân Trung Quốc cũng như nhân dân các nước cũng phải hiểu đúng: đâu là sự thật, đâu là lẽ phải và coi đó là bài học. Không thể quên lãng nó.

Nhiều người dân Trung Quốc đã hiểu sai cơ bản về cuộc chiến tranh biên giới đó. Nhưng tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đó là sự thật không thể chối cãi. Có thể nào nghĩ rằng Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng trước vô vàn khó khăn lại có thể khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh cứu nước vừa qua? Thực tế là quân dân Việt Nam khi đó đã phải chống lại một cuộc chiến tranh biên giới to lớn để bảo vệ biên cương tổ quốc.

Theo tôi, không chỉ đưa vào sách giáo khoa những sự thật lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa mà ngay cả cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cũng cần được nhắc đến đầy đủ. Con em chúng ta cần biết và có quyền biết lịch sử, biết những gì mà ông cha đã làm, để tự hào và tiếp nối truyền thống . Tôi muốn nhấn mạnh rằng: ta tôn trọng lịch sử, sòng phẳng với lịch sử không có nghĩa là chúng ta kích động hận thù. Chúng ta biết sự thật, để hiểu đâu là lẽ phải và để rút ra bài học cho các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh phức tạp ngày nay.

Tôi ủng hộ con đường ngoại giao khôn ngoan, mềm mỏng, tôn trọng các nguyên tắc quốc tế. Kinh nghiệm trong đấu tranh, né tránh hay im lặng đều không có lợi, vì như vậy chúng ta không làm rõ được sự thật, phải trái, đúng sai, có khi còn khuyến khích đối phương, khiến họ cho rằng ta yếu thế và ngày càng lấn tới. Tuy nhiên không bình tĩnh cân nhắc trong ứng xử cũng sẽ khiến cho tình hình thêm phức tạp, không có lợi cho sự nghiệp. Vậy bài học rút ra từ quá khứ mất mát của chúng ta là gì đây? Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu. Xưa đến nay, ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và cần những bạn bè tốt để hợp tác nên Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – một nước lớn đang có những bước phát triển thần kỳ.

Nhưng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương mọi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau. Trong đấu tranh, chúng ta đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược.

Tôi tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, tin vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân và tin ở sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới. Ta cần hành động theo tinh thần đó. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng sẽ khó để bảo vệ chủ quyền nếu đất nước không có nội lực, không có nền tảng vững chắc về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta cần phấn đấu.

Tôi cho rằng tất cả các sự kiện lịch sử nên được nhìn nhận và ứng xử bằng cách nhìn khoa học và với thái độ phù hợp với văn hóa dân tộc. Che giấu lịch sử là một cách làm phi khoa học. Đã là một thực thể lịch sử thì không truyền lại cho đời sau bằng cách này thì sẽ bằng cách khác

giáo sư vũ Minh Giang

Chúng ta ca ngợi những người anh hùng dân tộc chống ngoại xâm như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung… nhưng những người đã chiến đấu anh dũng và hy sinh ở trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 thì chúng ta không nhắc tới là không công bằng. Chúng ta không có quyền bước qua công lao, sự hy sinh của những liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên giới 1979.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng không vì thế mà xuyên tạc, kích động hay khoét rộng cái hố sâu ngăn cách đó ra. Xuyên tạc lịch sử, cường điệu nó lên để gây hiềm khích hận thù cũng là phi khoa học và quan trọng hơn là không đúng với văn hóa Việt Nam. Tôi cho rằng, nếu như cuộc chiến tranh biên giới 1979 giống như một cái hố ngăn cách thì tuyệt đối không được lấp cái hố ấy đi nhưng cũng không được khoét rộng nó ra.

Chúng ta hãy giữ cái hố như nó vốn có và bắc một cái cầu đi qua cái hố ấy. Mỗi lần qua cầu, chúng ta luôn nhìn thấy cái hố ấy để nhắc nhở thế hệ mai sau của cả 2 nước không bao giờ tạo ra những cái hố khác.

Biên giới Việt - Trung nằm trên dải đất của 6 tỉnh từ Quảng Ninh cho tới Lai Châu (bây giờ là Điện Biên). Tôi không bao giờ có thể quên những năm tháng chiến đấu ở Vị Xuyên (Hà Giang). Tôi và đồng đội đánh hàng trăm trận với các loại hình chiến thuật, chiến dịch khác nhau, đã chứng kiến pháo binh của quân xâm lược bắn về phía ta. Hàng ngày, pháo binh Trung Quốc dội đạn xối xả về phía ta.

tướng Lê Mã Lương

Tôi không bao giờ có thể quên những trận đánh ác liệt, bộ đội chúng ta chốt trong các hang đá. Những trận pháo kích dã man từ phía Bắc đã kéo sập hang vùi lấp nhiều đồng đội của tôi trong đó. Đến giờ các đồng chí ấy vẫn còn nằm đâu đó ở trên các sườn núi cao, vách đá tai mèo, chúng ta chưa có điều kiện để đưa họ về các nghĩa trang.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điều đáng phải suy ngẫm. Giữa hai nước có những giai đoạn mặn nồng. Chúng ta không quên Trung Quốc cũng đã viện trợ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chúng ta không quên nhân dân Trung Quốc đã xả thân và chia sẻ với Việt Nam những lúc chúng ta thiếu thốn bởi chiến tranh liên miên.

Tuy nhiên, lịch sử giữa hai nước cũng từng kể về những cuộc xâm lược những xung đột giữa hai nước láng giềng. Hồi năm 1979, "lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương". Đã có hàng chục ngàn người lính và nhiều thường dân đã ngã xuống dưới làn đạn của quân xâm lược trong suốt giai đoạn 1979-1988. Đây là một phần của lịch sử, của sự thật không ai được phép lãng quên, được phép che mờ.

Với chúng ta, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc hồi năm 1979 là cuộc chiến tranh chính nghĩa vì chúng ta chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc.

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, đã là một phần của lịch sử. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đã mở sang một trang mới. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép lãng quên sự thật. Sự thật ở đây là dân tộc chúng ta rất anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc không sợ hãi, mặc dù đối phương đã bất ngờ tấn công và họ mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Chúng ta đã chiến đấu và giành thắng lợi cho dù có những tổn thất rất lớn.

Cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc ấy phải đặt nó như các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bởi vì máu của người Việt Nam là máu của những người dân bình thường, là máu của những người thanh niên tham gia quân đội chiến đấu bảo vệ biên ải của tổ quốc. Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ tổ quốc như hồi năm 1979-1988. Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình suốt dọc biên giới phía Bắc hồi năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này.

Năm 1978, trở về từ Liên Xô sau khóa học về đạo diễn, ông Trần Văn Thủy được giao làm phim về cuộc chiến tranh biên giới. Bộ phim có tên Phản Bội, được giải Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1986. Ông chia sẻ: Từ khoảng tháng 3/1978, đã bắt đầu có những dấu hiệu bất đồng. Linh tính mách bảo tôi: chiến tranh sẽ xảy ra, thời điểm đó có những vấn đề khác nổi lên như “nạn kiều”, Bắc Luân.. Tất cả các nhà làm phim tài liệu trong Nam ngoài Bắc đều được đưa lên vùng biên giới.

Đạo diễn Trần Văn Thủy

Tình hình xấu đi rất nhanh và cuộc chiến đã xảy ra. Tôi được phân công làm bộ phim tài liệu rất dài, gần 3 tiếng, dài nhất trong lịch sử phim tài liệu Việt Nam, sau này được đặt tên là Phản Bội.

Nỗi mất mát đau đớn của đồng bào 6 tỉnh phía bắc… Với số đông người Việt Nam, họ sững sờ và kinh hoàng không thể tưởng tượng được. Từ Lào Cai sang Cao Bằng, Lạng Sơn… chúng tôi đã chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện vô cùng đau đớn. Luận bàn về cuộc chiến này cần nhiều giấy mực, thời gian và cả sự ngay thẳng.

Tính từ thời điểm đó đến nay đã mấy chục năm, nhưng vết đau ấy vẫn không thể xóa. Nếu ngày hôm nay, vì bất cứ lý do gì, mà ta lãng quên đi những con người đã ngã xuống trong một cuộc chiến cực kỳ vô lý và tàn bạo ấy, sẽ là một tội lỗi vô cùng lớn. Tôi đã nói điều này trong cuốn Chuyện nghề của Thủy.

Bộ phim Phản bội khi đó được đón nhận hào hứng. Vào thời điểm đó, nó phù hợp với thái độ của người dân Việt Nam về chuyện chủ quyền đất nước, và sự phẫn nộ với cuộc chiến tàn bạo. Người xem bất ngờ và đồng tình về sự hấp dẫn, độ chính xác về lịch sử và những vấn đề đặt ra. Có thể nói trong tất cả những bộ phim của tôi chưa từng làm có sự đồng thuận của tất cả mọi người, mọi cấp như thế. Bộ phim đã được chiếu rất nhiều lần, ở nhiều nơi, được nhận giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1980.

Chiến tranh đến với tôi khi thấy bố ra đi, ba lô đeo trên vai thay vì cờ lê, mỏ lết của một anh kỹ sư cơ khí là súng đạn. Nhà của tôi cũng trở thành nơi ở của bộ đội. Bộ đội đến, mắc võng ngủ từ trong nhà, ngoài hiên, thậm chí cả gốc cam. Đôi ba ngày xe bịt bạt lại đến. Các chú bộ đội trẻ măng vừa đến lại vội vã lên xe…Vài ngày sau, những chỉ huy đưa quân đi trở về. Chúng tôi hỏi thăm những chú bộ đội mới làm quen, chỉ nghe thấy những câu nói, rất nhỏ: “Chú ấy mất rồi!”.

nhà báo Nguyễn Đức tuyền

Cuộc chiến đã lùi xa. Tuổi đời của thế hệ chúng tôi bây giờ cũng nhấp nhỉnh thế hệ bố tôi thời đó, những chứng nhân của cuộc Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979. 40 năm đã lùi xa, những đỉnh núi ngày xưa là nơi pháo nã, đạn rơi…, bây giờ màu xanh của cây cối đã phủ kín. Vết thương, theo thời gian đã lành.

Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên thường xuyên được tôn tạo khang trang. Chúng tôi sẽ tiếp tục kể cho các con về sự ngoan cường của cha ông, anh dũng chống trả quân bành trướng, bảo vệ biên cương bờ cõi chủ quyền quốc gia. Chúng tôi cũng khuyến khích con, cháu việc lấy màu xanh của sự sống để phủ những vết bom cày, đạn xé trên các triền núi, nơi máu đồng bào chúng ta đã đổ xuống bởi cuộc bành trướng phi nghĩa 40 năm trước.

Nông Văn Sả, cậu bé 40 năm trước khóc xé màn đêm khi tiếng đạn pháo dồn dập nã sang bản làng từ bên kia biên giới. Mờ sáng hôm đó, mẹ đã buộc vội Sả sau lưng, chạy xuống vùng hậu chiến cách nhà 100km

Nông Văn Sả

Giờ Sả đã có vợ, chị Hoàng Thị Vân hiện là bí thư chị bộ bản Chắt. Anh Sả chia sẻ, dù vẫn còn khó khăn nhưng bản làng bản đã thay da đổi thịt. Gia đình anh được Nông lâm trường 461 (thuộc Đoàn KT-QP 338 - chính là Sư đoàn 338 làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới mặt trận Đình Lập - Lạng Sơn ngày trước) phổ biến kiến thức cho dân bản, cung cấp giống cây thông trồng lấy nhựa. Mỗi ha thông trưởng thành, mỗi năm cũng mang lại cho các hộ dân hàng chục triệu đồng. Cây thông trở thành cây thoát nghèo cho không chỉ Bính Xá mà còn nhiều xã vùng biên của Đình Lập.

Ngoài trồng rừng, trồng thông, gia đình anh Sả tăng gia chăn nuôi, một đôi bò vừa lấy sức kéo, vừa sinh sản nhân giống. Hai vợ chồng chắt chiu mua một chiếc xe tải để chở vật liệu, hàng hóa thuê cho bà con... Chiến tranh đã lùi xa. Rừng phòng hộ vành đai biên giới được phủ kín, đâu đâu cũng thấy một màu xanh của sự sống.

Sinh ra trong những ngày Trung Quốc tràn sang biên giới Việt Nam, anh Nông Văn Chiến (bản Khau Lỷ, xã Đức Long, Hòa An, Cao Bằng) đang sống những ngày êm đềm bên mẹ, vợ và hai đứa con kháu khỉnh

Nông Văn Chiến

Ngày 16/2/1979 anh Chiến chào đời ở Khau Lỷ - nơi được mệnh danh là bãi xe tăng của quân Trung Quốc. Một ngày sau đó, mẹ anh là bà Hoàng Thị Thỏ ôm anh chạy hàng chục km đến nơi an toàn tại đèo Tài Hồ Sìn.

Lúc ấy, cha mẹ còn chưa kịp đặt tên cho chú bé Nông Văn Chiến. Họ chỉ kịp quấn đứa con còn đỏ hỏn vào tấm khăn vải rồi vượt suối, băng rừng chạy tìm nơi trú ẩn. Cái tên Nông Văn Chiến được chọn để ghi nhớ về thời khắc khốc liệt, tàn nhẫn của chiến tranh.

Dù bom đạn như mưa bủa vây xung quanh. Trong đầu cha mẹ Nông Văn Chiến chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải sống và nuôi con trưởng thành. Họ không còn thời gian để nhận ra đôi chân tứa máu vì bị đá cứa và bụng không một hạt cơm. Bước sang tuổi 40, người đàn ông dân tộc Nùng không phụ lòng cha mẹ, rắn rỏi, trưởng thành và trở thành trụ cột của một mái ấm nhỏ.

Hoàn thiện thông tin gửi bình luận

HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN