Khi ngã xuống Lê Đình Chinh vừa tròn 18 tuổi. Anh là chiến sĩ đầu tiên hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc. Ngày 30/8/1978, anh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã lập nhiều thành tích trong chiến đấu "chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía Bắc”.

{keywords}
Bà Chu khóc ngất khi đón hài cốt con trai trở về

Trong vòng vây của lũ côn đồ lăm le mã tấu, dao quắm, gậy gộc, cùng sự tiếp sức của lính Trung Quốc mặc thường phục, anh tả xung hữu đột và bị một hòn đá to ném trúng đầu, vết thương rất nặng, anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch. Anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. 10h30 ngày 25/8/1978 Lê Đình Chinh hy sinh nơi địa đầu Tổ quốc thân yêu.

Trở về với mẹ

Khi ngã xuống Lê Đình Chinh vừa tròn 18 tuổi. Anh là chiến sĩ đầu tiên hy sinh trên mặt trận biên giới phía Bắc. Ngày 30/8/1978 anh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì “đã lập được nhiều thành tích trong cuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống bọn xâm lược mới ở biên giới phía Bắc”.

Sau 35 năm nằm lại nơi địa đầu của Tổ quốc, ngày 6/01/2013, hài cốt Lê Đình Chinh đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa theo tâm nguyện của mẹ anh, cụ  Khương Thị Chu.

Hôm ấy trời lạnh buốt. Hài cốt anh được các cựu binh của Trung đoàn 12 (Đoàn Thanh Xuyên), tỉnh đội Thanh Hóa và người thân đưa vào nghĩa trang trong bản nhạc trầm hùng “Hồn tử sĩ”.

Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Trung đoàn 12 (hiện là Trưởng Ban Liên lạc Đoàn Thanh Xuyên) cất tiếng hát nho nhỏ: 

“Chúng tôi là đồng đội của anh Lê Đình Chinh/ Nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình…”. Tiếng hát to dần, do dần: “… Tuổi thanh xuân anh đẹp sao/ Vì tổ quốc hiến dâng dòng máu/ Nguyện theo anh để lập chiến công đầu”. Các cựu binh của Đoàn Thanh Xuyên hát vang ca khúc nổi tiếng một thời của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”.

Nhưng rồi tất cả bổng lặng đi, tiếng hát nhỏ dần rồi im bặt khi cụ Chu, 81 tuổi, ôm lấy chiếc tiểu sành phủ lá cờ tổ quốc khóc nấc lên: “Con ơi, về với mẹ nào”.

35 năm qua cụ đã khóc đến cạn khô cả lệ. “35 năm qua đêm nào mẹ tôi cũng trăn trở, khóc thầm, thương người con trai cả “mãi mãi tuổi mười tám” của mình. Nay anh ấy đã về với mẹ, với các em, các cháu. Mẹ tôi chắc sẽ an lòng phần nào”- anh Lê Đình Lai, em ruột Lê Đình Chinh nói trong nước mắt.

{keywords}

{keywords}
Lễ quy tập hài cốt liệt si Lê Đình Chinh được tổ chức trang trọng

Cả nghĩa trang hôm ấy hầu như không ai cầm được nước mắt.

Tuổi thơ nghèo khó

Có thể nói, tuổi thơ của Lê Đình Chinh trôi đi trong nghèo khó. Anh là con cả trong một gia đình công nhân nông trường có 6 người con.

Bố anh-ông Lê Đình Tùng- 16 tuổi xung phong nhập ngũ và vào Nam chiến đấu. Sau đó ông xuất ngũ và được điều về Nông trường sửa Ba Vì. Tại đây ông đã yêu và cưới cô công nhân Khương Thị Chu, một cô gái Hà Tây quê lụa đẹp người, đẹp nết. Đầu tháng 2 năm 1960 Lê Đình Chinh ra đời.

2 năm sau, khi vừa sinh cô con gái thứ hai, theo tiếng gọi của Đảng đi xây dựng vùng kinh tế mới, ông bà Tùng- Chu xung phong về Nông trường Sông Âm ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, một huyện phía tây bắc của Thanh Hóa, vừa thành lập. 4 đứa con nữa tiếp tục ra đời.

Cuộc sống của người công nhân nông trường vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. “Gia đình chúng tôi rất nghèo, lại đông con, nhưng cha mẹ tôi luôn dạy các con những chuyện đại loại như: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, hoặc: “Đi lấy phần thì nhường cho người phần hơn, nhận về mình phần ít”; “Cho người vay gạo thì đong có ngọn, khi người trả thì lấy ngón tay gạt ngang ống bơ mà nhận”... 6 anh chị em chúng tôi lớn lên trong tinh thần ấy”- anh Lê Đình Lai kể.

Bố mẹ tần tảo lao động nuôi các con. Thời buổi bấy giờ cả nước đều khó khăn. Vì thế dẫu có lao động cật lực “đầu tắt mặt tối” cũng không đủ ăn. Cái đói luôn đeo đẳng gần như suốt cả tuổi thơ của 6 anh em Lê Đình Chinh: “Một thời đói quay quắt thế/ Dạ dày không lúc nào no/ Con thèm ăn no, mặc ấm/ Tưởng như chẳng có bao giờ”- trong cuốn sổ tay của mình (được đồng đội trao lại cho gia đình sau khi Chinh hy sinh) anh đã viết về thời thơ ấu của mình như vậy.

Hôm đưa hài cốt của Lê Đình Chinh về Nghĩa trang Hàm Rồng, gặp thầy Nguyễn Thế Vinh, người từng dạy Chinh ở Trường cấp 2 Nguyệt Ấn. Ông kể lại rằng, nhà Chinh nghèo, nên dù còn rất nhỏ anh vẫn phải vừa đi học, vừa phải chăm các em cho bố mẹ đi làm. Dẫu nghèo là vậy và cái đói, cái rét vẫn không làm Chinh nhụt chí, và thủa ấy anh vẫn học giỏi hơn những bạn bè cùng trang lứa.

Chúng tôi đã có dịp về thăm lại Nông trường Sông Âm (nay là Công ty TNHH MTV Sông Âm), những người cao niên ở khu tập thể của nông trường này kể với chúng tôi rằng, cho đến tận bây giờ khi răn dạy con trẻ người già vẫn nhắc đến Lê Đình Chinh, một cậu bé nhà nghèo, nhưng hiếu thảo và học giỏi, ra làm gương.

Nối gót cha

Năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, mặc dù đang đi học phổ thông, Lê Đình Chinh liền xung phong nhập ngũ.

Hôm ấy, tại Nghĩa trang Hàm Rồng, vừa lau ngôi sao trên bia mộ con, bà Chu vừa kể, thi thoảng lại lau nước mắt, và phải cố gắng lắm chúng tôi mới nghe nổi. “Một trưa đi học về, chỉ kịp cất chiếc cặp lên bàn, hắn nghiêm trang nói: “Con sẽ nhập ngũ bố mẹ ạ”. Tôi nhìn nó: “Con chưa đến 16 tuổi mà?”. Hắn nhìn bố: “Bằng tuổi con, bố cũng nhập ngũ rồi mà”. Thế là cả tôi và ông ấy đành chịu thua”- cụ Chu kể. Đưa bàn tay nhăn nheo, run run lau nước mắt trên khuôn mặt dúm dó của mình, bà bảo, hôm Chinh lên đường ông Tùng đi họp, bà bận đi làm, các em Chinh đều đi học thành ra không có ai tiễn chân anh.

Một tuần sau, Lê Đình Chinh viết thư về cho bố mẹ rằng, anh đang huấn luyện bên huyện Triệu Sơn. “Khi nhận được tin bố mẹ tôi bàn nhau, ngày hôm sau bố tôi xin nghỉ làm, đem theo tôi sang Triệu Sơn thăm, chơi với anh một ngày. Sau đó đơn vị anh tôi được điều vào Đắc Lắc. Lần thứ hai gia đình chúng tôi được gặp lại anh là năm 1977, sau khi anh bị thương ở mặt trận biên giới Tây Nam, được đưa ra Xuân Mai điều trị.  Gia đình chúng tôi đã khăn gói lên bệnh viện thăm anh và xin phép cho anh về chơi một đêm. Sau đợt điều trị đó, anh Chinh được điều động lên biên giới Lạng Sơn làm nhiệm vụ. Đó là lần cuối cùng gia đình chúng tôi gặp anh”- anh Lai kể.

Ngã xuống giữa vòng vây của lũ côn đồ

Năm 1977-1978 quan hệ Việt Nam- Trung Quốc đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Tình hình biên giới Việt- Trung, đặc biệt ở khu vực các cửa khẩu cực kỳ căng thẳng, khi mà từng dòng người Hoa từ Việt Nam kéo về Trung Quốc ngày một tăng lên qua đường biển và cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn).

Theo ông Bế Chu Lang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, từng là Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Lạng giai đoạn 1976-1978, thì “Phía Trung Quốc đã lợi dụng người Hoa kích động hằn thù dân tộc, rêu rao Việt Nam bài xích người Hoa. Để kích động người Hoa bạo loạn, một mặt phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang mặc thường phục trà trộn vào nhóm người này, mặt khác chúng cải trang bộ đội biên phòng Việt Nam đánh trọng thương một vài người Hoa rồi đổ vấy cho phía Việt Nam.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm là rạng sáng ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, dẫn đến việc hàng ngàn người Hoa bị dồn ứ ở Cửa khẩu Hữu Nghị. Họ dựng lều bạt ngay khu vực cấm, sinh hoạt bừa bãi làm náo loạn cả vùng biên giới, gây rất nhiều khó khăn trong việc giữ gìn an ninh trật tự ở vùng biên. Trước tình hình đó, Lãnh đạo và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Lạng (Lạng Sơn và Cao Bằng hiện nay) đã triệu tập họp khẩn cấp và triển khai lực lượng nhằm bảo vệ an toàn cho số người Hoa đang ùn ứ tại cửa khẩu. Rạng sáng ngày 25/8/1978 Đoàn Cán bộ dân vận liên ngành tỉnh Cao Lạng, nòng cốt là tỉnh Hội Phụ nữ, đã xuất phát, hướng về phía đồi Pù Tèo Hào (giáp biên giới Việt- Trung), nơi người Hoa tập trung đông  nhất”.

{keywords}
Người mẹ già thỉnh thoảng lại giở ảnh con thuở nhỏ ra lau

Còn Đại tá Nguyễn Đức Hiệu kể lại: “Để hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho đoàn cán bộ liên ngành, chúng tôi đã chọn ra 25 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Hữu Nghị và 20 cán bộ, chiến sĩ công an vũ trang thuộc Trung đoàn 12 để tăng cường tại Km số 0 đề phòng những sự cố nguy hiểm có thể xảy ra. 

Trong số 20 cán bộ, chiến sĩ của lực lượng bộ độ biên phòng này có thượng sĩ Lê Đình Chinh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang”.

Thắp thêm một nén nhang lên mộ người lính từng là thuộc cấp của mình, người cựu chiến binh già cố lau đi giọt nước mắt đang lăn dài trên má, kể tiếp: “Sau này các đồng chí trong đoàn báo cáo lại rằng, khi đoàn cán bộ liên ngành vừa đặt chân lên đồi Pù Tèo Hào thì bất ngờ bị một toán người Hoa hùng hổ dùng gậy gộc, xà beng, cuốc, dao quắm, gạch đá lao vào hành hung. 

Trước tình huống trên, lực lượng của Đồn biên phòng Hữu Nghị vừa tay không chống đỡ, vừa mở đường cho các cán bộ trong đoàn công tác xuống chân đồi. Lúc này, hàng chục công an, biên phòng Trung Quốc mặc thường phục từ bên kia biên giới kéo sang hỗ trợ đám người Hoa đuổi theo tấn công, ném gạch, đá; dùng gậy gộc, dao quắm bổ tới tấp vào đoàn người mà đa số là phụ nữ”.

Móc trong túi áo choàng ra bao thuộc Vinataba, lập cập rút ra điếu thuốc, ông Hiệu quẹt đến que diêm thứ 5 vẫn không chịu cháy. Một nhà báo đứng cạnh đó rút bật vội chiếc bật lửa của mình. 

Ông Hiện bập bập vài hơi thuốc, khói bay đặc quánh trong hơi lạnh của buối sáng buốt giá, dụi điếu thuốc vừa kéo được vài hơi vào ụ đất, ông quay lại phía chúng tôi, nói nhỏ như chỉ để mình ông nghe thấy: “Một cuộc chiến không cân sức giữa những chiến sĩ biên phòng tay không chống lại kẻ thù hung hãn với gậy gộc, dao quắm diễn ra ác liệt trên sườn đồi Pù Tèo Hào. 

Trước tình thế hiểm nghèo, thượng sĩ Lê Đình Chinh đã cùng đồng đội xông lên giải vây. Trước mặt Lê Đình Chinh và đồng đội là hàng trăm tên côn đồ và công an, bộ đội Trung Quốc mặc thường phục đang ném đá, dùng dao, gậy nhảy xổ vào đâm chém cán bộ và nhân dân ta đang thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe bà con người Hoa.

Lê Đình Chinh vừa cứu những cán bộ bị chúng hành hung, vừa phải đánh, đỡ những đường dao, gậy gộc của chúng. Bọn côn đồ hung hãn vây lấy anh. Chúng ném dao, đá tới tấp vào Chinh. Anh bị một hòn đá to ném trúng đầu, vết thương rất nặng. Mặc dù vậy, anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch. Nhưng anh đã ngã xuống bởi một nhát dao lén của kẻ thù. Lúc đó là 10 giờ 30 ngày 25-8-1978. Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh trên mảnh địa đầu biên giới Tổ quốc thân yêu”.

“Lời tổ quốc thôi thúc lên đường…”

Một lần ghé thăm mẹ Khương Thị Chu ở số 8, đường Trịnh Thị Ngọc Trúc, Thành phố Thanh Hóa, nơi mẹ đang sống với vợ chồng người con trai út của mình, tình cờ chúng tôi được đọc lá thư của Lê Đình Chinh gửi cho người anh họ của mình tên là Thi. Bức thư đề: Hữu Nghị quan, ngày 22/8/1978, tức là chỉ vài ngày trước lúc anh hy sinh. Bức thư có đoạn: “Em xác định rằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ có mất mát, cái đó khó mà tránh khỏi. Nhưng em đã sẵn sàng. Em sẽ là người cầm súng để bảo vệ đất nước khi cần thiết. Chúng ta tin tưởng chính nghĩa sẽ thắng”.

Mắt tôi bỗng cay xè. Tôi đứng dậy đi ra ngoài sân để giấu đi những giọt nước mắt của mình. Giọng hát của các cựu binh Đoàn Thanh Xuyên hôm nào ở nghĩa trang Hàm Rồng lại ùa về:“Trên biên giới xa xôi/ Nơi hải đảo ngàn trùng khơi/ Gìn giữ mỗi tấc đất quê hương/ Lời tổ quốc thôi thúc lên đường”- lời ca khúc “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh”.

Mời quý độc giả nghe trọn vẹn ca khúc này:

(Theo Triệu Bình Thanh/ VietTimes)