- Cho bạn vay tiền nhưng không làm hợp đồng vay mượn, chỉ có người làm chứng, như vậy tôi có thể kiện người bạn này về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được không?

TIN BÀI KHÁC:

Năm 2010 bạn tôi (tên Nam) đến nhà tôi vay tiền của tôi, nhưng lúc đó tôi không có tiền ở nhà nên tôi đã dẫn Nam đến nhà 1 anh làm cùng với tôi để tôi cắm cái thẻ ATM của tôi lấy 7 triệu đồng để tôi cho Nam vay với lãi suất là mỗi một triệu một tháng phải trả lãi 60.000 đồng và tổng lãi suất phải trả một tháng là 420.000 đồng.

Do Nam cùng quê với tôi và Nam nói sẽ trả  tôi ngay sau 2 tháng, nhưng rồi 6 tháng sau tôi gặp lại Nam và Nam lại nói bây giờ Nam chưa có tiền để trả cho tôi, do tôi thấy lãi suất cao như vậy nên hàng tháng sau khi có lương tôi đều phải đến nhà anh bạn làm cùng để trả dần số nợ mà tôi đã cắm thẻ để vay cho Nam. Bây giờ tôi rất khó khăn và muốn lấy lại số tiền mà tôi đã cho Nam vay. Vậy kính mong văn phòng luật tư vấn giúp tôi?

Tôi có thể kiện Nam về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được không? Do tôi tin tưởng Nam nên không làm hợp đồng nhưng có người làm chứng là tôi đã dẫn Nam đến nhà anh bạn làm cùng tôi để vay tiền. Kính mong văn phòng luật tư vấn giúp tôi, tôi xin chân thành cám ơn! (Bạn đọc Phạm Văn Phương ở Hà Nam).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Theo như những gì bạn trình bày chúng tôi xin tư vấn như sau:

Việc bạn hỏi có thể kiện Nam về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không?

Theo quy định tại Điều 140 BLHS thì  người nào có một trong các hành vi sau mới bị coi là phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Theo như bạn trình bày, Nam không bỏ trốn cũng không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đó nên không phù hợp với các hành vi tại điểm (a). Đối với các hành vi tại điểm (b) nếu Nam sử dụng tài sản đó vào “mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” thì Nam mới bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bạn nên xem xét để làm rõ điều này.

Chúng tôi đã rất nhiều lần tư vấn trên báo về các yếu tố cần quan tâm trước khi cho người khác vay mượn tài sản. Bạn cho Nam vay tài sản mà chính bạn phải đi vay mượn người khác là sai lầm của bạn. Trường hợp này bạn cần bình tĩnh suy xét vì ngày cả việc làm đơn tố cáo yêu cầu truy tố Nam trước pháp luật cũng không  giúp gì bạn đòi lại tài sản nếu như Nam mất khả năng thanh toán khoản nợ trên cho bạn.

Điều cần làm là bạn nên gặp Nam thương lượng bàn bác xem Nam có còn khả năng thanh toán hay không, tạo điều kiện cho Nam trả nợ thành nhiều lần hoặc chí ít là trả những phần lãi mà bạn đang phải chịu.

Còn nếu Nam vẫn có tài sản nhưng không chịu trả nợ thì bạn có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án (cần có chứng cứ là lời khai của người bạn chứng kiến Nam vay tiền của bạn). Tuy nhiên, việc kiến tụng này sẽ mất nhiều thời gian và công sức nên theo chúng tôi đây là biện pháp cuối cùng bạn nên áp dụng.

Tư vấn bởi Luật sư Hoàng Tuấn Anh, văn phòng luật Hoàng Kim, SĐT: 0986663459.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).