Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh tuyên bố, ông sẵn sàng từ bỏ quyền lực. Đây sẽ là vị lãnh đạo Ảrập thứ ba có thể bị lật đổ bởi những cuộc biểu tình bắt đầu từ Bắc Phi và giờ đây đang lan rộng sang vùng Vịnh, Syria và Jordan.


Ông Saleh nhấn mạnh, sẽ chỉ trao quyền lực vào “những bàn tay an toàn” và các nguồn tin chính trị Yemen cho hay, những cuộc thương lượng đang diễn ra để bàn thảo chi tiết về một kế hoạch chuyển giao hòa bình.

Trong khi đó, tại Syria, các cuộc biểu tình thách thức sự cầm quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã lan rộng khắp đất nước sau khi lực lượng an ninh bắn chết hàng chục người biểu tình ở phía nam. "Ranh giới sợ hãi đã bị phá vỡ. Đây là bước đi đầu tiên trên con đường lật đổ chế độ hiện tại”, Ibrahim, một luật sư tại thành phố Deraa phía nam Syria cho biết. "Chúng tôi đã tới ngưỡng không thể quay lại”.

Sự ra đi của Saleh sẽ mang lại một thách thức mới với các quốc gia phương Tây đang dính líu vào cuộc an thiệp quân sự tại Libya kéo dài cả tuần qua. Đó là chưa kể quan ngại rằng, sự bất ổn tại Ảrập Xêút, láng giềng của Yemen có thể giúp al Qaeda mở rộng lực lượng tại đây.

"Chúng tôi không muốn quyền lực, nhưng chúng tôi cần chuyển giao quyền lực vào những bàn tay an toàn, không phải là những chán ghét, phẫn uất hay tham nhũng”, ông Saleh nói. Tổng thống Yemen đang chịu áp lực từ chức ngày một lần kể từ khi những tay súng bắn tỉa bắn vào người biểu tình chống chính phủ một tuần trước đây làm 52 người thiệt mạng.


Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh. Ảnh: Reuters

Trật tự mới hình thành

Các nguồn tin chính trị cho hay, cuộc bàn thảo về chuyển giao chính trị đang diễn ra. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao tại Thủ đô Sanaa cho hay, còn quá sớm để nói về một kết quả.

Tại Syria, chính phủ của Tổng thống Assad hôm thứ Năm đã cam kết sẽ mang lại quyền tự do lớn hơn cho người dân nước này. Tuy nhiên, máu vẫn đổ nhiều hơn sau buổi cầu nguyện thứ Sáu với ít nhất 23 người chết. Ở Deraa, hàng chục nghìn người đã xuống đường trong đám tang của một số người thiệt mạng.

Biểu tình cũng dâng cao tại Jordan, một người đã tử nạn hôm qua trong vụ đụng độ giữa người biểu tình kêu gọi cải cách chính trị với những người ủng hộ nền quân chủ thân phương Tây. Thủ tướng Jordan Marouf al-Bakhit đã cảnh báo hậu quả nếu đụng độ tương tự xảy ra.

Phong trào biểu tình trong thế giới Ảrập bắt đầu từ khi một người bán dạo Tunisia Mohamed Bouazizi đã tự thiêu để phản đối chính phủ. Bất mãn châm ngòi cho biểu tình rộng lớn, buộc lãnh đạo Tunisia từ chức. Tiếp đến là Ai Cập cũng chịu chung số phận. Hosni Mubarak đã phải từ chức tổng thống ngày 11/2.

"Toàn bộ hệ thống đang thay đổi”, nhà bình luận Rami Khoury tại Beirut nói. “Mỗi quốc gia đều không ngoại trừ có thể thay đổi”.

Còn Fawaz Gerges thuộc trường Kinh tế London thì cho rằng: “Một trật tự mới đang hình thành”.

Chiến cuộc Libya

Hôm qua, cuộc can thiệp quân sự thứ ba của Phương Tây vào một quốc gia Hồi giáo (sau Afghanistan và Iraq) là Libya vẫn tiếp tục. Máy bay liên quan đã ném bom vào xe tăng, pháo của quân đội Lãnh đạo Libya Gaddafi tại phía đông nước này để cố gắng phá bỏ sự bế tắc trong cuộc chiến và giúp quân nổi dậy nắm giữ thị trấn Ajdabiyah.

Quân nổi dậy đã tiến vào Ajdabiyah từ phía đông, trong khi lực lượng của Gaddafi nắm giữ tây thị trấn. Các nước phương Tây gồm Mỹ, Anh và Pháp bắt đầu ném bom các mục tiêu tại Libya một tuần trước đây với sứ mệnh ghi rõ trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ là bảo vệ dân thường.

Tuy nhiên, trong khi phương Tây thể hiện mong muốn lật đổ nhanh chóng Gaddfi thì nhiều nước quan ngại rằng, sứ mệnh quân sự bị vượt quá giới hạn và gây rủi ro nhiều hơn với tính mạng thường dân.

Liên minh châu Phi tuyên bố có kế hoạch tổ chức các cuộc hội đàm nhằm sớm chấm dứt chiến tranh, nhưng NATO khẳng định hoạt động của liên quan có thể kéo dài trong ba tháng.

  • Thái An (Theo Reuters, AP)