Giới phân tích cho rằng, khó có thể mong chờ một kết thúc nhanh chóng tại Libya. Có một khả năng thực tế rằng, Moammar Gadhafi sẽ ngăn chặn được Mỹ và những đối tác quốc tế, tiếp tục bám giữ quyền lực lâu dài.
Sự nhầm lẫn trong liên minh về
các mục tiêu của họ và ai sẽ dẫn dắt sứ mệnh tại Libya càng làm vấn đề thêm phức
tạp.
Tổng thống Barack Obama thừa nhận khả năng Gadhafi có thể “cứng đầu” giữ ghế, ông nói với báo chí ở El Salvador rằng “trừ khi ông ấy sẵn sàng lùi bước…nếu không khả năng vẫn có những mối đe dọa với người dân Libya”. Ông nhấn mạnh: "Và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực bảo vệ người dân Libya, nhưng chúng tôi sẽ không dẫn đầu”.
Xác máy bay chiến đấu F15 của Mỹ rơi trên ngôi làng Bu
Mariem, phía đông Benghazi Ảnh: AP
Sau tất cả, Gadhafi có một lịch
sử lâu dài duy trì quyền lực. Ông lãnh đạo quốc gia Bắc Phi suốt 42 năm và sống
sót qua cuộc không kích của Mỹ năm1986 nhằm vào căn cứ của ông tại Tripoli.
Cuộc chiến lần này có những mục tiêu giới hạn với sứ mệnh của liên minh bao gồm cả tuyên bố đầy quả quyết của Obama rằng, bản thân Gadhafi không phải là mục tiêu của chiến dịch quân sự. Thực tế ấy có thể khuyến khích Gadhafi ẩn náu ngay trong thủ đô, giữa những người ủng hộ và binh lính, rồi chờ đợi và chiến thắng phương Tây.
"Chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và huy hoàng”, lãnh đạo Libya tuyên bố trên đài phát thanh hôm Chủ nhật.
Trong cuộc chiến đầu tiên mà không phải “thừa hưởng” từ người tiền nhiệm George W. Bush, Obama đã mạnh mẽ khẳng định rằng, thay đổi chế độ không phải là mục tiêu quân sự của ông và rằng Mỹ chỉ là một trong nhiều đối tác quốc tế. Obama vẫn nhắc lại rằng, Gadhafi phải ra đi, nhưng ông không nói điều ấy xảy đến thế nào.
Sự nguy hiểm của nỗ lực quân sự bắt đầu được đề cập tới vào hôm thứ Ba với sự kiện một máy bay chiến đấu Mỹ gặp nạn, cho dù được cho là do vấn đề kỹ thuật. Cũng trong hôm qua, chỉ huy chiến dịch trước liên quân quốc tế nói rằng, dân thường vẫn bị lực lượng của Gadhafi tấn công tại Misrata, thành phố lớn thứ ba của Libya. Đô đốc Hải quân Mỹ Samuel J. Locklear tuyên bố, liên minh “đang cân nhắc mọi chọn lựa” nhưng không đề cập gì thêm. Cuộc không kích và những hành động quân sự khác đã “ngăn chặn” Gadhafi khỏi khu vực phía đông giàu dầu mỏ. Nhưng Gadhafi, người kiểm soát khu vực phía tây bao gồm Thủ đô Tripoli, rõ ràng là không hề có dấu hiệu thất thủ.
Chính sách của Obama – bắt đầu có hiệu lực sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates công khai cảnh báo rằng, ném bom để thiết lập vùng cấm bay về cơ bản là một hành động chiến tranh – đã ngày càng vấp phải sự chỉ trích và lo lắng của các thành viên lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ.
Thậm chí, một số nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa theo xu thế ôn hòa, nói chung thường ủng hộ Obama trong các vấn đề quân sự, cũng quan ngại rằng, Libya – với địa hình tương tự như Iraq nhưng lớn gấp bốn lần – có thể trở thành một vũng lầy quân sự.
Thượng nghị sĩ Richard Lugar, quan chức cấp cao của Cộng hòa trong Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, cảnh báo rằng, nước Mỹ có thể sa vào tình trạng “chiến tranh nối tiếp chiến tranh từ nước này tới nước khác” trong khắp khu vực. Còn Thượng nghị James Webb, cho rằng, Obama và chính quyền của ông “giờ đây có một bổn phận là nói rõ với người dân, quốc hội, nhà nước Mỹ về việc họ tin những gì nên là điểm kết thúc” trong chiến cuộc này.
Giai đoạn bắt đầu đã đủ rối loạn khi liên minh bất đồng về việc ai nên dẫn dắt sứ mệnh quân sự và mục tiêu cuối cùng của nó là thế nào.
Liên đoàn Ảrập, vốn ủng hộ nghị quyết LHQ về áp đặt vùng cấm bay tại Libya, đã thể hiện lo âu bởi khả năng “quá đà” của các cuộc không kích. Và trong khi Obama, người đang công du Nam Mỹ, hôm thứ hai tuyên bố các nước Ảrập “hoàn toàn” là một phần của liên minh, thì duy nhất có Qatar nhỏ bé đề xuất điều máy bay tham gia thực hiện vùng cấm bay. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất thì đề xuất hỗ trợ nhân đạo.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đối tác” trong điều khoản ai sẽ đóng góp những gì, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết. Dĩ nhiên, bàn thảo thì có, nhưng thỏa thuận thì không chắc.
Italy đề xuất NATO dẫn đầu, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ. Ngược lại, Italy có thể ngừng cho phép sử dụng các sân bay của họ nếu NATO không phải là lãnh đạo.
Pháp – quốc gia hăm hở nhất trong liên minh châu Âu khi tấn công vào các mục tiêu Libya – đã đề xuất thành lập một ban chỉ đạo chính trị mới ngoài NATO, có trách nhiệm giám sát các hoạt động quân sự với Libya.
Đức và Nga thì chỉ trích về cách thức thực hiện sứ mệnh của liên quân. "Sự thực là, ngày qua ngày, chúng ta đang đối mặt với thực tế rằng, vùng cấm bay có lẽ là cái tên nhầm lẫn", Anthony Cordesman, một nhà phân tích an ninh quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói. "Nếu cơ cấu này không thể ngăn chặn lực lượng mặt đất của Gadhafi thì nghĩa là nó đã thất bại. Nếu chúng ta muốn lật đổ chế độ này, chúng ta phải đi xa hơn nữa và tấn công vào trung tâm quyền lực của Gadhafi cũng như các mục tiêu mặt đất”.
Giới hạn hạn hẹp của sứ mệnh quân sự tại Libya là thực hiện Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ, với yêu cầu lực lượng của Gadhafi rút khỏi các thị trấn mà quân nổi dậy nắm giữ, áp đặt vùng cấm bay để bảo vệ dân thường Libya và đảm bảo sự tiếp cận thuận tiện hơn của người dân với cung cấp nước, thực phẩm…
Obama cho rằng, sẽ là “ngày chứ không phải tuần” tới khi Mỹ chuyển giao hiệu quả việc lãnh đạo quân sự cho liên minh. Nhưng tướng Carter Ham, chỉ huy Mỹ lại khẳng định không thể đưa ra “một ngày chắc chắn cho vấn đề này”. Ham còn cho rằng, ông có thể hình dung ra một tình huống nếu Gadhafi vẫn giữ quyền lực. “Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể nói đó là lý tưởng”, ông nói.
Từ Air Force One, Tổng thống Mỹ đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron. Tất cả đều nhất trí rằng "NATO sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu chỉ huy”, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, tuyên bố với báo chí. Tuy nhiên, theo Rhodes, vẫn chưa có một thỏa thuận cụ thể.
-
Thái An (Theo AP)