- Một ngày sau phiên thảo luận tổng kết nhiệm kỳ với nhiều trăn trở về chuyện luôn phải vận hành trong tình thế thụ động vì Chính phủ đưa sang vấn đề gì là gật vấn đề ấy, chiều qua (29/3), nhiều ĐBQH đã bấm nút nói "không" với luật Thủ đô. Lần thứ hai sau dự án đường sắt cao tốc, QH khóa XII từ chối một dự án do Chính phủ trình.
Bảng điện tử hiển thị kết quả biểu quyết dự án luật Thủ đô chiều 29/3 liên tục thay đổi ở giữa hai thông số "tán thành" hay "không tán thành", cuối cùng chốt lại, chỉ 177 người đồng ý thông qua (chiếm 35,9% số ĐB có mặt). Tỷ lệ tán thành hay phản đối đều không quá bán và chưa dự án nào mà tỷ lệ ĐB không biểu quyết lại cao như vậy (54 người, trên 10%).
Theo sát đường đi truân chuyên của dự án luật từ lúc khởi thảo sẽ không quá bất ngờ trước quyết định của QH. Bởi sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, chất lượng dự án vẫn chưa làm thỏa mãn QH.
Bấm nút. Ảnh: Lê Anh Dũng
Bản
dự thảo trình QH được đơn giản hóa, rút xuống còn 13 trang, 32 điều không khác
nhiều so với Pháp lệnh Thủ đô. Khiến ngay đại biểu QH cũng nhận ra, chỉ cần thay
chữ "Thủ đô" thành chữ "Đô thị" là mọi đặc trưng người ta nghĩ ra riêng cho
Hà Nội lại giống nhau. Cơ chế đặc thù chưa thuyết phục.
Từ lúc họp Thường vụ đến khi ra hội trường, dự án đều bị phê không thương tiếc.
Không thông qua là chuyện thường tình.
Nhưng theo dõi phiên họp mới thấy sau khi kết quả hiển thị trên bảng điện tử là những gương mặt giãn nở tươi tắn trong hội trường. Việc bình thường theo logic, lại thành bất thường như chuyện lạ.
Cũng bởi ta đã quen thông lệ, hễ Chính phủ trình gì thì dù lúc thảo luận có tranh cãi, phân tích, lý lẽ, tranh luận sắc bén tới đâu, khi bấm nút vẫn cứ tán thành gần như tuyệt đối. Ba dự án luật buổi chiều qua, tỷ lệ tán thành thấp nhất cũng xấp xỉ 90%.
Thậm chí trong mấy ngày tổng kết nhiệm kỳ, có vị Phó Chủ nhiệm UB còn bức xúc, thảo luận mà không ai tỏ thái độ chấp thuận hay phản đối các kiến nghị thì thảo luận cho vui để lưu kỷ yếu suông.
Cũng chính trong các phiên "kiểm điểm" nhiệm kỳ tại tổ, một ĐB từ đồng bằng sông Cửu Long còn tâm tư, trong QH rất ngại thể hiện chính kiến, bởi chẳng có ai đánh giá hay chấm điểm, xếp hạng gì nên người nói nhiều, làm tốt rồi cũng "hòa cả làng" với người không nói, không làm gì, bấm nút cũng "vô nhân xưng".
Một trong những người xông xáo trong và ngoài nghị trường là ông Trần Du Lịch còn thốt lên: "Tất cả vấn đề quan trọng nhất quốc gia đều đặt trên bàn nghị sự nhưng không đi đến đâu, nghe thảo luận rất sướng nhưng lại không quyết được cái gì".
Nghe ĐB nói ở tổ dường như ai cũng "bế tắc" trước thông lệ hễ dự án nào đưa sang là QH phải thông qua, bất chấp việc đưa sang muộn, bất chấp việc ủy ban thẩm tra phải làm đêm hay việc đại biểu mổ xẻ, phê phán. Là bởi ĐB đã dễ tính cho qua với tâm lý, không thông qua thì biết treo đến bao giờ, ngay cả vấn đề quan trọng nhất là quyết ngân sách còn không có thực quyền, nói gì đến làm luật. Và rồi chính ĐB lại tâm tư, vì ở đâu đó, người nào đó trong cơ quan nhà nước từ lâu đã chẳng coi trọng cái thẻ của nghị sĩ.
Bấm nút không tán thành một dự án luật còn non, ít nhất, ĐBQH đã khẳng định được chính kiến, bản lĩnh, bảo lưu được quan điểm nhất quán ngay từ đầu. Cử tri không biết rõ ai tán thành, ai phản đối, nhưng chí ít, từng ĐB đã tự vượt qua tâm lý nể nang, e ngại hay làm cho xong chuyện, nhất là với những ai vẫn tự trăn trở bởi cái tiếng "nghị gật".
Chưa thông qua dự án lần này, không có nghĩa "treo" vĩnh viễn. Chỉ mong cơ quan soạn thảo rút được bài học, vì Ủy ban Pháp luật đã nhiều lần cảnh báo phải tạm dừng mà làm cho ra ngô ra khoai, chứ đừng nương theo những thông lệ cũ, cố đưa vào chương trình cho bằng được với lối nghĩ "đằng nào mà QH chẳng bấm nút".
Cũng mong nghị sĩ khóa XIII kế thừa kinh nghiệm, bản lĩnh của các ĐBQH khóa XII để quyết cho trúng, biết nói tán thành hay chưa đồng tình đúng lúc, đúng chỗ, để 5 năm tới, lúc tổng kết nhiệm kỳ không còn phải ngồi với nhau để tâm tư vì ai đưa món gì là ăn món ấy.
-
Lê Nhung
Luật Thủ đô: Xứng tầm thì hẵng thông qua
Luật Thủ đô 'ra ngô ra khoai', Hà Nội 'cứ thế mà làm'
Việt Nam cần luật đô thị hay luật thủ đô?