"Việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải đảm bảo tiếp thu được ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân", đây là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Sáng nay, Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có phiên họp đầu tiên khởi động nhằm xây dựng mô hình, tổ chức, cách thức làm việc và lộ trình sắp tới.
Sửa đổi phù hợp xu thế thời đại
Lưu ý bộ phận điều hành của Ban biên tập, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định,
phương thức thức tổ chức làm việc của Ban có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn
thành nhiệm vụ đã đề ra. Công tác xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bao
gồm nhiều nội dung với khối lượng công việc rất lớn và tiêu chí cao, đòi hỏi
tinh thần trách nhiệm rất cao, phương thức làm việc rất khoa học của Ban biên
tập và các bộ phận liên quan mới có thể đảm bảo chất lượng công việc.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đề cập đến tình hình thực tiễn, những thuận lợi và khó khăn của công việc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 lần này diễn ra trong bối cảnh trong nước có nhiều thuận lợi.
Những nội dung sửa đổi sẽ bám sát và kế thừa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và các văn kiện khác của Đại hội lần thứ XI của Đảng và kết quả tổng kết 20 năm đổi mới.
Đất nước Việt Nam cũng đã thoát khỏi nhóm các quốc gia nghèo và đang thực hiện mục tiêu phấn đấu đến 2020, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến 2030 thì trở thành nước công nghiệp phát triển. Kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước cũng đang trên đà phát triển với nhiều thành tựu quan trọng…
Tuy vậy, khó khăn đặt ra đối với
công tác sửa đổi Hiến pháp chính là việc lựa chọn những vấn đề cần sửa đổi, bổ
sung sao cho phù hợp với xu thế của thời đại, tình hình thực tiễn của đất nước
trong những chặng đường phát triển tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp
1992 phải trên cơ sở kế thừa và tổng kết cả quá trình thực hiện Hiến pháp 1946
kết hợp với các bản Hiến pháp qua các thời kỳ; phù hợp với tình hình đất nước
trong giai đoạn cách mạng mới trên tinh thần tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Ông mong muốn các thành viên trong Ban biên tập sẽ tập trung cao
độ thời gian, nhất là các thành viên kiêm nhiệm; coi đây là trách nhiệm với Tổ
quốc, phụng sự đất nước và nhân dân. Lãnh đạo Ban biên tập cần nghiên cứu, xem
xét, đề xuất trưng dụng những thành viên kiêm nhiệm có năng lực, điều kiện phù
hợp để đảm nhiệm chuyên trách cho công tác tổng hợp, điều phối.
Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bày tỏ tin tưởng, với tinh thần
trách nhiệm và trí tuệ, kiến thức của mình, các thành viên Ban biên tập sẽ tham
mưu cho Ủy ban dự thảo xây dựng và hoàn thiện một dự thảo sửa đổi Hiến pháp với
chất lượng cao nhất, hoàn thành tất cả các tiêu chí đề ra, đáp ứng nhu cầu xây
dựng và phát triển đất nước.
Thu hút chuyên
gia
Đóng góp ý kiến với Ban biên tập tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu
Lưu đề nghị thường trực Ban biên tập và các tổ trưởng tổ biên tập cần phát huy
cao độ trách nhiệm và trí tuệ, tập trung thời gian, công sức để tổ chức, phân
công, nghiệm thu công việc trong tổ, ban, đảm bảo thời gian, kế hoạch đã đề ra
sao cho thu hút được sự tham gia tích cực của các chuyên gia.
Báo cáo về kế hoạch hoạt động và tổ chức công việc của Ban biên tập dự thảo sửa
đổi Hiến pháp 1992, ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến
pháp, Trưởng ban biên tập cho biết, theo lịch trình dự kiến, tháng 4/2012 sẽ
trình Ban chấp hành Trung ương báo cáo tổng kết việc thi hành và những nội dung
cần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 1992.
Tháng 10/2012 trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo 1 của Hiến pháp.
Tháng 1/2013 tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo sửa đổi
Hiến pháp… và đến tháng 10, hoặc 11/2013 sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Để đảm bảo chất lượng tham mưu cho Ủy ban, Ban biên tập dự kiến sẽ thành lập 6
tổ biên tập bao quát các lĩnh vực trong nội dung Hiến pháp gồm: Chế độ chính
trị, tổ chức bộ máy Nhà nước và các vấn đề chung; chế độ kinh tế, văn hóa, giáo
dục, khoa học, công nghệ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; bảo
vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại; tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp
và tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.
Mỗi tổ có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu nội dung liên quan thuộc phạm vi lĩnh
vực của mình và xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo tiến độ đã đề
ra.
Theo TTXVN