Kể từ khi nhậm chức, Tổng
thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, còn gọi là "Ông xe ủi" khi ông phụ trách bộ phận
kỹ thuật của hãng Hyundai đã cam kết đưa quan hệ hai miền Triều Tiên sang một
chương mới.
Theo ông Lee, 10 năm với "chính sách ràng buộc" cùng Triều Tiên đã sản sinh ra mối quan hệ không cân xứng. Ông nhấn mạnh, Hàn Quốc đã cung cấp rất nhiều, và đổi lại Triều Tiên làm rất ít. Ông Lee hứa hẹn về một quan hệ dựa trên cơ sở cùng có lợi.
Tuy nhiên, điều ông nhận lại là
những tuyên bố cứng rắn và hành động quân sự. Kỷ nguyên đối đầu mới không hề
giúp cho chính quyền của ông Lee. Người dân Hàn Quốc hoảng sợ chứng kiến một mối
quan hệ tương đối bình yên sang nguy cơ tiến sát tới xung đột quân sự.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ảnh: Wordpress |
Nước cờ nhầm của Ông xe ủi
Đảng cầm quyền của Lee bị tổn thất lớn trong các cuộc bầu cử tháng 4, và trong tháng 8, ông đã thay thế Bộ trưởng Thống nhất theo quan điểm cứng rắn bằng một nhân vật ôn hòa hơn. Tuy vẫn yêu cầu lời xin lỗi về vụ chìm tàu Cheonan và vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong, đảng cầm quyền đã tìm cách khôi phục quan hệ thương mại và một lần nữa hỗ trợ nhân đạo với Triều Tiên. Kể từ mùa hè, đại diện hai miền đã gặp nhau hai lần để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Mặc dù chưa đạt được tiến triển đáng kể, nhưng hai bên đã chuẩn bị cho việc nối lại hội đàm sáu bên (hai miền Triều Tiên, Nga, Nhật, Trung Quốc và Mỹ) vốn bị đình trệ năm 2007.
Và thậm chí nếu đảng đối lập không hất cẳng được đảng bảo thủ ra khỏi chiếc ghế quyền lực trong cuộc tuyển cử 2012, thì Hàn Quốc dường như sẽ rời bỏ cách tiếp cận cứng rắn của ông Lee. Trong tháng 9, người có thể kế nhiệm ông làm ứng viên của đảng cầm quyền năm 2012, Park Geun-hye, đã công khai chỉ trích cách tiếp cận của ông trong một bài báo đăng trên Foreign Affairs.
Một dự án mà Park đề cập là tuyến đường sắt liên Triều "có lẽ sẽ biến bán đảo Triều Tiên vào hệ thống dẫn dắt cho thương mại khu vực". Khôi phục tuyến đường này và kết nối nó với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga sẽ kết nối bán đảo Triều Tiên với châu Âu, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa từ đầu này của châu Âu tới đầu kia khoảng hai tuần, tiết kiệm cho Hàn Quốc từ 34 - 50 USD/tấn trong chi phí vận chuyển. Trong khi đó, hệ thống ống dẫn khí tự nhiên, mà Hàn Quốc đã phê chuẩn vào cuối tháng 9 có thể giảm chi phí khí tự nhiên tới 30%. Với quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên lớn thứ hai thế giới, đây sẽ là sự tiết kiệm lớn.
Nói một cách khác, những bước đi kinh tế thực sự hướng tới thống nhất Triều Tiên không chỉ là một giấc mơ mà còn là cơ hội kinh doanh tốt. Thậm chí trong thời điểm tồi tệ nhất của bất đồng giai đoạn gần đây, hai miền đã cố duy trì khu liên hợp công nghiệp Kaesong nằm ngay phía bắc khu phi quân sự. Do các quản lý người Hàn Quốc điều hành và có lượng nhân công là hơn 45.000 người Triều Tiên, khu công nghiệp là mối lợi với cả hai bên. Nó giúp Hàn Quốc đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, đồng thời mang lại tiền và việc làm với mức lương xứng đáng cho người Triều Tiên. Tuyến đường sắt và hệ thống ống dẫn khí cũng sẽ mang lại các lợi ích chung tương tự.
Theo cách thông thường, Triều Tiên có điểm lợi để mặc cả, đó là kho hạt nhân mà họ sẽ không sẵn sàng từ bỏ. Nhưng người kinh doanh bất động sản lại có cách nhìn khác. Những gì Triều Tiên thực sự có là "vị trí, vị trí và vị trí" và cuối cùng, họ dường như sẵn sàng "kiếm tiền" từ vị trí trọng yếu của mình ở tâm điểm khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới.
Tuyến đường sắt sẽ ràng buộc hai khu vực kinh tế lớn nhất thế giới vào một thị trường Âu Á khổng lồ. Và hệ thống ống dẫn, kết hợp với các dự án năng lượng xanh ở Trung Quốc, Hàn Quốc cũng như Nhật Bản có thể giúp Đông Á thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn dầu Trung Đông và không còn trông chờ vào quân đội Mỹ để đảm bảo sự tiếp cận an toàn cũng như bảo vệ các lộ trình vận chuyển.
Tàu sân bay George Washington của Mỹ tại Thái Bình Dương. Ảnh: Wordpress |
Thời đã qua?
Chính quyền Bush đã lường trước được cách tiếp cận của Lee với Triều Tiên bằng cách áp dụng chính sách cây gậy và củ cà rốt. Tuy nhiên, vào năm 2006, đã quay ngược trở lại và thực sự ve vãn Bình Nhưỡng. Chính quyền Obama thì theo một chiến thuật khác, đó là chính sách "kiên trì chiến lược".
Và chính sách này không tác dụng. Triều Tiên đã thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hạt nhân. Chiến dịch không kích của Mỹ và NATO chống lại lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, người đã từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy quan hệ tốt hơn với phương Tây, rốt cuộc lại chỉ gia cố niềm tin của Bình Nhưỡng rằng, hạt nhân là sự đảm bảo tối ưu cho an ninh của mình.
Chính quyền Obama tiếp tục khẳng định rằng, Bình Nhưỡng phải thể hiện "thành ý" trong nỗ lực phi hạt nhân như một điều kiện tiên quyết cho nối lại đàm phán. Và mặc dù Washington gần đây đã gửi lượng nhỏ hàng hóa hỗ trợ lũ lụt nhưng từ chối viện trợ lương thực. Thay vào đó, trong tháng 6, Hạ viện thông qua một dự luật nông nghiệp sửa đổi, trong đó cấm mọi viện trợ lương thực với nước này cho dù là cần thiết.
Mặc dù Washington có thể sẽ cử phái viên Stephen Bosworth tới Bình Nhưỡng cuối năm nay, nhưng không ai mong chờ thay đổi lớn về chính sách hay mối quan hệ. Obama nhậm chức với khát khao chuyển chính sách Mỹ khỏi sự tập trung vào Trung Đông và tái xác lập tầm quan trọng của Mỹ như một cường quốc Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc ngày một gia tăng ảnh hưởng khu vực. Nhưng Tổng thống Mỹ đã đầu tư vào máy bay không người lái nhiều hơn là ngoại giao. Và Washington có thể chậm chân với những diễn biến khu vực.
Sau tất cả, Washington đã thấy Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các nước châu Á. Theo nhà phân tích Robert Kaplan, quyết định gần đây của chính quyền Obama trong việc không nên quá chọc giận Bắc Kinh bằng việc bán máy bay chiến đấu hiện đại F-16 cho Đài Loan và thay thế vào đó là phiên bản được nâng cấp đơn thuần các máy bay đã mua từ những năm 1990 là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự sụt giảm tương đối của Mỹ trong khu vực.
Sự hiện diện của quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương cũng đòi hỏi chi phí lớn, trong khi Washington nỗ lực thắt lưng buộc bụng. Các thành viên chủ chốt trong quốc hội như thượng nghị sĩ John McCain và Carl Levin đã bày tỏ sự lo lắng về chi phí cao cho kế hoạch "tái sắp xếp chiến lược" ở châu Á.
Trả lời về khả năng cắt giảm chi phí quân sự, Thứ trưởng Quốc phòng mới của Mỹ Ashton Carter xác nhận rằng, việc giảm bớt quân số và căn cứ Mỹ ở nước ngoài "đang nằm trên bàn" thảo luận.
Tương lai của Đông Á khó hình dung, bùng nổ kinh tế và hội nhập không phải là viễn cảnh duy nhất. Hầu như các nước trong khu vực đều gia tăng chi tiêu quân sự. Căng thẳng gia tăng đặc biệt ở những vùng biển giàu năng lượng mà nhiều nước cùng tuyên bố chủ quyền. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể không còn trụ vững trong thời gian dài. Và Triều Tiên có thể cuối cùng quyết định đi theo con đường trì trệ về kinh tế nhưng mạnh mẽ về quân sự.
Liệu đã tới lúc người Mỹ thừa nhận rằng, những năm tháng làm siêu cường Thái Bình Dương đã qua và suy nghĩ một cách sáng tạo hơn để làm thế nào trở thành một đối tác Thái Bình Dương?
Thái An (theo Atimes)