- Có nên giao tòa án xét xử các vi phạm hành chính hay vẫn để UBND các cấp ra quyết định xử lý là điều khoản còn nhiều ý kiến khác nhau khi các ĐB thảo luận dự án Luật xử lý vi phạm hành chính chiều nay (18/11).

ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) ủng hộ giao tòa án xét xử các vụ án liên quan đến các vi phạm hành chính vì nhiều vụ việc trong lĩnh vực này liên quan đến quyền tự do của người dân.

"Cũng là tạo cơ hội cho người dân và nếu có là luật sư của họ trình bày rõ ràng sự việc để tòa xem xét quyết định một cách công bằng", ông Luyến nói.

ĐB Đặng Đình Luyến: Nên đưa ra tòa cho công bằng. 
Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với lý do chính là hệ thống tòa án hiện nay đã quá tải. Trao đổi ngoài hành lang QH, đại tá Nguyễn Minh Kha, Phó GĐ Công an Cần Thơ, cho rằng khả năng của tòa án hiện nay "vừa thiếu, vừa yếu" kể cả ở cấp quận, huyện.

"Ngoài việc thụ lý các vụ án đang xét xử thường xuyên, nếu giờ đây tòa án còn phải gánh thêm mảng xử lý vi phạm hành chính thì việc triển khai luật phải lùi thời gian lại ít nhất 2 năm", ông Kha nói. "Muốn giao thêm việc xử lý vi phạm hành chính cho tòa án, ít nhất phải củng cố lại cơ sở vật chất, con người và các điều kiện khác để tòa án đảm bảo thực thi tốt nhiệm vụ".

Theo ông Kha, không nên gấp gáp giao nội dung này cho tòa án, vì từ trước đến nay các cơ quan hành chính nhà nước và lực lượng công an vẫn đang đảm đương việc này.

Một lý do khác khiến ĐB Phạm Minh Tấn (Đắc Lắk) không ủng hộ giải pháp giao cho tòa án là vấn đề tâm lý. "Tôi e làm thế sẽ tạo ra tâm lý nặng nề, suy nghĩ cho công dân vì 'đã từng phải ra tòa' dù chỉ là những vụ việc hành chính", ông Tấn bày tỏ, "nhất là với những người vị thành niên".

Điểm cốt lõi đều... giao Chính phủ

Nếu như thảo luận dự án Luật phổ biến giáo dục pháp luật chiều 17/11, các ĐB cùng nhận định luật nhiều nhưng thực hiện chưa nghiêm túc, đến nơi đến chốn nên có tình trạng "nhờn luật", thì chiều nay, các ĐB một lần nữa lo ngại điều này khi thảo luận dự án Luật xử lý vi phạm hành chính.

ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) không hài lòng khi thấy lĩnh vực hành chính liên quan đến cuộc sống hàng ngày của người dân mà dự luật "có điểm gì cốt lõi, quan trọng đều giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành". Xét thực tiễn tiến độ ra các văn bản dưới luật của Chính phủ, ông Quyền cho rằng luật này "có ra đời cũng không khắc phục được kịp thời những vấn đề bức xúc cơ bản hiện nay".

Trước đó, khi họp tổ, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng đã thẳng thắn chỉ ra: "Đây đều là những lĩnh vực đang diễn ra hàng ngày như giao thông, quản lý thị trường..., kinh nghiệm xử lý không phải ít, nghị định, thông tư ban hành cũng nhiều, sao không lấy những văn bản đã ban hành, đã thực hiện cho hiệu quả để lắp vào luật cho đầy đủ, cụ thể?"

Ông Thường e rằng "làm luật thế này rồi lại tiếp tục ra nghị định, thông tư, chồng chéo, mâu thuẫn với những văn bản đã có".

Chung Hoàng