Nhiều nguồn tin quân sự và ngoại giao cho biết, Mỹ đang tìm cách tiếp cận nhiều hơn những cảng và sân bay của Philippines phục vụ hoạt động của tàu chiến, máy bay.


Giới phân tích cho rằng, Washington đang không ngừng mở rộng sự hiện diện của mình vào thời điểm căng thẳng Biển Đông leo thang. Tuy nhiên, Mỹ không cố gắng để mở lại các căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này.

Sự hợp tác ngày một gia tăng của Washington tại Philippines, một đồng minh đã bỏ phiếu để dỡ bỏ các căn cứ không quân và hải quân lớn của Mỹ 20 năm trước, diễn ra sau tuyên bố năm ngoái về việc Mỹ dự kiến thiết lập căn cứ lính thuỷ đánh bộ tại phía bắc Australia và có thể cả những cơ sở tàu chiến ở Singapore.

Ảnh: Reuters

Các động thái trên khá trùng khớp với những va chạm ngoại giao và quân sự ở Biển Đông - vùng biển được tin là giàu tiềm năng dầu khí và là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á.

Tháng trước, các quan chức ngoại giao và quốc phòng cấp cao Philippines đã gặp gỡ những người đồng nhiệm Mỹ tại Washington để thảo luận về nhiều biện pháp làm gia tăng số lượng lính Mỹ ở Philippines cũng như các cuộc tập trận chung, đào tạo, kế hoạch thăm cảng, và những hoạt động khác…

"Đó là sự tiếp cận, không phải căn cứ”, một quan chức ngoại giao gần gũi với cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Philippines cho biết. "Các cuộc hội đàm của chúng tôi tập trung vào nỗ lực tăng cường hợp tác các hoạt động quân sự và phi quân sự như phản ứng với thảm hoạ, trợ giúp nhân đạo, chống khủng bố, không phổ biến hạt nhân. Không hề có thảo luận về căn cứ mới nào của Mỹ”.

Các hoạt động như vậy sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều hơn ở Philippines, kéo dài sự hiện diện của họ bên ngoài những cơ sở quân sự địa phương. Nhà ngoại giao nhấn mạnh, các tàu và máy bay Mỹ đang tìm kiếm tiếp cận phục vụ cho những hoạt động hậu cần, tiếp dầu, sửa chữa chứ không đơn thuần là các chuyến thăm thiện chí, trao đổi, diễn tập, đào tạo.

Philippines nằm dưới sự lãnh đạo của Mỹ gần năm thập niên giữa sự ra đi của người Tây Ban Nha và sự chiếm đóng của Nhật trong thời kỳ Thế chiến II và giờ đây là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á.

Kể từ năm 1987, hiến pháp Philippines cấm sự hiện diện thường trực của quân đội nước ngoài. Nhưng Washington vẫn duy trì quan hệ quân sự chặt chẽ với quốc gia Đông Nam Á theo hiệp ước phòng thủ năm 1951. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang giúp quân đội Philippines chiến đấu chống các phần tử hồi giáo cực đoan ở phía nam nước này kể từ 2002.

Một nhà ngoại giao Philippines cho hay, sự mở rộng hiện diện của Washington là theo Thoả thuận ký kết năm 1998 và thoả thuận năm 2002.

Vấn đề này có thể được đưa ra trong chuyến thăm Manila của trợ lý ngoại trưởng Mỹ Andrew Shapiro, một cố vấn cấp cao về chính trị - quân sự cho Hillary Clinton.

Khí tài Mỹ

Ngoài đào tạo và diễn tập, hai nước đã thảo luận về những hỗ trợ quân sự Mỹ bao gồm cả các thiết bị và dữ liệu để “nâng cao phạm vi nhận thức” ở Biển Đông. Con tàu tuần duyên thứ hai sẽ được chuyển giao cho hải quân Philippines năm nay và khả năng chuyển giao con tàu thứ ba đang được bàn đến, quan chức Philippines nhấn mạnh.

"Về phần mình, chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm các biện pháp để tiếp cận tốt hơn với các khí tài quân sự Mỹ thông qua đề án đổi mới tài chính hơn là các kênh thông thường”, vị quan chức nói.

Theo một số nguồn tin quân sự, Manila đang nghiên cứu để thuê các tàu tuần tra ven biển, tàu hỗ trợ mới hơn từ Mỹ cũng như nâng cao kỹ năng đào tạo sử dụng máy bay chiến đấu.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin nói với báo chí tại Manila rằng, nước này đang cân nhắc đề xuất từ bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ về việc triển khai các máy bay do thám P3C-Orion tại đây để hỗ trợ giám sát các hoạt động tại Biển Đông.

Những tranh chấp chủ quyền với các đảo, vỉa đá ngầm giàu năng lượng ở Biển Đông - vùng biển chiếm khoảng 5 nghìn tỉ giá trị vận chuyển thương mại hàng năm, là một trong những mối đe doạ an ninh lớn nhất tại châu Á. Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền lịch sử với hầu hết vùng biển, bất chấp tuyên bố chủ quyền của nhiều nước khác.

Căng thẳng trong khu vực và kế hoạch mở rộng hoạt động quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ được đề cập trong các cuộc hội đàm khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Washington tuần tới.

Trung Quốc bày tỏ sự nghi ngại về sự chuyển hướng của chính quyền Obama nhằm nâng cao vai trò an ninh Mỹ trong khu vực ở thời điểm Bắc Kinh đang mở rộng tầm với quân sự của mình. Đề xuất của bộ Chỉ huy Thái Bình Dương trong việc triển khai máy bay do thám xuất hiện sau hai tháng khi quan chức ngoại giao và Lầu Năm Góc đưa ra ý kiến chia sẻ dữ liệu giám sát về Biển Đông trong cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tháng 6/2011.

Năm ngoái, ông Del Rosario đã nhiều lần phản đối các hành động và sự xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải Philippines bao gồm cả nỗ lực ngăn chặn tàu thăm dò dầu khí ở Biẻn Đông. Manila còn cáo buộc các tàu Trung Quốc vượt qua biên giới hàng hải của họ hơn chục lần trong năm 2011.

Philippines đã hoan nghênh việc Mỹ xoay chiều, chú ý nhiều hơn tới châu Á - Thái Bình Dương và vị quan chức ngoại giao cấp cao Philippines cho rằng, sự hiện diện quân sự mở rộng của Mỹ có thể đảm bảo hoà bình và ổn định khu vực. "Với chúng tôi, nó sẽ góp phần tăng cường các khả năng ngăn chặn những vụ xâm nhập vào lãnh thổ”, ông nói.

Thái An
(theo Reuters)