Năm 2011 đã chứng kiến nhiều thăng trầm của các hãng công nghệ, và vai trò của người thuyền trưởng cầm lái chưa bao giờ quan trọng như hiện nay. Bối cảnh kinh tế u ám, những xu hướng công nghệ thay đổi chóng mặt, sự dịch chuyển của những mô hình kinh doanh mới….chính là thời thế để “phát lộ anh hùng”, nhưng đồng thời cũng khiến những vị cầm quân yếu kém bộc lộ mọi nhược điểm.


Nhóm bại tướng

1. Reed Hastings

Người hùng của ngày hôm qua có thể biến thành vật tế thần của ngày hôm nay. Có lẽ cho đến tận bây giờ, vị sáng lập kiêm CEO Reed Hastings của Netflix vẫn đang tự hỏi liệu mọi chuyện có phải chỉ là ác mộng hay không.

Đến đầu năm 2011, Hastings vẫn còn là một ngôi sao của làng Internet, người được ca ngợi vì đã làm thay đổi cách chúng ta xem và thưởng thức phim ảnh, truyền hình. Netflix từng là một dịch vụ rất dễ dùng với mức giá vô cùng dễ chịu. Người dùng đua nhau dùng Netflix.

Nhưng tất cả đã chấm dứt từ sau tháng 9, khi Hastings triển khai một sự thử nghiệm kỳ cục: Giá dịch vụ đột ngột tăng tới 60%, đồng thời Netflix dự định chia thành hai mảng: một bộ phận có tên “Qwikster”, chuyên gửi mail DVD đến cho khách hàng đăng ký, trong khi bộ phận còn lại tập trung vào streaming phim.

Người trong giới gọi đây là một thảm họa. Hai website độc lập với hai hệ thống tính cước và hai tên gọi riêng? Không có bất cứ ý nghĩa hay sự logic nào đằng sau quyết định này và Netflix trở thành đề tài đàm tiếu, tấu hài trên các chương trình TV đêm khuya. Chỉ sau ba tuần, Hastings đã phải chấm dứt kế hoạch Qwikster và công khai xin lỗi công chúng. Nhưng lời xin lỗi đó đã quá muộn để cứu vãn hình ảnh bị tổn hại nghiêm trọng của hãng. Hơn 800.000 người dùng đã bỏ Netflix còn giá cổ phiếu của hãng tụt thẳng một mạch từ 300 USD xuống còn đúng 70 USD.

2. Leo Apotheker

Có vẻ như HP gặp phải vận xui rất lớn với các vị lãnh đạo cấp cao. Carly Fiorina làm phật lòng giới đầu tư. Người kế nhiệm Carly là Mark Hurd phải từ chức vì vụ scandal tình ái liên quan đến một cựu nữ diễn viên phim cấp 3.

Tuy nhiên, không một ai có thể gây ra những sóng gió và tai tiếng cho HP chỉ trong một thời gian ngắn như Leo Apotheker, người được mời về thay thế Hurd vào tháng 11/2010.

Apotheker từng là một quan chức phần mềm được đánh giá rất cao (ông ta từng là CEO của hãng phần mềm SAP AG). Dù Apotheker gần như không có mấy kinh nghiệm về điều hành kinh doanh phần cứng, HP vẫn hy vọng ông ta có thể áp dụng những kỹ năng quản lý tích lũy được sau bao nhiêu năm dài vào trong công việc. Nhưng mãi sau này, người ta mới biết một sự thật gây sốc là: phần lớn thành viên ban giám đốc HP đều chưa từng gặp Apotheker trước khi bỏ phiếu mời ông này về làm CEO.

Đương nhiên, họ đã phải hứng chịu hậu quả từ quyết định cảm tính này. Sau 11 tháng điều hành HP, Apotheker đã khiến cho một trong những công ty xuất chúng của thung lũng Silicon trở thành cái tên điều tiếng. Mở màn là mùa hè vừa qua, khi Apotheker đùng đùng tuyên bố HP sẽ khai tử máy tính bảng TouchPad, vốn chỉ mới ra mắt thị trường được chưa đầy 2 tháng. Ông ta cũng khai tử một loạt điện thoại và sản phẩm dùng hệ điều hành WebOS của Palm. Chưa hết, Apotheker còn tin rằng HP tốt hơn là nên bán đứt mảng PC – dù bộ phận PC của HP có giá trị tới 30 tỷ USD và vẫn đang có thị phần dẫn đầu thị trường.

Những quyết định phi logic, kết hợp với việc HP không đạt được mục tiêu tài chính đề ra khiến cho Apotheker nhanh chóng mất uy tính. Các nhà đầu tư phát điên khi cổ phiếu HP mất tới 40% giá trị. Apotheker đã bị sa thải và thay bằng Meg Whitman hồi tháng 9. Quyết định đầu tiên của bà Whitman trên cương vị tân CEO là HP sẽ giữ lại mảng PC.

3. Hai CEO Mike Lazaridis và Jim Balsillie của RIM

Sau kết quả tài chính bết bát của quý mới nhất, cả James lẫn Mike đều thông báo họ chỉ nhận lương 1 USD kể từ năm sau. Đấy là nước cờ để né tránh sự chỉ trích từ các cổ đông, vốn cho là bộ đôi đã được trả lương quá cao để làm lụn bại một trong những thương hiệu hàng đầu của làng di động.

Thật khó mà tin tưởng RIM đã tuột dốc nhanh đến vậy. Giá cổ phiếu của hãng mất hơn ba phần tư giá trị ngay trong năm 2011 trong khi các đối thủ vẫn miệt mài tung ra những sản phẩm mới. Ngày xửa ngày xưa, RIM là nhà sản xuất smartphone doanh nghiệp thượng thặng. Giờ đây, họ là một hãng luôn luôn chạy sau. Nếu như Android và Apple cứ tằng tằng giới thiệu những thiết bị mới thì RIM vẫn cứ hứa mãi về một mẫu BlackBerry thế hệ mới. Riêng tablet PlayBook đã biến thành một sản phẩm đại hạ giá mới mong hút được khách.

Hệ điều hành di động mới nhất của RIM, sau khi mất thương hiệu BBX do tranh chấp bản quyền, cũng đã bị dời lại đến cuối năm 2012. Bào chữa cho sự trì hoãn này, Lazaridis nói rằng loại chip lõi kép LTE tích hợp cần để trang bị cho smartphone BlackBerry 10 không thể sản xuất trước hè 2012. “Trong lúc chờ đợi, chúng tôi tin rằng danh mục sản phẩm đa dạng của BlackBerry 7 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cho BlackBerry trên toàn thế giới”.

Vấn đề là hồi tháng 7, chính Lazaridis từng nói với các cổ đông rằng điện thoại BlackBerry 7 chẳng khác gì thiết bị nhắn tin nếu đem so với thiết bị “điện toán di động” của BlackBerry 10. Giờ đây, RIM sẽ mắc kẹt với chính những thiết bị “nhắn tin” ấy và hy vọng níu chân được người dùng.

Khá nhiều ý kiến đã cho rằng bộ đôi Balsillie và Lazardis thiếu năng lực cần thiết để dẫn dắt RIM vượt qua thách thức. Thậm chí có người còn tin rằng RIM có thể phản bỏ cả thương hiệu BlackBerry nếu muốn tồn tại được. Nếu vậy, bộ đôi CEO chắc chắn sẽ là tội đồ lớn nhất.

Trọng Cầm

Những CEO công nghệ xuất chúng và tệ nhất năm 2011
Bối cảnh kinh tế u ám, những xu hướng công nghệ thay đổi chóng mặt, sự dịch chuyển của những mô hình kinh doanh mới….chính là thời thế để “phát lộ anh hùng”, nhưng đồng thời cũng khiến những vị cầm quân yếu kém lộ diện.