Năm 2011 đã chứng kiến nhiều thăng trầm của các hãng công nghệ, và vai trò của người thuyền trưởng cầm lái chưa bao giờ quan trọng như hiện nay. Bối cảnh kinh tế u ám, những xu hướng công nghệ thay đổi chóng mặt, sự dịch chuyển của những mô hình kinh doanh mới….chính là thời thế để “phát lộ anh hùng”, nhưng đồng thời cũng khiến những vị cầm quân yếu kém bộc lộ mọi nhược điểm.

TIN LIÊN QUAN

Những người hùng

1.Steve Jobs và Tim Cook




Giữa thập niên 90, Apple ngấp nghé đứng bên bờ vực phá sản. Còn hiện tại, hãng đã soán ngôi đại gia Exxil Mobile để trở thành hãng có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới – dù chỉ là trong vài tháng.

Hiển nhiên, thành tích đó phải được ghi công cho vị Giám đốc điều hành quá cố Steve Jobs và người kế nhiệm ông – Tim Cook.

Trong năm 2011, Apple đã giới thiệu được iPad 2, ông vua tuyệt đối của làng máy tính bảng. Và dù cho iPhone 4S có gây hụt hẫng lúc đầu vì không có được thiết kế cách tân như người ta chờ đợi, phong độ của nó trên thị trường vẫn rất xuất sắc. Thậm chí còn có phần hơn cả người anh em tiền nhiệm iPhone 4.

Dù Jobs đã ra đi nhưng tầm ảnh hưởng của ông tại Apple vẫn còn đó nguyên vẹn, trong êkip lãnh đạo cấp cao cũng như triết lý thiết kế sản phẩm mà ông để lại. Sức khỏe sa sút đã buộc vị đồng sáng lập huyền thoại của Táo khuyết phải nhường lại đế chế cho Cook vào cuối tháng 8, nhưng nửa năm ngồi ghế CEO của Jobs, Cook vẫn cho ra kết quả tốt hơn thể hiện cả năm của rất nhiều đồng nghiệp. Việc chuyển giao một đế chế khổng lồ như Apple đương nhiên không đơn giản chút nào. Jobs đã phải chuẩn bị mọi bước một cách kỹ lưỡng để Cook tiếp quản công ty mà không gây ra bất cứ sự hẫng hụt hay sảy chân nào. Hoặc giả cũng đã xảy ra sự cố, nhưng màn hình PR quá kiên cố và chuyên nghiệp của Apple đã thành công trong việc che đậy chúng.

Thật tiếc khi Jobs đã không thể đích thân giới thiệu iPhone 4S. Hãy tưởng tượng các fan công nghệ sẽ phấn khích thế nào nếu được Jobs dẫn dắt và mời mọc trải nghiệm Siri. Cook không phải là bậc thầy về thuyết trình: ông ấy hiểu rõ điều đó nên cũng chẳng gồng mình lên để trở thành người như vậy. Có lẽ điều đó sẽ giải thích cho phản ứng khá là lặng lẽ của cộng đồng công nghệ trước một sản phẩm rất thành công về mặt thương mại như iPhone 4S.

Nhưng trong giới, người ta vẫn theo dõi từng bước đi của Cook một cách sít sao. Cũng giống như vị tiền bối, Cook đã thể hiện được phong thái lãnh đạo cứng rắn, mạnh mẽ, đầy quyết đoán. Dưới sự điều hành của ông, iPhone, iPad và iMac vẫn tiếp tục bán chạy như tôm tươi trong nửa cuối năm 2011. Giá cổ phiếu Apple, nhờ đó, đã tăng hơn 17% trên cả hai sàn Nasdaq lẫn S&P 500.

Hiển nhiên những người hoài nghi vẫn cho rằng, muốn đánh giá chính xác tài năng của Cook thì phải chờ đến năm 2012, khi ông thực sự bay bằng đôi cánh của chính mình. Mặc dù vậy, đây vẫn được coi là một trong những cuộc chuyển giao quyền lực “mềm mại” và trơn tru nhất trong lịch sử. Và cũng thành công nhất.

2. Mark Zuckerberg

Facebook đã trở thành một hiện tượng văn hóa đến mức, khi có ai đó quyết định từ bỏ tài khoản của họ trên mạng xã hội này, báo chí cũng đưa thành “tin”.



Kể cả khi gã khổng lồ Google đã khai trương một mạng xã hội ảo riêng (là Google+), Facebook vẫn là mạng xã hội có thị phần vượt trội và được người dùng ưa chuộng hơn.

Có vẻ như Phố Wall cũng bị nhiễm hội chứng này, khi định giá Facebook cứ như thể nó từ thế giới khác tới (Giá trị trước IPO của Facebook lên tới 80 tỷ USD). Về phần mình, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Mark Zuckerberg cũng xuất hiện trên mọi tờ báo kinh doanh uy tín và được đủ các chương trình truyền hình ăn khách săn đón, phỏng vấn. Điều tệ nhất mà anh ta từng làm trong năm nay là mắc lỗi với việc kiểm soát quyền riêng tư cá nhân của người dùng. Một số blogger kết án đây là lỗi lầm không bao giờ có thể tha thứ, nhưng nhìn một cách công bằng, sự cố này không thể che mờ tài năng của vị tỷ phú trẻ tuổi.

Năm 2006, một vài người đã tiếp cận Zuckerberg và đề nghị mua lại Facebook với cái giá 750 triệu USD, đa số người đã nghĩ rằng Zuckerberg sẽ cầm ngay lấy tiền. Zuckerberg tự nghĩ mình là ai, Facebook là gì đây mà dám “thách thức” MySpace? Nhưng năm năm sau, MySpace đã bị loại khỏi cuộc chơi, trong khi Facebook có tới hơn 750 triệu người dùng active và kiếm được 500 triệu USD lợi nhuận (trên tổng doanh thu 1.6 tỷ USD của nửa đầu năm 2011).

Cũng giống như Bill Gates, Zuckerberg thể hiện tài quản lý của mình ở độ tuổi rất trẻ. Thí dụ điển hình nhất là mùa thu vừa qua, khi Facebook có thể phải đối mặt với vụ kiện từ Chính phủ Mỹ xung quanh scandal quyền riêng tư. Nhưng thay vì lấy đá chọi đá một cách ầm ĩ, ông chủ trẻ đã khôn ngoan ra lệnh cho Facebook thương lượng với Ủy ban Thương mại Liên ban (FTC) và để cho vụ việc được dàn xếp một cách êm thấm.

Tính năng mới mà Facebook giới thiệu năm qua – Timeline vừa chính thức được triển khai hồi tuần trước và thu được phản hồi ban đầu rất tích cực.

Tuy nhiên, chính đợt IPO dự kiến trong năm 2012 tới đây mới là biểu kế chính xác nhất cho mức độ thành công của Zuckerberg. Trong thời gian chờ đợi, ông chủ trẻ vẫn tranh thủ cơ hội đi nghỉ Giáng sinh, và điểm đến mà Zuckerberg lựa chọn chính là Việt Nam.

3. Larry Page (Google)

Từ cương vị đồng sáng lập nên Google, Page đã trở thành CEO hồi tháng 4. Dù thời gian trị vì của Page khá ngắn ngủi, nhưng dấu ấn mà anh ta để lại không hề mờ nhạt. Page đã đưa Google vào một cuộc chơi mới khi thâu tóm Motorola Mobility với giá 12, 5 tỷ USD. Đổi lại, Google sẽ sở hữu trong tay hơn 17000 bằng sáng chế các loại để sẵn sàng đấu với Apple và bảo vệ hệ điều hành Android). Cùng lúc đó, Android tiếp tục tăng trưởng theo kiểu… nhảy vọt. Theo Nielsen, hiện Android chiếm tới 40% thị phần smartphone, còn sự thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm thì càng không phải hỏi đến.



Và sau nhiều lần thử sức thất bại, cuối cùng thì Google cũng giới thiệu được một mạng xã hội thành công là Google+. Phố Wall có vẻ rất bằng lòng với những gì họ thấy. Vào ngày Page tiếp quản chiếc ghế CEO, giá cổ phiếu Google đóng cửa ở mức 587.68 USD. Còn vào ngày 15/12 vừa qua, mỗi cổ phiếu Google có giá 630 USD.

Một trong những thách thức lớn nhất của Page là việc Google đã trở thành một đế chế to lớn và rộng khắp. Mặt trái của nó chính là sự nặng nề, ì trệ của một tập đoàn với hơn 25.000 nhân viên trải khắp thế giới. Những ý tưởng mới xuất sắc sẽ rất khó vượt qua đủ mọi ban bệ để nhận được sự chú ý thích đáng từ phía tập đoàn. Đó chính là lý do vì sao Page đặc biệt quan tâm đến số lượng các dự án mà kỹ sư Google đang theo đuổi, tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực mà anh ta cho rằng có cơ hội đơm hoa kết trái cao nhất.

(Còn tiếp)

Trọng Cầm (Theo CNET)