- Trong những ngày đầu tháng 3 này, với “cầu nối” là GS Ngô Bảo Châu, một hiệu trưởng trường ĐH hàng đầu nước Mỹ đã tới Việt Nam bàn chuyện hợp tác giáo dục đại học.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Trong buổi làm việc sáng 8/3, GS Mai Trọng Nhuận, Giám đốc ĐHQG Hà Nội giới thiệu với đối tác, ĐHQG do Chính phủ quản lý trực tiếp, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao; cũng là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQG Hà Nội có nhiều điểm tương đồng với mô hình ĐH của Mỹ.

GS Robert Jeffrey Zimmer, hiệu trưởng thứ 13 của ĐH tư thục có tuổi đời hơn trăm năm nói, ĐH Chicago sẽ hợp tác với ĐHQG Hà Nội trong những lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội, quản trị kinh doanh.

GS Robert Zimber và GS Mai Trọng Nhuận ký kết biên bản hợp tác. Ảnh: Bùi Tuấn
Ông cùng GS Ngô Bảo Châu (đang làm việc ở khoa Toán) đã thảo luận với hiệu trưởng các trường thành viên của ĐHQG Hà Nội để tìm kiếm và mở rộng lĩnh vực hợp tác. Buổi làm việc kết thúc với việc tiến hành ký bản ghi nhớ.

Trong các ngày còn lại ở Việt Nam, từ 9/3, GS Zimber sẽ có các buổi gặp với lãnh đạo Chính phủ, Bộ GD-ĐT và ĐHQG TP.HCM…

Không chỉ lọt top 10 liên tục ở nhiều bảng xếp hạng có uy tín, ĐH Chicago còn sở hữu những giải Nobel đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế học và toán học, với con số ấn tượng 85 người đoạt giải Nobel từng có mối quan hệ trực tiếp.


Trường ĐH nằm ở phố Hyde Park, tiểu bang Illinois do nhà tỷ phú dầu mỏ John D. Rockefeller thành lập này nổi tiếng với các phong trào học thuật gây ảnh hưởng lớn thế giới như trường phái kinh tế học Chicago, trường phái xã hội học Chicago, trường phái phê bình văn học Chicago và phong trào luật, kinh tế học trong phân tích pháp lý.


Tại buổi giao lưu với sinh viên lúc 11h, GS Vũ Minh Giang nhắc lại câu chuyện 3 năm trước đây, vào ngày 11/ 3, khi ĐHQG Hà Nội ký biên bản hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.


Thỏa thuận giữa ĐH công lập có bề dày lịch sử với tập đoàn kinh tế lớn  của nhà nước có nội dung xây dựng, triển khai thực hiện đề án chiến lược để Việt Nam đoạt giải thưởng Nobel và các giải thưởng quốc tế có uy tín khác.


“Khi thông tin được đưa ra, có nhiều phóng viên gọi điện cho tôi, tỏ ý hoài nghi về “dự định siêu thực này” – GS Giang, cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử nói.


Ông Giang cho hay, trong nhiệm vụ chiến lược, ĐHQG Hà Nội đã chọn những ngành, chuyên ngành đang cận kề với trình độ quốc tế, đầu tư mạnh để nhanh chóng đạt trình độ quốc tế. ĐH cũng mời những nhà khoa học danh tiếng trên thế giới tham gia vào ban cố vấn chiến lược.


GS Giang nói, nếu không bắt đầu từ khởi dựng ước mơ, thì biết đến bao giờ mới vươn tới đẳng cấp quốc tế.


Tuy nhiên, không phải sinh viên nào của ĐHQG cũng biết được điều này.


Trong buổi giao lưu, GS Giang đã nhắc lại đề án “16+23” (một đề án lớn của trường về phát triển nghiên cứu) khi một sinh viên hỏi thông tin về kết quả của những biên bản hợp tác.


Được gặp trực tiếp nhà khoa học mà mình yêu mến trong phần giao lưu 30 phút, nhiều sinh viên ĐHQG Hà Nội đã đề nghị GS Ngô Bảo Châu chia sẻ kinh nghiệm vươn tới thành công.


Chia sẻ “bí quyết nỗ lực”, GS Ngô Bảo Châu nói mỗi ngày, ông đều tự nhủ cần học thêm một điều gì đó. Nhưng không phải lúc nào cũng "đi bộ" mà cũng có lúc phải “chạy”.


Ông kể lại câu chuyện mình đã hỏi bạn học người Pháp về bí quyết “ làm sao để đi bộ nhanh hơn” trong một lần leo núi, khiến cả hội trường cười sảng khoái:


“Bạn tôi nói, có một bí quyết. Đó là, trước hết chân trái phải đi trước chân phải, sau đó chân phải đi trước chân trái”.


Tự tin và phải thực sự đam mê, nhất là với những người làm nghiên cứu, tình yêu với khoa học cơ bản phải đặt trên các phạm trù khác - là những đúc rút ngắn gọn từ thành công của cá nhân mình mà GS Châu chia sẻ với các sinh viên.


  • Hạ Anh