- Người dự tuyển sẽ được miễn kiểm tra ngoại ngữ nếu có một số chứng chỉ, văn bằng, theo dự thảo 3 sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đưa ra ngày 18/3.

TIN BÀI KHÁC
Xấu hổ vì giễu bạn Nhật, nữ sinh xin nghỉ học
9X bất ngờ với lối nghĩ của phụ huynh
Bé lớp 5 tả trẻ tập đi tập nói

Đó là chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ (CEF) được cấp trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự tuyển nghiên cứu sinh.

Những người có bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài, có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành ngoại ngữ cũng được miễn.

Trường hợp người dự tuyển chưa có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp thì cơ sở đào tạo sẽ tổ chức kiểm tra trình độ ngoại ngữ của người dự tuyển theo khung năng lực tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của CEF. Dạng thức và yêu cầu đề kiểm tra ngoại ngữ tương đương cấp độ B1.

Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B2 hoặc bậc 4/6 trở lên theo CEF do các trung tâm khảo thí quốc tế hoặc cơ sở đào tạo sau đại học trong nước cấp.

Khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ, tên đầy đủ là Khung quy chiếu về trình độ ngôn ngữ chung châu Âu (Common European Framework of Reference for Languages) là một sáng kiến của Hội đồng châu Âu nhằm đưa ra một hệ thống mô tả các mức trình độ ngoại ngữ có thể đạt được của người học từ lúc mới bắt đầu đến khi đạt được trình độ gần tương đương với người bản ngữ.

Dự thảo: Kiểm tra ngoại ngữ theo CEF

ĐẦU VÀO (Cấp độ B1 hoặc bậc 3/6):

Dạng thức ra đề thi
Đề thi gồm 3 bài, tổng thời gian 135 phút.
Bài 1: Đọc viết (90 phút) - 60 điểm
Yêu cầu: Bài đọc viết theo ngôn ngữ đơn giản, có bố cục rõ ràng. Chủ đề quen thuộc, liên quan tới đời sống thường ngày (có thể lấy từ báo, tạp chí, tài liệu giáo dục, truyện, các mục trong bách khoa toàn thư…). Lượng từ mới không vượt quá 10% của trình độ B1.
Bài 2: Nghe hiểu (35 phút)  - 20 điểm
Yêu cầu: Thí sinh có 5 phút để nghe hướng dẫn cách làm bài, sau đó được nghe mỗi bài 2 lần, vừa nghe vừa trả lời câu hỏi. Thời gian mỗi phần nghe không quá 15 phút (kể cả thời gian làm bài). Phát ngôn rõ ràng, tốc độ từ chậm đến trung bình. Chủ đề cụ thể, bối cảnh giao tiếp quen thuộc, liên quan đến đời sống thường ngày.  Lượng từ mới không quá 5% của trình độ B1.
Bài 3: Nói gồm 3 phần(10 – 12 phút) - 20 điểm
Yêu cầu: Thí sinh bốc thăm 1 trong số 14 chủ đề nói của trình độ B1 liên quan tới 4 lĩnh vực: cá nhân, công cộng, nghề nghiệp, giáo dục (xem cụ thể 14 chủ đề trong phần Dẫn luận). Thời gian chuẩn bị khoảng 5 - 7 phút (không tính vào thời gian thi).

ĐẦU RA (Cấp độ B2 hoặc bậc 4/6)
Dạng thức đề thi
Đề thi gồm 4 bài, tổng thời gian 235 phút.
Bài 1: Đọc  và sử dụng ngôn ngữ (90 phút) 30 điểm
Yêu cầu: Ngôn ngữ sử dụng trong bài có thể cụ thể hoặc trừu tượng, có chứa khái niệm hoặc kiến thức chuyên môn ở trình độ trung bình, những người không chuyên nhưng có trình độ ngoại ngữ B2 có thể hiểu được. Lượng từ mới không vượt quá 10% so với trình độ B2.
Bài 2: Viết (90 phút) - 30 điểm
Bài thi viết sẽ  gồm 3 phần.
Bài 3: Nghe hiểu (40 phút)  - 20 điểm.
Yêu cầu: Thí sinh có 5 phút để nghe hướng dẫn cách làm bài, sau đó được nghe mỗi bài 2 lần, vừa nghe vừa trả lời câu hỏi. Diễn đạt rõ ràng, tốc độ từ chậm đến trung bình. Chủ đề cụ thể, quen thuộc hoặc nếu có liên quan tới chuyên ngành thì không chuyên sâu, người ngoài ngành có trình độ ngôn ngữ B2 có thể hiểu được. Lượng từ mới không quá 5% của trình độ B2.
Bài 4: Nói gồm 3 phần (15 phút) - 20 điểm.
Yêu cầu: Thí sinh bốc thăm 1 trong số 14 chủ đề nói của trình độ B2 liên quan tới 4 lĩnh vực: cá nhân, công cộng, nghề nghiệp, giáo dục (xem cụ thể tên 14 chủ đề trong phần Dẫn luận). Thời gian chuẩn bị khoảng 5 - 7 phút (không tính vào thời gian thi).

  • Vân Phong