GS Alain J.Lemaitre (trường ĐH Haute Alsace, Pháp) là người dành nhiều công sức để nghiên cứu về những hành vi mang tính thách thức trước sự biến chuyển và trước cuộc khủng hoảng các giá trị đương thời… của giới trẻ châu Âu.

TIN BÀI KHÁC


Định vị bản sắc cá nhân

 Thưa Giáo sư, theo ông, người trẻ đang định vị bản sắc của mình thế nào?


GS Alain J.Lemaitre
Bản sắc của một thanh niên là quá trình xây dựng nhân cách của một đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên.

Nhưng bản sắc này không phải là yếu tố bất biến. Nó là một điều gì đó luôn luôn được vận động bồi đắp qua thời gian.

Một thanh niên chưa tìm được bản sắc sẽ vẫn còn phải tìm kiếm để cá nhân hóa, cá thể hóa hành vi của mình, để khẳng định và xác định vai trò của mình trong nhóm, để phân biệt mình với nhóm.

Bản sắc của giới trẻ là kết quả của các mối quan hệ xã hội được hình thành nên. Và khi một thiếu niên chưa có một bản sắc thì câu hỏi đặt ra không phải cô bé cậu bé đó là ai mà là cô bé cậu bé đó là ai trong nhóm đó, xã hội đó.

Bản sắc có nhiều điểm khác biệt, được xây dựng một cách liên tục, và có quan hệ khăng khít với văn hóa nền tảng.

Nó liên quan tới tôn giáo, những hình tượng, hình mẫu mà thanh niên đó có trong đầu. Mỗi thanh niên đều có mơ ước trong đầu là hãy quên tôi đi, đừng động chạm đến tôi, hãy để mặc kệ tôi...

Thế nhưng thanh niên đó cũng đồng thời mong mỏi bản thân được thừa nhận trong xã hội. Khi đến tuổi trưởng thành thì người đó sẽ dần dần rời xa tổ ấm gia đình và xây dựng nên bản sắc riêng của mình trong mối quan hệ với xã hội. Từ đó, nhiều giá trị nền tảng mới sẽ được hình thành.

Như vậy, bản sắc là kết quả của những mối tương tác giữa cá nhân và các nhóm người trong xã hội, thưa Giáo sư?

Đúng vậy! Và mỗi một cá nhân hoặc là tiếp nhận chủ động hoặc là bị động.

Một cá nhân sẽ tự tham gia vào xã hội và tự xác định vị trí của bản thân mình. Anh ta vừa phải bảo vệ bản sắc của mình, vừa phải hòa nhập với xã hội.

Đây là hiện tượng cũng có ở trẻ con hay người lớn tuổi nhưng ở độ tuổi thanh niên thì phức tạp hơn rất nhiều.

Việc xây dựng bản sắc cá nhân xảy ra đồng thời hai hiện tượng: Chấp nhận, củng cố các giá trị cơ bản nhưng song song với quá trình này, thanh niên đó cũng tìm kiếm các giá trị riêng - khác. Nghe có vẻ trái ngược nhau, họ có nền văn hóa gốc nhưng đồng thời muốn hòa nhập vào nền văn hóa mới.

Đối với một số người, đó là tiến trình đồng hóa hòa tan, tức là thanh niên đó sẽ "hòa tan" vào trong nhóm mới và bỏ lại những giá trị văn hóa cũ của mình.

Nhưng một khả năng khác là thanh thiếu niên đó sẽ tìm cách hội nhập vào trong nhóm, sẽ tiếp thu những yếu tố của nhóm nhưng đồng thời vẫn giữ lại được những yếu tố riêng của mình và phối hợp một cách hài hòa. Một trường hợp khác nữa là, có thể thanh niên đó không thể hội nhập đồng hóa được.

Như thế có nghĩa là, tự thân mỗi cá nhân phải có một kế hoạch để xây dựng bản sắc riêng của mình?

Nó phải có sự đồng điệu nhưng vẫn có nét riêng trong nhóm.

Bề ngoài có vẻ đó là sự mâu thuẫn đối chọi nhưng điều đó sẽ giúp xây dựng nên nhân cách và bản sắc của một con người.

Và khi đó mỗi thanh niên phải làm được hai việc: Giữ được bản sắc của mình và đồng điệu với nhóm. Trong hoàn cảnh đó, một thanh niên có thể mất đi nền tảng, dấu mốc để có thể định vị được bản thân.

Châu Âu hiện chứng kiến sự tan rã của rất nhiều giá trị nền tảng trong gia đình, tư tưởng, tôn giáo… Việc đánh mất đi những giá trị này không phải thể hiện sự thay đổi trong xã hội.

Những thay đổi của xã hội diễn ra nhanh tới mức người ta không biết quy chiếu vào đâu nữa. Một xã hội biến chuyển không ngừng đang khiến cho nhiều người thu mình lại với xã hội.

 Khi mà các giá trị gia đình ngày càng mai một thì không ít người trẻ hướng về các giá trị tôn giáo để có được cảm giác thuộc về một nhóm nào đó. Tức là nó sẽ gắn với hiện tượng đơn cực hóa trong xã hội.

Việc biến mất các giá trị nền tảng xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và điều này dẫn tới sự bất an trong việc hình thành bản sắc của giới trẻ. Trong bối cảnh đó, nhiều thanh niên hoặc là tìm đến giá trị cũ để bấu víu vào đó hoặc số khác đi tìm cho mình bản sắc riêng.

Hiện tượng "đánh mất thiên đường"

Nhưng những giá trị biến đổi liên tục khiến nhiều thanh niên không thể tiếp cận và không biết mình đang ở đâu, thưa ông?

 Đó là lý do nhiều thanh niên chấp nhận rủi ro để xây dựng nên bản sắc của riêng mình.

Một bộ phận có cảm giác như mình nằm ngoài rìa của xã hội.

Theo số liệu thống kê, ở Pháp, có tới 25% thanh niên cảm thấy bi quan về tương lai. Khi những thanh niên không tìm được giá trị nền tảng trong thời thơ ấu, nó giống như bị đánh mất thiên đường - một thiên đường đang sống rất yên ả (ở tuổi thơ) nay không còn nữa.

Đây chính là quá trình đứt gãy trong giai đoạn hình thành tính cách khi một người (đương nhiên) phải bước sang tuổi trưởng thành mà không có được giá trị nền tảng.

Theo số liệu thống kê, ở Pháp, có tới 25% thanh niên cảm thấy bi quan về tương lai. Khi những thanh niên không tìm được giá trị nền tảng trong thời thơ ấu, nó giống như bị đánh mất thiên đường - một thiên đường đang sống rất yên ả (ở tuổi thơ) nay không còn nữa.

Như vậy sẽ tạo nên những rủi ro lớn, những sự bất an. Họ tự hỏi: Mình là ai? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời? Và những người đó tìm giới hạn của mình với người khác, mình với số đông.

Những lúc đó, người trẻ cần thể hiện quyền được lắng nghe...

Khả năng tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Tôi là ai? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?... nằm ở mối quan hệ của người trẻ đó. Và để một người trẻ xây dựng được bản sắc cho mình cũng phải có người lắng nghe.

Trong quá trình đó, giới trẻ có những hành vi chấp nhận mạo hiểm. Khi đó, được lắng nghe là một giá trị rất cơ bản. Chúng ta phải biết rằng, hiện nay, có những cái bất an của xã hội cũng là cơ hội để đứa trẻ tiến tới tuổi trưởng thành.

Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy sự biến mất của hệ thống các giá trị biểu tượng.

Nó sẽ làm ảnh hưởng tới việc chuyển giao giữa những thế hệ thanh niên các giá trị truyền thống để một người xây dựng được cái giá trị riêng của mình.

Có rất ít người giúp thanh niên định hướng đi theo con đường nào, cộng với việc thiếu đi những giá trị truyền thống sẽ khiến người ta cảm thấy lạc lõng.

Theo khảo sát ở Paris, thì tại những gia đình có cha mẹ thuộc dạng "rổ rá cạp lại", hoặc những gia đình nhập cư… thì con cái thường có nguy cơ cao hơn với việc thực hiện những hành vi mạo hiểm.

Và những hành vi mạo hiểm đó là gì, thưa ông?

Có rất ít người giúp thanh niên định hướng đi theo con đường nào, cộng với việc thiếu đi những giá trị truyền thống sẽ khiến người ta cảm thấy lạc lõng.

Ở trong gia đình thì không vấn đề gì, nhưng khi bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, người trẻ đối diện với nhiều thách thức. Điều tốt là nếu vượt qua thì người trẻ đó sẽ thành công. Nhưng nó sẽ là điều xấu khi không thể vượt qua được các thách thức và nhận về nguy hiểm cho bản thân.

Những hành vi mạo hiểm của giới trẻ sẽ phát triển tăng dần khi trong họ cảm thấy sự bất an, không thoải mái, khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội.

Sự mạo hiểm cũng không giống nhau ở từng thanh niên. Mục đích có thể là khẳng định bản thân hoặc nhắc nhở những người khác về sự tồn tại của mình.

Những thanh niên này có thể tìm đến rượu để quên đi những vấn đề khó khăn, hoặc là lái xe khi chưa có bằng lái… Những hành vi mạo hiểm như vậy đưa chúng ta tham gia vào nhóm và khiến cho ảnh hưởng từ hành vi cá nhân sẽ tăng cường thêm. Và lúc đó, những bạn trẻ này sẽ quên hết những giới hạn của cuộc sống.

Hiện nay, cuộc sống thường ngày ở Pháp quá tầm thường, đơn điệu, trạng thái đó dẫn tới những hành vi mạo hiểm như một sự thất vọng về cuộc đời.

Ở Paris, số lượng trẻ em nghiện ma túy ngày càng nhiều, nó giống như sự chống đối với những luật pháp mà Chính phủ đề ra.

Khoảng 25% người trong độ tuổi 15-29 tuyên bố là đã từng dùng ma túy. Và có tới 35% thiếu niên đã sử dụng cần sa. Những đứa trẻ này sẽ dần dần có những hành vi "chống" lại xã hội.

Kể cả tầng lớp thanh niên có cuộc sống của những "cô chiêu, cậu ấm", quá đầy đủ nhưng lại buồn chán, nhạt nhẽo và dẫn tới những hành vi mạo hiểm đến tính mạng.

Chính từ thực tế đó, mà hiện có không ít công ty được thành lập để phục vụ sự mạo hiểm cho thanh niên. Và những đứa trẻ khi sử dụng dịch vụ này, họ có cảm giác như thoát khỏi sự chán chường của cuộc sống.

Tự chủ để tránh tổn thương

 Ngày còn trẻ, ông đã từng có những hành vi mạo hiểm? Cách mà Giáo sư bước qua tuổi trưởng thành là gì?

Tôi chưa bao giờ sử dụng ma túy và không hối hận vì điều này! (Cười).

Khi tôi còn trẻ, có một điều tôi tâm đắc là luôn tuân theo lý trí, không để bản thân trượt vào các hành vi bất trắc.

Điều quan trọng là chúng ta phải sáng tỏ ở trong đầu mình. Việc hành vi mạo hiểm có thể xảy ra nhưng phải định lượng nó một cách cẩn thận.

Thời của tôi, được bao quanh bởi môi trường rất êm đềm, bởi xã hội ngày đó không có nhiều vấn đề phức tạp như bây giờ: Không AIDS, không có thất nghiệp nhiều, các mâu thuẫn không nghiêm trọng…

Mọi người sống rất vui vẻ, cũng chẳng bị áp lực bởi hiệu suất lao động. Tôi nghĩ, khoảng ¾ thanh thiếu niên đã biết dừng lại trước những giới hạn. Nếu chúng ta đặt mình trong "luật chơi", chúng ta có thể giành chiến thắng, và ngược lại.

Một nhóm người chạy đua theo hàng hiệu và coi đó như là "đẳng cấp" cá nhân. Dưới con mắt của một học giả chuyên nghiên cứu về bản sắc, ông thấy thế nào?

Tôi nghĩ, việc nhiều bạn trẻ thích hàng hiệu, bằng mọi giá để có nó không là một vấn đề to tát nếu như nó chỉ là một giai đoạn ngắn trong quá trình trưởng thành. (Tôi lấy ví dụ, vào cuối những năm 1960, để có thể đứng lên "chống" lại xã hội, thanh niên sẵn sàng để tóc dài).

Nhưng nếu cuộc đời thanh niên chỉ dừng lại ở việc chạy theo hàng hiệu thì đó là điều không ổn.

Hiện nay, ở Pháp, nhiều nữ sinh mới 16 tuổi đã mong mình có thân hình chuẩn như người mẫu, họ nhịn ăn nhịn uống.

Đó là điều đáng buồn bởi vì ngoài việc thân hình ngày càng gầy còm thì những nữ sinh đó sẽ không còn bản sắc của mình nữa.    

Vậy giáo dục đóng vai trò thế nào trong việc giúp người trẻ hạn chế những tổn thương trong quá trình định vị giá trị bản thân, thưa ông?

Cái cốt yếu là chúng ta đưa ra nhiều lựa chọn để chúng phát triển. Và khi đó ta cũng phải biết rằng đứa trẻ có thể sẽ không lựa chọn bất kỳ phương pháp nào, mà sẽ có lựa chọn của riêng nó. Việc của chúng ta là phải chấp nhận điều đó.

Tôi nghĩ, vai trò của giáo dục là làm thế nào để giới trẻ có nhiều lựa chọn và với mỗi một lựa chọn sẽ có một giá trị riêng, trên cơ sở khuyến khích sự tự chủ của người trẻ.

Ví dụ như sinh viên của tôi, tôi biết các em sẽ có những lựa chọn nghề nghiệp khác nhưng vai trò của tôi là làm thế nào để các em có thể thực hiện được cái lựa chọn đó.

Khi giảng dạy, tôi cố gắng đưa ra nhiều phương pháp phân tích để sinh viên lựa chọn, nhưng bản thân họ cũng có thể tạo ra một phương pháp phân tích khác.

Điều này nếu làm được thì rất tuyệt vời bởi sinh viên đã tự làm chủ được mình. Trẻ em cũng thế. Nếu chúng ta áp đặt cho chúng thì chắc chắn chúng sẽ không thích.

Cái cốt yếu là chúng ta đưa ra nhiều lựa chọn để chúng phát triển. Và khi đó ta cũng phải biết rằng đứa trẻ có thể sẽ không lựa chọn bất kỳ phương pháp nào, mà sẽ có lựa chọn của riêng nó. Việc của chúng ta là phải chấp nhận điều đó.

 Xin cảm ơn Giáo sư!

  •  Theo Sinh viên Việt Nam