- Liên tiếp sau chuyện “bức thư lạ của học trò” rồi đến cái chết đột ngột của em HS lớp 10, cô Phạm Mai Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) và các đồng nghiệp không khỏi sốc.


Buổi học định mệnh



Người thầy được nhắc tới trong những lá thư tuyệt mệnh của D. đã 10 năm, được đồng nghiệp nói có năng lực tổ chức, chuyên môn tốt, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi.

Không chỉ giảng dạy, thầy hiện còn là Bí thư chi bộ Tự nhiên, Trưởng Ban thanh tra nhân dân của trường.

"Một người dễ gần, đặc biệt là dí dỏm và hay đùa”.


Cô Mai Hương cũng chia sẻ: “Hậu quả bây giờ là quá lớn, mọi lời nói bây giờ cũng quá muộn, đôi khi vô nghĩa. Mình thực sự hối tiếc về sự việc đã qua. Sự sống của một con người khi đã mất đi không gì có thể bù đắp được. Nhưng ở góc độ lãnh đạo, mình nghĩ sinh mạng chính trị của một con người (thầy M.-PV) cũng cực kì quan trọng".


Về sự việc trước hôm D. quyên sinh, cô Mai Hương cho hay:

Theo tường trình của thầy M., chiều 28/4, khi gọi lên bảng chữa bài,D. không làm được, bỏ về chỗ mà không xin phép. Sau khi chữa bài xong cho các em khác, thầy giáo xuống chỗ D., thấy vở vẫn chưa làm được và có nhắc nhở "nếu không làm được thì xin phép không được tự bỏ về chỗ”.


Một số học sinh lớp 10C3, cùng lớp khẳng định thêm: Khi thầy M. hỏi bài tập trước đó đâu, D. nói quên ở nhà.


Các em cũng cho biết có chuyện D. nói to trước lớp với thầy việc mình không làm được bài. Và thầy M. có nói, nếu “anh” thấy học lớp này khó quá thì nên nói với cha mẹ xin chuyển lớp khác.


D. sau đó đã khóc. Lúc ra chơi, có bạn thấy cậu đứng ở hành lang, mắt buồn rượi, muốn tới an ủi, D. chỉ nói “không sao, bạn vào lớp trước đi”.


Mặt buồn thiu, P.T.T, lớp 10C3 cũng như các bạn đều cho rằng: “Nếu mình học bài chưa tốt, thầy có nhắc nhở là chuyện bình thường. Hành động của D. vội vàng, thiếu suy nghĩ quá”.


D.X.L cho biết: “Ở lớp D. học tự nhiên, học môn Hóa học không tốt lắm. Bạn ấy cũng bình thường, vui vẻ, hòa đồng với các bạn. Có điều, không chơi thân lắm với các bạn trong lớp. D. cũng hoạt động sôi nổi, là thủ môn trong đội bóng của lớp”.


Gia đình: Nếu thầy trao đổi nhẹ nhàng
...

Suốt mấy ngày nay, bố mẹ D, làm ở một  công ty đóng tàu, vẫn không thể tin được cậu con trai “hiền lành, ngoan ngoãn” của anh chị đã ra đi.


Người bố gương mặt thất thần: “Cháu nó tính tự lập lắm, nếu bố mẹ vắng nhà vài ngày cháu đều tự lo sinh hoạt, ăn uống cho hai anh em.


Thi lên cấp III, biết mình học chưa thực tốt nên cháu rất cố gắng. Từ hơn 2 tháng rưỡi trở về đây, đêm nào cháu cũng học đến 12h30, thậm chí 1-2h sáng”.


Hồi mới vào lớp 10, sau gần 1 tháng học cùng bạn bè, D. có nói với bố mẹ chuyện mình chưa được hòa đồng với các bạn. Ngay sau đó, anh chị cho biết đã gặp riêng thầy M. (chủ nhiệm lớp) mong thầy giúp đỡ, “thường xuyên liên lạc để trao đổi”.


“D. cũng nói với mẹ chuyện học hóa ở lớp thầy dạy nhanh, chưa hiểu lắm. Tôi khuyên cháu đi học thêm. Nhưng cháu nói sắp thi học kì nên không còn thời gian và hứa với mẹ tới hè sẽ đầu tư học tốt môn này. Vậy mà,…” – người mẹ sụt sùi.


Ngồi cạnh bên, bố D. ngậm ngùi: “Tôi chắc chắn nếu thầy trao đổi nhẹ nhàng, quan tâm giúp đỡ thì hậu quả đã không đau lòng như thế. Trước ngày D. mất, gia đình tôi còn phấn khởi lắm vì học kì II, thầy cô bộ môn cũng đánh giá cháu có nhiều tiền bộ. Tôi thông cảm với trách nhiệm người thầy nhưng lo lắng cho các thế hệ tiếp theo và ngành giáo dục".


Chiều 29/4, trước khi cháu đi, thầy M. gọi báo con tôi nghỉ học không phép, rằng hôm qua con anh không học bài tôi đã mắng cho một trận, nói “con anh cứ điên điên, khùng khùng”.


“Dù có D. thứ hai thì chúng tôi vẫn nuôi dạy như thế. Vợ chồng tôi có nhiều thời gian bên con, tạo mọi điều kiện cho các cháu nhưng chúng tôi thực sự đau lòng vì nếu ý thức được chuyện đã từng xảy ra ở Trường THPT Trần Phú (cô mắng trò 18 phút) hẳn thầy M. sẽ không hành động như vậy” – người mẹ lên tiếng.


Cứ thế này, sẽ không còn giáo viên tâm huyết nữa?!


Cô Mai Hương nói: "So với ngày trước, tuổi trẻ, học trò bây giờ khác nhiều lắm.
Để giáo dục một đứa trẻ thành một nhân cách hoàn thiện, thành người cần phải có sự sâu sát, gần gũi của gia đình, nhà trường. Xã hội, báo chí cũng phải chung vai trong trách nhiệm nặng nề ấy".

Một giáo viên dạy môn Lịch sử trong trường tâm sự: Chuyện đã xảy ra, hậu quả khiến ai cũng đau lòng nhưng tôi nghĩ và tin rằng, người thầy (thầy M.) ý thức được hành động của mình, chứ không có chuyện xỉ vả, hạ nhục em như dư luận vẫn nói.


Trường có bề dày 90 năm tồn tại, phát triển. Hơn ai hết, những giáo viên như chúng tôi ý thức được trách nhiệm.


Hiện, học trò có nhiều kênh tiếp nhận thông tin và không ít trong số đó, có ảnh hưởng không tốt tới các em như trào lưu tự tử ở Nhật Bản chẳng hạn. Nếu là người cứng cỏi, có nhận thức đúng, các em sẽ vượt qua.


Nhưng ngược lại, có em chưa suy nghĩ chín chắn, cha mẹ không biết hoặc các em không chia sẻ mà âm thầm điều chỉnh đôi khi sẽ dẫn tới hậu quả đáng tiếc.


Là giáo viên, bây giờ áp lực lớn nhất là dư luận xã hội. Người thầy vừa phải gánh trách nhiệm truyền kiến thức lại đảm nhận luôn việc giáo dục nhân cách cho học trò. Chúng tôi hiện phải nhận nhiều điều tiếng không hay.


Đôi khi, tôi vẫn nói với học trò, nếu cứ tình trạng như hiện nay, không mấy nữa sẽ chẳng còn lại yêu và tâm huyết với nghề cả. Thầy giáo tới trường bây giờ dễ “mắc bẫy” của học trò lắm chứ vì các em nhiều khi còn “lớn” hơn cả thầy.


TS Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí-Tuyên truyền: Tưởng quan tâm nhưng lại chưa phải
 “Giáo dục hiện nay còn quá thiếu và yếu việc trang bị kĩ năng sống cho học trò, đặc biệt là việc cho các em được thực hành giao tiếp, tham gia hoạt động nhóm, bày tỏ quan điểm, chia sẻ cảm xúc.

Do vậy khi xảy ra khó khăn, khủng hoảng, dễ có những hành động tiêu cực như tìm đến cái chết,…

Trẻ bị “cô lập” trong một thế giới đông người, bó hẹp trong môi trường nhỏ, ít tiếp xúc với xã hội, ít có thời gian hoạt động thể thao hay được quá tôn trọng, quen được phục vụ đều không tốt.

Khi tới trường lớp, các bạn đều bình đẳng, không được ưu tiên nữa nên thầy cô hơi mắng nhiếc thì các em coi đó là hành động không thể chịu đựng được, cảm thấy hụt hẫng, khủng hoảng.

Việc lo cho các con mọi việc, các em chỉ suốt ngày biết học, không phải làm gì cả, nhiều gia đình cưứ tưởng quan tâm nhưng lại không phải, mà chỉ khiến các em chịu áp lực phải học thật tốt.

Kiến thức là vô bờ bến, chúng ta thì môn nào cũng muốn đưa vào, trong khi lại giảm, thậm chí quên rèn luyện kĩ năng sống cho học trò.

  • Văn Chung