- “Tôi muốn các em dùng sách là để thư giãn, “chơi” với môn học giống như giải ô chữ trên báo chí, nhưng đây là ô chữ lịch sử  theo kiến thức trọng tâm của từng bài học và “chất” của câu hỏi phù hợp với trình độ từng lớp học.”


Đó là những điều mà thầy Trần Đình Ba, giáo viên trường trung cấp Phương Nam TPHCM, luôn tâm huyết trong suốt quá trình thực hiện ý tưởng biên soạn ra bộ sách tham khảo “Chơi ô chữ Lịch Sử THCS” rất mới và lạ.

Thầy Trần Đình Ba, giáo viên trường trung cấp Phương Nam TPHCM
“…Chơi để học”

“Tại sao mình lại không áp dụng ô chữ vào trong môn học này cho bớt khô khan?”.

Ý tưởng đó xuất hiện cùng lúc với gợi ý của biên tập viên Đức Thiện (NXB Trẻ), thầy Ba bắt tay viết liền một mạch bộ sách Chơi ô chữ môn Lịch Sử THCS với 5 cuốn chia thành nhiều tập.

Từng là cộng tác thiết kế ô chữ cho nhiều tờ báo nên thầy Ba có khả năng thiết kế nhiều dạng ô chữ với những chủ đề khác nhau. Nhưng khi thiết kế ô chữ lịch Sử cho học sinh phải đặt vào trình độ học trò làm xuất phát điểm, tuân thủ nghiêm ngặt nội dung trong SGK.

Hình ảnh làm nền cho ô chữ được chọn sao cho phù hợp với nội dung, tạo trực quan và gây sự thu hút cho học sinh. Cách biên soạn sách theo hình thức "lạ" này không phải là chuyện dễ dàng.

Thầy Đình Ba chia sẻ: “Nhiều khi cảm thấy bức bối vì luôn bị giới hạn bởi dung lượng kiến thức cung cấp cho học sinh, và khả năng hiểu biết của mình có thể làm được nhiều hơn thế, nhưng lại có thể làm loãng kiến thức trọng tâm muốn truyền tải”.

Bộ sách của thầy Ba được thực hiện trong bối cảnh chất lượng dạy và học môn Lịch Sử đang dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt là sau kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH vừa qua với hàng loạt bài thi đạt điểm 0 môn Sử, thậm chí một số trường ĐH còn có tới hơn 90% bài thi Sử dưới điểm trung bình.

Cuốn sách có tiêu đề mở đầu bằng chữ: “Chơi…”. Theo thầy Ba, cuốn “chơi ô chữ Lịch Sử” là sách tham khảo cho học sinh, nhưng giáo viên vẫn có thể dùng áp dụng vào bài giảng, phụ huynh có thể dùng để dạy con ở nhà, đó là tính đa dạng về đối tượng của sách.

Tuy nhiên, câu hỏi đưa ra để học sinh điền vào ô chữ tương đối dài, và hình ảnh chưa thực sự bắt mắt: “Nếu có cơ hội tái bản, tôi sẽ Sửa những lỗi này.” – Thầy khẳng định.

Ô chữ trong phần nộidung học về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng

Để học sinh "sống" cùng lịch sử

"Tại sao sau khi có phần nguyên nhân, diễn biến, kết quả rồi, phần ý nghĩa, tác dụng của sự kiện không để học sinh suy nghĩ từ những cứ liệu đã có, đấy cũng là một cách phát huy tư duy học sinh” - Thầy Trần Đình Ba
Trong lúc nền kinh tế thị trường phát triển, cả xã hội bung ra làm kinh tế, chú trọng vào các môn khoa học tự nhiên, nên để học sinh có tình yêu với môn sử thực sự là vấn đề nan giải.

Bởi vậy, ngoài việc thay đổi về phương pháp dạy và học, còn phải thay đổi cách viết sách và đọc sách.

 “Làm sao trình bày mỗi sự kiện lịch sử nào đó phải toát lên được cái thần của nó, điểm riêng của nó so với những sự kiện khác, chứ đừng cứ “ta thắng, địch thua”, “Kết quả, ta tiêu diệt và bắt sống được… địch, bắn rơi và phá hủy… máy bay,…”

Tại sao sau khi có phần nguyên nhân, diễn biến, kết quả rồi, phần ý nghĩa, tác dụng của sự kiện không để học sinh suy nghĩ từ những cứ liệu đã có, đấy cũng là một cách phát huy tư duy học sinh” – thầy Ba phân tích.

Nói về chủ trương giảm tải sách giáo khoa Lịch Sử, thầy cũng cho rằng nên giảm tải về nội dung sách, loại bỏ bớt những phần mang tính mô típ hay lặp lại như nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa.

Giảm tải dung lượng kiến thức trong SGK nhưng không có nghĩa là giảm tải số tiết dạy môn Lịch sử. Vì vậy, cần để cho họ được tăng tiết thực hành để tổ chức hoạt động ngoại khóa, cho học sinh thảo luận, thiết kế trò chơi của môn sử trên lớp cho học sinh. Khi học sinh được “sống” cùng các sự kiện lịch sử thì sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ hơn và có cảm xúc thật hơn với sử.

Nhiều ý kiến nhận định phương pháp mới của thầy Ba khá “lạ” và bước đầu nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh cũng như học sinh. Tuy nhiên, học sinh chỉ nên sử dụng sách để tham khảo bên cạnh việc kết hợp với sách giáo khoa và nhiều hình thức khác.

Với tâm huyết của người thầy tận tụy ngày đêm tìm “lối thoát” cho môn sử nước nhà, người thầy thế hệ 8x luôn trăn trở: “Tôi chỉ mong sao những người có trách nhiệm và xã hội tìm ra giải pháp tốt nhất đưa môn Lịch sử trở lại đúng vị trí của nó, là một trong những môn khoa học đầu ngành giáo dục như nó vốn có cách đây hơn 1 thập niên. Hãy bắt tay vào tìm thuốc chữa khi đã thấy bệnh.”

  • Thu Thảo
Giải pháp cho học sinh dốt Sử và không thích học Sử
Tinh thần chung của cả cuộc đời học Lịch sử đó là người học phải sống lại cái Lịch sử đã âm thầm trôi đi với rất ít dấu vết sót lại.
 
Dạy thầy cách làm cho trò yêu môn Sử
Trong lớp học dành riêng cho người làm công tác giáo dục, người tham dự học cách đưa trò chơi, phim tư liệu, bản đồ tư duy... vào bài giảng lịch sử, giúp học sinh chủ động tìm hiểu môn học tưởng là khô khan này.
 
Lịch sử Ngoan, lịch sử Hư...
Từ bỏ lối nhìn "siêu hình" về lịch sử thì có thể thấy lịch sử giống như một cô gái lúc ngoan, lúc hư; lúc hư, lúc ngoan, có thể và biết đâu lại là "2 trong 1", và kỳ cùng mà nói thì đánh giá cũng không phải dễ.
 
Dạy - học môn Lịch sử: Cần "thay da đổi thịt"
Những câu hỏi yêu cầu luôn luôn là thuộc lòng, ghi nhớ máy móc theo kiểu "tra tấn thông tin" vô tình làm cho học sinh "tụng kinh" lịch sử trong thời đại văn minh số của thế kỷ XXI.