- Một thập niên trước, phần lớn các giáo sư kinh doanh đều khao khát hướng về phía tây, đến nước Mỹ. Và những ngày này, họ đang đi theo hướng ngược lại: châu Á trở thành điểm nóng với các nhà tư tưởng hàng đầu.
Hình minh họa. Nguồn ảnh: saibottechnologies |
John Quelch - giáo sư marketing Harvard và nguyên là hiệu trưởng trường Kinh doanh London cho rằng, một trong những lý do rõ ràng nhất cho dòng chảy chất xám này là sự phát triển của các nền kinh tế châu Á.
Bản thân ông Quelch cũng đã nhận chức hiệu trưởng Trường kinh doanh quốc tế Trung Quốc – Châu Âu (CEIBS) tại Thượng Hải trong tháng 1.
“Quỹ đạo tăng trưởng tương đối đang nghiêng về châu Á, chứ không phải là châu Âu và Mỹ. Tại Mỹ, sự không khoan nhượng về chính trị gần đây càng làm gia tăng cảm giác khó chịu" - ông Quelch giải thích.
Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế giờ đây đi cùng với quan điểm sẵn sàng đầu tư vào giáo dục chất lượng cao. “Việc cắt giảm ngân sách cho đại học ở các nền kinh tế phát triển đã tác động tới các trường học xét trên khía cạnh cấp ngân sách cho công tác nghiên cứu, đặc biệt là những trường đại học công lập. Giảng viên được yêu cầu chú trọng dạy nhiều hơn (khi nghiên cứu đòi hỏi chi phí đắt đỏ)".
Đầu tư tài chính đặc biệt rõ ràng ở Singapore, nơi các trường kinh doanh đang "trả lương theo số điện thoại" để thu hút các giáo sư hàng đầu. “Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều cảm thấy rằng, các chính phủ đều cam kết đầu tư vào giáo dục và các tổ chức giáo dục" - giáo sư de Meyer, hiện là hiệu trưởng trường Đại học Quản lý tại Singapore nói. “Tinh thần sẵn sàng đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục là rất cao".
Giáo sư Thomas, hiệu trưởng trường Kinh doanh Lee Kong Chian tại Đại học Quản lý Singapore (SMU) nhận định: Đầu tư vào nghiên cứu đồng nghĩa với việc rất nhiều trường châu Á giờ đây có thể cạnh tranh ở mức cao nhất trong loại hình nghiên cứu đòi hỏi sự nghiêm ngặt, - theo dữ liệu do các trường kinh doanh Mỹ cung cấp. Năm 2011, có 10 trường kinh doanh châu Á lọt vào xếp hạng top 100 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới do Đại học Texas ở Dallas biên soạn, trong khi đó, châu Âu chỉ có 6 trường.
Tuy nhiên, để xây dựng danh tiếng trong tính chính thống nghiên cứu Mỹ, các trường kinh doanh châu Á giờ đây đang tự phát triển hệ thống điểm tham chiếu của mình, giáo sư Thomas cho biết. “Trước đây, mô hình Mỹ từng chiếm ưu thế, nhưng giờ đây bạn có thể thấy nhiều giai đoạn cách tân".
“Người Trung Quốc muốn ứng dụng lập tức những gì học được. Còn người Mỹ bị kẹt trong các báo cáo chính thống nặng tính lý thuyết. Họ ưa lý thuyết hơn là thực tế. Trong một thị trường đang nổi thì tất cả chỉ là vấn đề bối cảnh thực tế - giáo sư Yip
|
Sự đổi mới nhanh chóng này là một lý do khiến tại sao châu Á trở nên thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu. Những câu hỏi như làm sao để quản lý các công ty với mức tăng trưởng hai con số, hay hình chóp tiếp thị là thế nào... là những tâm điểm nghiên cứu châu Á.
Với giáo sư Yip - người sẽ đứng đầu Trung tâm Đổi mới Trung Quốc, câu hỏi sẽ là tại sao bây giờ lại có thể nói về sáng tạo ở một quốc gia nổi tiếng với chuyện sao chép? Với giáo sư Schmitt, vấn đề là việc nghiên cứu tiêu dùng. "Trong nửa sau thế kỷ 20, người tiêu dùng Mỹ là điểm tham chiếu... còn trong tương lai: người tiêu dùng châu Á lại có thể trở thành điểm tham chiếu".
Giáo sư Sheppard nhấn mạnh: Sự đổi mới ở châu Á có thể được sử dụng để góp phần tạo ra những thay đổi trong các trường đại học phương Tây. Ông đã không làm hiệu trưởng tại Fuqua để trở thành người phụ trách gây quỹ và phát triển kinh doanh cho trường Đại học Duke KunShan Trung Quốc đầu năm nay.
Tuy nhiên, sự chuyển giao thử nghiệm thành công từ Trung Quốc tới Mỹ chỉ là một lý do cho lòng nhiệt tình của ông. “Thực sự là có một cơ hội ở Trung Quốc để có thể vươn ra ngoài khuôn khổ tổ chức, và để giúp đất nước. Đó còn hơn cả việc đào tạo thêm nhiều kỹ sư. Đây thực sự là một tiềm năng để giúp đất nước phát triển".
Ông nói, có nhiều trường kinh doanh tới Trung Quốc để kiếm tiền. "Với tôi, đó là điều ít hứng thú nhất. Đó còn hơn cả việc tiếp xúc vứoi những sinh viên sáng láng, còn hơn cả quy mô của thị trường, đó là tiềm năng để giúp sáng tạo ra mọi thứ. Đây mới chính là tầm cỡ ủa cơ hội".
Giáo sư de Meyer còn chỉ ra sự thay đổi trong cân bằng quyền lực giữa giới kinh doanh và giới nghiên cứu 0của Mỹ và Trung Quốc. "Hầu hết các trường kinh doanh Mỹ coi châu Á là nơi để bán giáo dục, chứ không phải nơi mà bạn có thể học được điều gì".
Các giáo sư giờ đây tập trung vào châu Á thường dành rất nhiều năm để nghiên cứu về khu vực này. Giáo sư Schmitt đã dạy ở châu Á 20 năm qua, trong khi giáo sư de Meyer đã thành lập trường Insead tại Singapore. Tất cả họ đều phát triển theo hướng ổn định.
Nhưng giờ đây, con số các giảng viên trẻ mong muốn đến châu Á cũng tăng lên đáng kể. “Ở mức độ trẻ hơn, một số giảng viên mang con đến gặp tôi và nói, họ muốn tới Trung Quốc nên muốn con mình thông thạo hai thứ tiếng", giáo sư Quelch nói. “Cách đây năm năm, bạn sẽ không thể nghe được điều này".
Giáo sư de Meyer kể rằng, khi lần đầu tiên ông chuyển tới Singapore để thành lập Insead, ở đây không có trường học địa phương chất lượng cao hấp dẫn các giảng viên trẻ. "Giờ đây, bạn có thể xây dựng một sự nghiệp hàn lâm thực sự tại đây. Mọi người chọn nơi này vì chất lượng cuộc sống, nhưng họ cũng cảm thấy rằng, họ sẽ được tuyển dụng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới".
Theo giáo sư Yip, điều này có được là nhờ mạng lưới công nghệ tân tiến. “Các trường hàng đầu châu Á giờ đây có thể mang lại cho bạn những sự trợ giúp mà bạn chỉ có hể có được ở các trường 'đỉnh' của phương Tây. Lúc này, bạn có thể trở thành một phần của cộng đồng học giả toàn cầu".
Giáo sư Thomas dự đoán rằng, các nước châu Á khác cũng sẽ đầu tư vào hệ thống trường kinh doanh. “Indonesia thì đang ngồi trên cả đống tài nguyên; còn Việt Nam đang phát triển và họ thực sự có óc kinh doanh". Những xu hướng phát triển ở Trung Quốc cũng như Singapore có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Huy Tuấn (theo FT)