-“Bạn cần phải vừa lãng mạn vừa thực tế khi bắt đầu một dự án kinh doanh mới” - Anjan Raichaudhuri, giáo viên dạy môn khởi sự doanh nghiệp tại Học viện Quản lý Ấn Độ tại Calcutta đúc kết.

Hình minh họa. Nguồn ảnh: the-nri
Những năm gần đây, số doanh nghiệp sinh viên hay doanh nghiệp do người mới ra trường thành lập tại Ấn Độ đang tăng lên nhanh chóng, dù cho nhà đầu tư chưa mấy mặn mà.

Tất cả các doanh nghiệp đều do những người mới bắt đầu bước vào hay đang ở độ tuổi đôi mươi điều hành. Đó đều là những công ty nhỏ, có thể sẽ phát triển, hoặc có thể thất bại.

Mạng Doanh nghiệp quốc gia (viết tắt là NEN) là tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 2003 với sứ mệnh xây dựng và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trẻ, cải thiện tình trạng việc làm và tăng trưởng tại Ấn Độ. Đầu năm nay, họ phát động Cuộc thi toàn quốc về công nghệ thông tin đầu tiên cho các doanh nghiệp sinh viên mới thành lập, và nhận được 99 ứng dụng gửi về.

99 ứng dụng này đòi hỏi ít vốn đầu tư, như dịch vụ IT, dịch vụ truyền thông di động, thương mại điện tử.

Laura A. Parkin - đồng sáng lập kiêm giám đốc NEN - chia sẻ: “Dù đó là công nghệ thông tin, công nghệ làm sạch, giáo dục, truyền thông hay bán lẻ - thật thú vị khi các chủ doanh nghiệp này dù đều không giàu có nhưng vẫn đang tự bỏ tiền túi ra kinh doanh”.

Thông qua các văn phòng điện tử eCell, NEN phát triển một bộ chương trình hoàn chỉnh để xây dựng môi trường doanh nghiệp ngay tại các khu học xá. Chương trình này hiện có mặt tại 540 trường trên khắp Ấn Độ.

R.S. Veeravalli - phụ trách “văn phòng doanh nghiệp” của Học viện Quản lý Great Lakes - dẫu vậy tỏ ra khá bi quan: “Cơn chếnh choáng sau thời dot-com còn chưa hết và nó khiến tôi lo ngại khi sinh viên nói về kinh doanh trên nền tảng web. Thực tế đáng buồn là chỉ khoảng 10 trong 1.000 doanh nghiệp mới thành lập là thành công”.

Tuy nhiên, các thị trường ngách thuộc các ngành như nông nghiệp, sinh học, công nghệ nano và năng lượng sạch đang trở nên ngày càng hấp dẫn nhờ những khuyến khích từ chính sách.

Hiện, Học viện Quản lý Ấn Độ hiện đang có một số doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực cung cấp giải pháp bảo mật, dịch vụ tiếp cận Internet thông qua điều khiển TV, hoặc đo lường lượng khí carbon phát thải ra môi trường cho các tổ chức.

Dù họ lựa chọn lĩnh vực hoạt động nào, có một thực tế rõ ràng là số lượng doanh nghiệp do sinh viên thành lập đang tăng lên nhanh chóng.

Aditya Mishra - đồng sáng lập và giám đốc của HeadStart - một tổ chức chuyên hỗ trợ xúc tiến kinh doanh, nói: “Mỗi năm, số lượng doanh nghiệp mới mở tăng gấp ba lần so với 3 năm trước. Nhưng việc thành lập doanh nghiệp mới giờ đây đòi hỏi vốn ít hơn và khi các quỹ tài trợ của các công ty đa quốc gia chỉ muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư lớn hơn, thì khoảng trống họ để lại cũng khó lấp đầy”.

Việc thiếu sự quan tâm của nhà dầu tư không làm giảm đi niềm khao khát kinh doanh của sinh viên của Học viện Quản lý Kharagpur. Ngoài 15 dự án kinh doanh mới mà sinh viên của trường giới thiệu mỗi năm, còn có 20 dự án kinh doanh nữa cũng xuất hiện từ chương trình khởi sự kinh doanh cấp bằng kép.

Tại Học viện quản lý ở Kolkata, Trung tâm Khởi sự doanh nghiệp và Đổi mới (CEI) cung cấp rất nhiều chương trình học về Khởi sự doanh nghiệp cho sinh viên mới tốt nghiệp và người đã đi làm.

Trung tâm cũng khuyến khích phát triển các dự án nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của việc khởi sự kinh doanh. CEI còn cung cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các dự án kinh doanh có triển vọng thông qua các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nhận diện cơ hội và xác định nguồn lực, cung cấp giao diện công nghiệp cần thiết và thu xếp vốn tài trợ.

“Trong hầu hết trường hợp, các sinh viên có ý định theo đuổi dự án kinh doanh của riêng mình từ khi còn đi học thường chỉ mở công ty sau khi đã ra trường và có kinh nghiệm việc 5-7 năm. Điều này cho phép họ có được một mạng lưới quan hệ cần thiết để thành lập công ty” - Anjan Raichaudhuri, giáo viên dạy môn khởi sự doanh nghiệp tại Học viện Quản lý Ấn Độ tại Calcutta, nhận xét.

“Bạn cần phải vừa lãng mạn vừa thực tế khi bắt đầu một dự án kinh doanh mới” - Anjan Raichaudhuri bình luận.

  • Đình Ngân (theo Livemint)

Con đường làm giàu của triệu phú 14 tuổi
Sinh ra tại khu ổ chuột thành phố Chicago (Mỹ) và bắt đầu sự nghiệp của mình từ những hòn đá trang trí bằng tay, 14 tuổi, Farrah Gray đã trở thành triệu phú.
 
Doanh nhân tuổi teen - tại sao không?
Vào đại học mở ra một cơ hội lớn để vừa kiếm tiền vừa kiếm một tấm bằng. Bốn nhà-doanh-nghiệp-sinh viên sẽ nổi tiếng của Anh sẽ tiết lộ bí quyết kiếm tiền từ những kiến thức học được.
 
Doanh nhân teen: Chỉ cần ý tưởng
"Tôi nghĩ những trải nghiệm có được từ môi trường đại học, từ việc cân đối các nhu cầu cũng như quản lý cuộc sống và túi tiền của bản thân sẽ đem lại cho tôi càng nhiều ý tưởng hơn nữa".