- Là "lão nông-chính hiệu" công dân thủ đô, sống trong lòng “trái tim của đất nước” Hà Nội mà mỗi lần ra thành phố,  lão thấy mình như lạc lõng giữa phố phường tấp nập. Đứng chống tay, mắt đăm chiêu, lão chép miệng, thở dài buồn bã.




Lão tên Trịnh Văn Hùng, sinh năm 1953. Hôm 8/10, trời nắng to. Từ quê nhà xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn ra trung tâm thủ đô chuẩn bị cho lễ vinh danh "công dân thủ đô ưu tú năm 2011", lão và người bạn có rủ nhau vào một quán bia làm vài cốc cho mát. “Thế mà sợ quá. Người ta hò hét, chửi bới, lợi dụng cái men say mà chửi bới rồi tính gây sự, hành xử với nhau”.

“Không sợ sao được khi mà bây giờ, thậm chí, chỉ cái nhìn đểu nhau người ta đã có lí do để gây nên án mạng rồi”. Phận nông dân chân đất, thô kệch như lão “nói, can thiệp có khi còn bị tẩn cho ấy chứ”.


Ấy, nói vậy thôi mà có lần lão cũng tham gia bắt được tên trộm ở quê đấy! Khi đó, là lão đang đạp xe đạp từ ruộng lúa về nhà. Nghe người ta hô cướp từ xa, rồi thấy một người lạ lao xe máy phóng gần tới phía lão. Chẳng ngại, lão lao ngay xe vào tên cướp. Hai bên ngã kềnh cang. Lão hú hồn “may mà mình chỉ xây xát nhẹ”.


Vào nội đô, lão bảo ít khi đi một mình mà phải có người đi cùng, đèo vì đường đông, xe cộ chen lấn rồi lạng lách, tai nạn như chơi. Hà Nội với một người công dân thủ đô như lão mà cũng thấy chóng mặt trước sự đổi thay của nó.


Người trong đô thành, theo lão, thay đổi nhanh hơn những vùng quê cách xa thủ đô như quê của lão đây. “Bây giờ, nhìn các cháu trai cháu gái ăn mặc mà nhiều khi mình thấy ái ngại, thấy nó lố lăng quá!”.


Là nông dân nhưng lão cũng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi lợn công nghiệp. Với số tiền ấy, lão dư sức mua sắm, tạo cho mình bộ cánh đẹp. Nhưng cái chất lính, chất nông dân của lão không quen.


Rồi lão hồi tưởng lại những ngày xa xôi, cùng chung chiến hào với anh em người nội đô. Khi ấy điếu thuốc cũng chia đôi, mảnh chăn nhỏ cũng đắp cùng, đồng phụ cấp ít ỏi cũng dành san sẻ cho nhau.


Lão nhớ về một người Hà Nội của ngày xưa, một người xa lạ tuổi tầm 40-50 hồi ấy đã đèo lão từ ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) khi lão vừa xuống ga, ngơ ngác giữa phố phường ra tận trụ sở Bộ Tư lệnh Thông tin cách đó gần 10km, ân cần hỏi han tình hình của lão. Người Hà Nội ấy làm một cách tự nguyện, nhiệt tình mà không đòi hỏi gì ở lão cả.


Tất nhiên, là lão nói thế nhưng Hà Nội bây giờ cũng nhiều người sống tốt, sống đẹp lắm. Như hôm 8/10, lão cũng nhận được cái chào thân ái của hai bố con người xa lạ khi vào ngồi quán nước. Người bố ấy cũng tận tình chỉ đường cho lão tới Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Xô. Và lão tự an ủi, chắc chỉ một bộ phận nhỏ thôi là những người Hà Nội “chưa văn minh, thanh lịch”.


Biết chuyện học sinh Hà Nội được dạy văn minh, thanh lịch, lão cười ngậm ngùi: “Tốn tiền tỷ để soạn tài liệu cơ à? Chắc phải công phu lắm. Nhưng, cần lắm chứ. Gấp lắm rồi. Làm thế nào để chúng ta có thể tự hào với “bản sắc” của người thủ đô”.


Sống thanh lịch, văn minh, theo lão, trước hết phải biết sống tốt với chính mình đã. Là thương binh, mang trong mình dòng máu nhiễm chất độc da cam, 1 trong 4 người con của lão của bị ảnh hưởng của di chứng ấy, rồi nghèo đói bủa vây ngày xuất ngũ về quê, nhưng lão vẫn vượt qua tất cả, để không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp đỡ người khác phát triển kinh tế gia đình bằng việc hỗ trợ lợn giống.


Con cái lão “không học giỏi nhưng ngoan”. Lão không trách các con chuyện không học được mà chỉ động viên “kiếm lấy một cái nghề mà làm việc chân chính”. Hàng năm lão đều tham gia ủng hộ Quỹ Khuyến học của xã từ 6 đến 8 triệu đồng/năm.


Gia đình lớn với ba thế hệ (trước là 4) của lão vẫn quanh, bữa cơm vẫn có đầy đủ các thành viên, mọi người cười nói vui vẻ. Cuộc sống tôi chỉ có thế”.


  • Văn Chung
NHỮNG "CÔNG DÂN ƯU TÚ" KHÁC
Vị tướng đi làm bằng xe buýt
Là Thiếu tướng, nhưng ngày ngày ông vẫn rảo bộ ra ngõ, bắt xe buýt đi làm. Bữa sáng cũng chỉ giản đơn với gói xôi, cái bánh mỳ hay bát bún. Gần 80 tuổi, ông vẫn hăng say với công việc, làm quên giờ giấc.
 
'Mất gì nhau câu cảm ơn, sao kiệm lời thế!'
Đi ngoài đường, gặp những hành động dù nhỏ nhưng làm xấu hình ảnh như ăn uống, xả rác bừa bãi hay mắng nhiếc người vô lối,..của từ người bán hàng xén hay đám người sang trọng ngồi trong quán cà-phê, bà đều có lời trao đổi.